Lạm dụng Tamiflu trong điều trị cúm: Lợi bất cập hại

Tamiflu là thuốc điều trị cúm theo đơn, nhưng nhiều người dù chưa mắc vẫn mua về tích trữ, đề phòng khi mắc lại khó mua. Người bán, vì lợi nhuận đã cố tình bỏ qua các quy định, thậm chí tư vấn sai với khuyến cáo của nhà sản xuất, khiến loại thuốc này đang trở nên khan hiếm, ảnh hưởng đến những người thật sự cần. Thực tế trên rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng.

Nhu cầu mua thuốc Tamiflu tại Nhà thuốc FPT Long Châu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên những ngày gần đây tăng từ 5-7 lần so với trước Tết.

Nhu cầu mua thuốc Tamiflu tại Nhà thuốc FPT Long Châu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên những ngày gần đây tăng từ 5-7 lần so với trước Tết.

Những ngày sau Tết, số người mắc cúm, chủ yếu là cúm A trên địa bàn tỉnh tăng mạnh. Trong số này, chỉ có một tỷ lệ nhất định đến khám tại các cơ sở y tế, còn phần đông vẫn tự mua thuốc theo hiểu biết hoặc hướng dẫn của người bán thuốc. Chính vì thế, nhiều người vẫn nghĩ, Tamiflu là thuốc đặc hiệu cho tất cả những người có triệu trứng bị cúm.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội: Việc sử dụng Tamiflu phải được chỉ định bởi bác sĩ. Nếu người dùng lạm dụng sẽ gây ra hiện tượng kháng thuốc. Loại thuốc này phải điều trị theo liều, theo cân nặng và lứa tuổi. Trong quá trình điều trị vẫn phải theo dõi, đảm bảo tuân thủ đúng, không sử dụng theo lời khuyên của người không phải là bác sĩ chuyên khoa.

Còn theo bác sĩ Bùi Thị Bích, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Gang Thép: Trong số 34 bệnh nhân được điều trị tại Khoa hiện nay, có một nửa bệnh nhân mắc cúm A. Chúng tôi chỉ kê Tamiflu cho những bệnh nhân thuộc nhóm có biến chứng (viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi nặng…) và nhóm có nguy cơ (có 1 trong 5 yếu tố: trẻ em dưới 5 tuổi, suy dinh dưỡng, béo phì, hen phế quản, suy giảm miễn dịch bẩm sinh; người trên 65 tuổi; phụ nữ có thai; người có bệnh mạn tính (phổi, gan, suy thận, đái tháo đường, tim mạch); bệnh nhân suy giảm miễn dịch (ung thư, HIV/AIDS).

Hiện, loại thuốc này không có trong danh mục bảo hiểm y tế chi trả tại Bệnh viện nên những trường hợp được kê Tamiflu, chúng tôi hướng dẫn mua tại Nhà thuốc Bệnh viện (giá bán là 48 nghìn đồng/viên - PV). Trước nhu cầu đối với loại thuốc này, Bệnh viện Gang Thép đã có kế hoạch dự trù mua để đảm bảo trong quá trình thu dung, điều trị bệnh nhân. Dự kiến, cuối tháng 2 này sẽ có. - bác sĩ Bùi Thị Bích

Cũng như đại đa số các loại thuốc khác, không phải ai cũng có thể dùng Tamiflu. Loại thuốc này được nhà sản xuất khuyến cáo chống chỉ định cho những người quá mẫn với oseltamivir phosphate hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc. Ngoài ra, căn cứ vào tình trạng bệnh, loại bệnh… thông qua việc khám lâm sàng, bác sĩ sẽ đưa ra quyết định có cho bệnh nhân sử dụng hay không sử dụng Tamiflu, nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Giá bán thuốc Tamiflu tại Nhà thuốc Bệnh viện Gang Thép hiện vẫn ổn định 48.018 đồng/viên.

Giá bán thuốc Tamiflu tại Nhà thuốc Bệnh viện Gang Thép hiện vẫn ổn định 48.018 đồng/viên.

Quy định là thế nhưng trên thực tế, việc mua loại thuốc này không cần có đơn tại phần lớn nhà thuốc tư nhân trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra khá phổ biến. Chính vì thế đã tạo ra sự khan hiếm, khiến những người có nhu cầu thật sự gặp khó trong việc tìm mua hoặc phải mua với giá rất đắt.

