Cửa hàng ứng dụng của Apple và Google chứa các VPN miễn phí liên kết với tập đoàn Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt
Phát hiện mới tiết lộ rằng các ứng dụng VNP giúp 'duyệt web riêng tư' miễn phí, phổ biến với người dùng Mỹ, có liên kết với Qihoo 360. Đây là tập đoàn bị Mỹ đưa vào danh sách đen vào năm 2020.
Cửa hàng ứng dụng di động của Apple và Google đã lưu trữ một số ứng dụng VNP (mạng riêng ảo) phổ biến do công ty liên kết với Qihoo 360 - tập đoàn an ninh mạng Trung Quốc đang bị chính phủ Mỹ trừng phạt điều hành.
Theo báo cáo mới từ tổ chức nghiên cứu Tech Transparency Project và các phát hiện bổ sung từ trang Financial Times, ít nhất 5 VPN miễn phí trên các cửa hàng ứng dụng của Mỹ có liên hệ với Qihoo 360, tập đoàn niêm yết trên sàn chứng khoán Thượng Hải.
Tech Transparency Project là tổ chức nghiên cứu chuyên điều tra và giám sát các hãng công nghệ lớn, đặc biệt là vấn đề liên quan đến quyền riêng tư, bảo mật dữ liệu, thông tin sai lệch và ảnh hưởng của công nghệ với xã hội.
Tech Transparency Project thường công bố các báo cáo về cách các nền tảng công nghệ như Google, Apple, Facebook, Amazon hoạt động, gồm việc thu thập dữ liệu người dùng, tác động chính trị và quan hệ với chính phủ. Mục tiêu của tổ chức là tăng tính minh bạch trong ngành công nghệ và giúp công chúng hiểu rõ hơn về các rủi ro tiềm ẩn từ những gã khổng lồ công nghệ.
Qihoo 360 (từng được biết đến với tên 360 Security Technology) bị Mỹ trừng phạt vào năm 2020 vì cáo buộc có liên kết với quân đội Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Mỹ sau đó đã đưa Qihoo 360 vào danh sách các công ty có quan hệ với quân đội Trung Quốc.
Báo cáo của Tech Transparency Project cũng chỉ ra rằng 20 trong số 100 ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên Apple App Store thuộc sở hữu của các công ty Trung Quốc. Tech Transparency Project cảnh báo rằng “hàng triệu người Mỹ vô tình gửi lưu lượng truy cập internet của họ đến các công ty Trung Quốc”.
Những tiết lộ này xuất hiện trong bối cảnh Mỹ ngày càng lo ngại về các hãng công nghệ Trung Quốc và những rủi ro an ninh quốc gia mà họ có thể gây ra.
Nguy cơ bị theo dõi khi kết nối VPN
VPN giúp người dùng vượt qua các giới hạn địa lý và tường lửa bằng cách cung cấp kết nối được mã hóa tới một máy chủ, cho phép truy cập nội dung bị chặn ở quốc gia của họ.
Tuy nhiên, khi kết nối với VPN, toàn bộ hoạt động internet của người dùng có thể bị theo dõi. Luật an ninh quốc gia của Trung Quốc yêu cầu tất cả công ty và cá nhân hợp tác với các cuộc điều tra tình báo nhà nước và bàn giao dữ liệu khi được yêu cầu.
Năm ứng dụng VPN có liên quan đến Qihoo 360 gồm Turbo VPN, VPN Proxy Master, Thunder VPN, Snap VPN, Signal Secure VPN. Cả năm ứng dụng này đều có trên cửa hàng ứng dụng của Apple và Google tại Mỹ tính đến tuần trước. Sau khi trang Financial Times liên hệ với Apple để tìm bình luận, Thunder VPN và Snap VPN đã bị gỡ khỏi App Store.
Theo ước tính từ Sensor Tower, ba trong số năm ứng dụng này đã nhận được hơn 1 triệu lượt tải xuống trên App Store và Google Play chỉ trong năm 2025.
Sensor Tower là công ty phân tích dữ liệu chuyên theo dõi và cung cấp thông tin chi tiết về ứng dụng di động trên nền tảng iOS và Android.
Qihoo 360 che giấu mối liên kết?
Danh mục ứng dụng VPN này được vận hành bởi Innovative Connecting Pte, công ty có trụ sở tại Singapore. Innovative Connecting Pte thuộc sở hữu của Lemon Seed Technology, một công ty đăng ký tại Quần đảo Cayman, theo hồ sơ kinh doanh tại Singapore.
Tháng 1.2020, Qihoo 360 tuyên bố đã chi 69,9 triệu USD để mua lại Lemon Seed Technology và hai công ty khác. Đến tháng 5.2020, chính quyền Trump đưa Qihoo 360 vào danh sách đen thương mại, cắt đứt quyền tiếp cận công nghệ Mỹ và đặt các ứng dụng VPN của công ty vào tình trạng nguy hiểm do chúng chủ yếu phục vụ người dùng quốc tế (vì VPN bị cấm tại Trung Quốc).
