Tập đoàn Mỹ xây lò điện hạt nhân cho khu công nghiệp, giảm 500.000 tấn CO2/năm
Tập đoàn hóa chất Mỹ dự kiến triển khai lò phản ứng hạt nhân riêng cho khu công nghiệp, với công suất 100 MW, dự kiến cắt giảm 500.000 tấn khí CO2 mỗi năm.
Tập đoàn Dow và công ty năng lượng hạt nhân X-energy đang xúc tiến kế hoạch triển khai bốn lò phản ứng mô-đun nhỏ tiên tiến (SMR) nhằm cung cấp điện và hơi nước công nghiệp cho khu tổ hợp hóa chất - nhựa khổng lồ của Dow tại Seadrift, bang Texas. Dự án được kỳ vọng có thể giúp cắt giảm khoảng 500.000 tấn khí nhà kính mỗi năm, thay thế các thiết bị chạy khí đốt bằng nguồn năng lượng hạt nhân ổn định và không phát thải carbon.
Theo đó, Long Mott Energy LLC - công ty con của Dow – đã nộp đơn xin cấp phép xây dựng lên Ủy ban Điều tiết Hạt nhân Hoa Kỳ (NRC), đánh dấu bước tiến quan trọng có thể mở ra thay đổi lớn trong việc cung cấp năng lượng cho ngành công nghiệp.
Nếu được phê duyệt, Seadrift sẽ trở thành nhà máy điện hạt nhân tiên tiến thương mại đầu tiên ở Mỹ được xây dựng dành riêng cho mục đích vận hành khu công nghiệp. Năng lượng hạt nhân từng vấp phải nhiều lo ngại về chất thải phóng xạ, an toàn và an ninh, các chuyên gia cho rằng, thiết kế lò phản ứng thế hệ mới có thể khắc phục các vấn đề này, đồng thời mang lại nguồn điện ổn định và không phát thải.
4 lò phản ứng cho khu công nghiệp rộng 19 triệu m2
Khu công nghiệp Seadrift rộng 4.700 mẫu Anh (hơn 19 triệu m2), nằm gần vùng duyên hải Texas, gồm tám nhà máy sản xuất thuộc sở hữu Dow và một nhà máy do Braskem vận hành. Tổ hợp này sản xuất nhựa, glycol và các hợp chất hóa học sử dụng trong đóng gói thực phẩm, cách điện dây dẫn và mỹ phẩm.

Nếu được phê duyệt, các lò điện hạt nhân tiên tiến này có thể thay thế các hệ thống sử dụng khí đốt tự nhiên đã cũ của tập đoàn Dow. (Nguồn: Interesting Engineering)
Theo kế hoạch, bốn lò phản ứng nhỏ Xe-100 của X-energy - mỗi lò có công suất 80 MW điện hoặc 200 MW nhiệt - sẽ cung cấp tổng công suất lên tới 320 MW điện hoặc 800 MW nhiệt.
Ông Edward Stones – Phó Chủ tịch phụ trách mảng năng lượng và khí hậu của Dow – gọi hồ sơ xin cấp phép từ NRC là “bước tiến quan trọng nhằm mở rộng khả năng tiếp cận năng lượng hạt nhân an toàn, sạch, ổn định và cạnh tranh tại Mỹ".
Nếu tiến độ đúng kế hoạch, các lò phản ứng có thể đi vào hoạt động vào đầu năm 2030.
Hình mẫu cho ngành công nghiệp
Bên cạnh tác động môi trường tích cực với riêng Dow, dự án còn có thể trở thành hình mẫu cho các khu công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng. Trong bối cảnh nhu cầu điện ngày càng tăng - đặc biệt từ AI, trung tâm dữ liệu và sản xuất - cùng áp lực cắt giảm phát thải, năng lượng hạt nhân đang lấy lại đà phát triển tại Mỹ.
Giám đốc X-energy, ông Jonathan Clay Sell khẳng định, dự án cho thấy, cách năng lượng hạt nhân thế hệ mới có thể đáp ứng tốc độ tăng nhu cầu điện nhanh trên khắp nước Mỹ. X-energy cũng đang hợp tác riêng với Amazon để đưa hơn 5 GW công suất điện hạt nhân vào hoạt động trên toàn quốc từ nay đến năm 2039.
Ủy ban Điều tiết Hạt nhân Hoa Kỳ cho biết, bên cạnh tập đoàn Dow, các đơn vị như Đại học Cơ Đốc Abilene, Kairos Power và TerraPower của tỷ phú Bill Gates cũng đang nộp hồ sơ xây dựng lò phản ứng tiên tiến. Việc đánh giá có thể mất tới ba năm.
Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới – Obninsk – được Liên Xô (nay là Nga) đưa vào vận hành năm 1954 với công suất 5 MW. Tính đến năm 2023, toàn cầu có khoảng 440 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động tại 32 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điện hạt nhân tạo ra khoảng 2.600 TWh mỗi năm, chiếm gần 10% tổng sản lượng điện toàn cầu và giúp cắt giảm hàng triệu tấn khí CO₂ - giải pháp quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Hoa Kỳ hiện là nhà sản xuất điện hạt nhân lớn nhất thế giới, với 93 lò phản ứng, cung cấp khoảng 20% nhu cầu điện quốc gia. Pháp dẫn đầu về tỷ trọng điện hạt nhân trong cơ cấu năng lượng, chiếm tới 68,5%. Trong khi đó, châu Á đang trở thành khu vực phát triển năng lượng hạt nhân nhanh nhất thế giới, với Trung Quốc và Ấn Độ mở rộng công suất.