Để hiểu rõ hơn về thực tế này, chúng tôi trong vai khách hàng đã đi hỏi mua loại thuốc này tại 14 cửa hàng thuốc trên đường Lương Ngọc Quyến. Kết quả là có 8 cửa hàng cho biết đã hết loại thuốc này; 2 cửa hàng chỉ còn thuốc nội, hoặc thuốc do Nga sản xuất; chỉ có 4 cửa hàng còn thuốc nhưng không nhiều và giá bán khá cao. Cao nhất là Nhà thuốc V.N, với giá bán 75 nghìn đồng/viên (750.000 đồng/hộp 10 viên, do Pháp sản xuất, trước đó mấy ngày, nhà thuốc này còn bán với giá 80 nghìn đồng/viên). Một nhà thuốc khác gần đó thì bán với giá 70 nghìn đồng/viên… Dù không cần đơn, bất kể ai có nhu cầu cũng đều có thể được mua.

Bà Bùi Thanh Nga, phường Trưng Vương (TP. Thái Nguyên) sau khi đi du lịch về thấy người ngây ngấy sốt, mệt mỏi, nghi mắc cúm A nên đã đi mua các loại thuốc theo hướng dẫn của con gái. Bà Nga chia sẻ: Tôi mua 2 hộp Tamiflu, 4 bộ kít test 5 trong 1, cùng một ít thuốc hạ sốt, Oresol, nước muối để dự phòng cho cả nhà, hết gần 2 triệu đồng. Riêng thuốc Tamiflu, tôi phải đi mấy cửa hàng mới có nên biết giá 800 nghìn đồng/hộp là đắt nhưng vẫn phải chấp nhận. Kít test họ cũng bán 60 nghìn đồng/bộ. Sau khi mua, tôi mới biết, chị gái tôi mua tại bệnh viện hiện cũng chỉ có giá gần 500 nghìn đồng/hộp, nhưng phải có đơn thì mới mua được.

Chỉ những bệnh nhân thuộc nhóm có biến chứng và nhóm nguy cơ mới được các bác sĩ Bệnh viện Gang Thép chỉ định dùng Tamiflu khi mắc cúm A.

Chỉ những bệnh nhân thuộc nhóm có biến chứng và nhóm nguy cơ mới được các bác sĩ Bệnh viện Gang Thép chỉ định dùng Tamiflu khi mắc cúm A.

Chị Vũ Thị Huyền, Giám đốc Kinh doanh khu vực Công ty cổ phần Dược phẩm FPT Long Châu cho biết: Nhu cầu thuốc Tamiflu những ngày gần đây tại Long Châu tăng khoảng 5-7 lần so với trước Tết. Chúng tôi luôn nỗ lực tìm nguồn cung từ các nhà sản xuất, nhà phân phối để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân. Thuốc tại Long Châu luôn chính hãng, có nguồn gốc rõ ràng và giá bình ổn.

Riêng thuốc Tamiflu vẫn bán với giá 52 nghìn đồng/viên. Chúng tôi luôn khuyến cáo khách hàng chỉ nên uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ; không nên mua tích trữ để không làm mất đi cơ hội có thuốc của người thực sự cần và chúng tôi cũng chỉ bán cho người có đơn thuốc. - chị Vũ Thị Huyền

Có thể nói, tình trạng khan hàng, tăng giá bất hợp lý đối với mặt hàng thuốc không phải bây giờ mới có, mà đã xảy ra nhiều lần trong những năm gần đây, đặc biệt là giai đoạn diễn ra dịch COVID-19. Điều này rất cần được các cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm nhằm trục lợi trong kinh doanh. Các bệnh viện cũng cần quan tâm đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại đơn vị, góp phần bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân.

Trước tình trạng khan hiếm thuốc Tamiflu, ngày 12-2, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Sở Y tế các địa phương; các bệnh viện, viện thuộc Bộ Y tế; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc về việc bảo đảm cung ứng và kiểm soát giá thuốc điều trị cúm mùa. Trong đó, yêu cầu các địa phương thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở cố tính bán thuốc kháng vi rút trị cúm A (thuốc Tamiflu và các thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir) dù người mua không có đơn của bác sĩ, đồng thời tăng giá bán những loại thuốc trên…

Hạ Liên

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/y-te/202502/lam-dung-tamiflu-trong-dieu-tri-cum-loi-bat-cap-hai-4671be9/
Zalo