Đến tháng 9.2020, Qihoo 360 thông báo với các nhà đầu tư rằng đang “xem xét lại chiến lược quốc tế” và bán cái gọi là Dự án L với giá 70,1 triệu USD, gồm cả danh mục năm ứng dụng VPN gồm Turbo VPN, VPN Proxy Master, Thunder VPN, Snap VPN và Signal Secure VPN. Tuy nhiên, Qihoo 360 không tiết lộ danh tính người mua.
Tuy vậy, một công ty con của Qihoo 360 có trụ sở tại thành phố Quảng Châu từng được thành lập vào tháng 12.2019 để thuê các nhà phát triển Trung Quốc quản lý các ứng dụng VPN này, vẫn thuộc sở hữu của Qihoo 360.
Năm 2021, công ty này đổi tên thành Guangzhou Lianchuang Technology.
Đến năm 2023, Qihoo 360 cuối cùng đã bán công ty này cho một doanh nghiệp mới thành lập ở Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc) với giá 1 nhân dân tệ, theo hồ sơ kinh doanh địa phương. Chủ sở hữu phần lớn doanh nghiệp ở Bắc Kinh này là Chen Ningyi, người từng điều hành bộ phận bảo mật điện thoại của Qihoo 360 và hiện là giám đốc duy nhất của Lemon Seed Technology.
Khi phóng viên Financial Times đến văn phòng Guangzhou Lianchuang Technology, hai lập trình viên xác nhận đang phát triển các ứng dụng VPN dành cho người dùng nước ngoài và công ty vẫn có liên hệ với Qihoo 360.
“Bạn có thể nói rằng chúng tôi thuộc Qihoo 360, nhưng cũng có thể nói là không. Điều này thật phức tạp”, một lập trình viên nói.
Trong các tin tuyển dụng gần đây, Guangzhou Lianchuang Technology cho biết các ứng dụng của họ hoạt động tại hơn 220 quốc gia và có 10 triệu người dùng hoạt động hằng ngày. Công ty cũng đang tuyển dụng nhân sự có “hiểu biết sâu rộng về văn hóa Mỹ” để phân tích dữ liệu nền tảng.

Văn phòng ở Quảng Châu của Innovative Connecting Pte và Guangzhou Lianchuang Technology - Ảnh: FT
Apple và Google đối mặt với chỉ trích
Apple và Google đều có chính sách cấm các ứng dụng VPN thu thập hoặc chia sẻ dữ liệu người dùng mà không có sự đồng ý. Apple còn quy định rõ rằng các ứng dụng VPN không được chia sẻ dữ liệu với bên thứ ba. Tuy nhiên, Matthew Green, chuyên gia mật mã tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), nói: “Các ứng dụng có chính sách bảo mật riêng. Không dễ để đảm bảo rằng các chính sách này được tuân thủ”. Matthew Green từng kiểm tra tính bảo mật của từng VPN.
Ông giải thích rằng VPN có quyền truy cập vào toàn bộ kết nối mạng của điện thoại, đồng nghĩa mọi hoạt động trực tuyến đều phải đi qua dịch vụ VPN.
Apple đã gỡ bỏ các ứng dụng VPN vốn cho phép người dùng vượt qua tường lửa của Trung Quốc khỏi App Store tại quốc gia này vào năm 2017. Động thái đó bị các nhà phát triển chỉ trích, cho rằng Apple đang ủng hộ kiểm duyệt nội dung của chính phủ Trung Quốc.
Google đã rút khỏi Trung Quốc vào năm 2010 và Play Store hiện không khả dụng tại quốc gia này.
Apple tuyên bố tuân thủ đầy đủ các luật và quy định liên quan, sẽ có hành động gỡ bỏ các ứng dụng vi phạm quy tắc nghiêm ngặt về VPN hoặc buộc chúng phải tuân thủ các quy định.
Ngoài ra, Apple cũng khẳng định rằng các quy tắc của App Store không hạn chế quyền sở hữu ứng dụng bởi công dân hoặc công ty từ các quốc gia cụ thể.
Google cho biết cam kết tuân thủ các lệnh trừng phạt và luật thương mại hiện hành, đồng thời tuyên bố: “Khi phát hiện các tài khoản có thể vi phạm luật, chính sách liên quan hoặc điều khoản dịch vụ, chúng tôi sẽ có hành động thích hợp”.
Tháng 1 vừa qua, Google thông báo sẽ triển khai huy hiệu “đã xác minh” cho các ứng dụng VPN trên Play Store, dành cho những ứng dụng thực hiện các bước bổ sung để đảm bảo an toàn. Turbo VPN vừa nhận được huy hiệu “đã xác minh” này.
Guangzhou Lianchuang Technology từ chối bình luận. Qihoo 360, Innovative Connecting Pte và Chen Ningyi cũng không phản hồi các câu hỏi của trang Financial Times.