Lạm dụng công cụ kiểm soát riêng tư, Apple bị phạt hơn 162 triệu USD

Hôm qua (31/3), Apple đã bị cơ quan quản lý chống độc quyền Pháp phạt hơn 162 triệu USD vì lạm dụng vị trí thống trị trong lĩnh vực quảng cáo ứng dụng di động trên các thiết bị thông qua công cụ kiểm soát quyền riêng tư.

Khoản phạt này - là lần đầu tiên một cơ quan chống độc quyền nhắm vào công cụ App Tracking Transparency (ATT) của Apple - được đưa ra một năm sau khi Liên minh châu Âu (EU) phạt công ty của Mỹ số tiền khổng lồ lên tới 1,94 tỷ USD vì cản trở các dịch vụ phát nhạc trực tuyến đối thủ trên App Store.

Cơ quan quản lý chống độc quyền Pháp phạt Apple hơn 162 triệu USD vì lạm dụng vị trí thống trị trong lĩnh vực quảng cáo ứng dụng di động trên các thiết bị thông qua công cụ kiểm soát quyền riêng tư.

Cơ quan quản lý chống độc quyền Pháp phạt Apple hơn 162 triệu USD vì lạm dụng vị trí thống trị trong lĩnh vực quảng cáo ứng dụng di động trên các thiết bị thông qua công cụ kiểm soát quyền riêng tư.

Người đứng đầu Cơ quan Cạnh tranh Pháp đã bác bỏ lo ngại rằng quyết định này có thể dẫn đến sự trả đũa từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, người từng đe dọa áp đặt các khoản phạt lên các quốc gia EU vì phạt các công ty của Mỹ.

"Chúng tôi áp dụng luật cạnh tranh mà không thiên vị chính trị", ông Benoit Coeure phát biểu trong một buổi họp báo.

"Nhưng những gì chúng tôi được nghe... là phía Mỹ dự định áp dụng luật chống độc quyền đối với các nền tảng số lớn một cách nghiêm ngặt như những người tiền nhiệm của họ. Vì vậy, về mặt chống độc quyền, tôi không thấy có bất kỳ mâu thuẫn nào giữa Mỹ và châu Âu trong cách chúng tôi thực thi luật pháp trong trường hợp này", ông Coeure thêm vào.

Công cụ ATT cho phép người dùng iPhone và iPad quyết định ứng dụng nào được phép theo dõi hoạt động của họ. Các công ty quảng cáo số và game di động đã phàn nàn rằng công cụ này khiến việc quảng cáo cho các thương hiệu trên nền tảng của Apple trở nên đắt đỏ và khó khăn hơn.

"Dù chúng tôi thất vọng với quyết định hôm nay, Cơ quan Cạnh tranh Pháp không yêu cầu thay đổi cụ thể nào đối với ATT", Apple tuyên bố.

Ông Coeure cho biết cơ quan quản lý không quy định rõ Apple phải thay đổi ứng dụng như thế nào, mà công ty này phải tự đảm bảo tuân thủ phán quyết. Quá trình tuân thủ có thể mất một thời gian, ông nói thêm, vì Apple đang chờ phán quyết từ các cơ quan quản lý ở Đức, Ý, Ba Lan và Romania, những nơi cũng đang điều tra công cụ ATT.

Vụ việc tại Pháp, kéo dài từ năm 2021 đến 2023, bắt nguồn từ khiếu nại của một số hiệp hội đại diện cho các nhà quảng cáo trực tuyến, nhà xuất bản và mạng internet, cáo buộc Apple lạm dụng quyền lực thị trường.

"Dù mục tiêu của ATT không phải là điều đáng chỉ trích, cách triển khai nó không cần thiết cũng không tương xứng với mục tiêu bảo vệ dữ liệu cá nhân mà Apple tuyên bố", cơ quan quản lý cho biết trong một tuyên bố.

Họ bổ sung rằng công cụ bảo mật này "đặc biệt gây bất lợi cho các nhà xuất bản nhỏ" vì họ phụ thuộc nhiều vào việc thu thập dữ liệu bên thứ ba để duy trì hoạt động kinh doanh.

Liên minh Digitale, Hiệp hội các Nhà Quảng cáo Internet (SRI), Liên đoàn các Công ty Tư vấn và Mua sắm Truyền thông (Udecam) và Nhóm các Nhà xuất bản Dịch vụ Trực tuyến - những tổ chức đã khiếu nại lên cơ quan quản lý Pháp - cho rằng quyết định này là một chiến thắng quan trọng cho các nhà quảng cáo.

Đức Bình

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/lam-dung-cong-cu-kiem-soat-rieng-tu-apple-bi-phat-hon-162-trieu-usd-192250401012242989.htm
Zalo