Làm du lịch bền vững - con đường khó nhưng tất yếu phải đi
Đó là chia sẻ của ông Phạm Hà, Chủ tịch LuxGroup, về những thách thức và cơ hội trong hành trình phát triển du lịch xanh, tạo ra những sản phẩm du lịch gắn với thiên nhiên, bảo tồn và lan tỏa giá trị văn hóa vùng miền, hấp dẫn du khách quốc tế.
Theo khảo sát của Booking.com, năm qua, 74% số du khách toàn cầu mong muốn du lịch bền vững nhưng vẫn thiếu lựa chọn rõ ràng - đây là cơ hội cho DN tiên phong định hướng thị trường.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng như biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên thiên nhiên và hệ lụy ngày càng rõ nét từ du lịch đại trà, “du lịch xanh” không đơn thuần là một lựa chọn mang tính thời điểm, mà đã trở thành một yêu cầu bắt buộc để ngành du lịch có thể tồn tại và phát triển một cách bền vững.
Chia sẻ về những thách thức và cơ hội trong hành trình phát triển du lịch xanh, tạo ra những sản phẩm du lịch gắn với thiên nhiên, bảo tồn và lan tỏa giá trị văn hóa vùng miền, hấp dẫn du khách quốc tế, ông Phạm Hà, Chủ tịch LuxGroup - đơn vị tiên phong trong phát triển các sản phẩm du lịch xanh cho biết, tại LuxGroup và đặc biệt là công ty thành viên Lux Travel DMC, tư duy phát triển bền vững đã được xác lập ngay từ những ngày đầu thành lập. Đây không chỉ là một tuyên ngôn thương hiệu, mà là một cam kết hành động cụ thể, xuyên suốt trong mọi chiến lược và hoạt động.

Chủ tịch LuxGroup Phạm Hà chia sẻ tại diễn đàn “Phát triển các Điểm đến Xanh,nâng tầm Du lịch Việt Nam”, do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức, sáng 11/4.Ảnh: Khánh Huy
“Thị trường khách hàng mục tiêu của chúng tôi 80% đến từ châu Âu, Mỹ, Úc - những thị trường ngày càng ưu tiên các sản phẩm du lịch có trách nhiệm: giảm phát thải, hỗ trợ cộng đồng và bảo tồn văn hóa địa phương. Bên cạnh đó, LuxGroup đã đăng ký và thực hành theo tiêu chuẩn Travelife - chứng nhận bền vững uy tín được công nhận bởi GSTC (Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu) và UN Tourism. Đây là kim chỉ nam để LuxGroup hướng tới mục tiêu bên vững bằng việc thực hiện những tiêu chí cụ thể trong chuẩn hóa quy trình nội bộ, kết nối đối tác quốc tế cùng giá trị phát triển bền vững. Ngoài ra, chúng tôi cam kết mạnh mẽ từ cấp lãnh đạo đến toàn thể nhân sự trong việc theo đuổi mô hình ESG. Mục tiêu của LuxGroup là đạt phát thải ròng tích cực (Net Positive Impact) vào năm 2030, hướng đến không chỉ trung hòa, mà còn tạo thêm giá trị cho môi trường và cộng đồng. Chúng tôi đã thực hiện kiểm toán phát thải ròng với lộ trình minh bạch, tiến tới “net zero” có kiểm chứng” - ông Phạm Hà cho hay.
Tại Việt Nam, những năm gần đây, du lịch xanh - du lịch bền vững đang được nhiều DN du lịch ưu tiên phát triển, đặc biệt là tại các vùng di sản, văn hóa tâm linh. Các chuyên gia nhận định, đây cũng sẽ là xu hướng tương lai của ngành du lịch, hướng tới bảo tồn và phát triển bền vững, song hành với gìn giữ và quảng bá văn hóa bản địa.
Tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch xanh tại Việt Nam là rất lớn, dẫu vậy, các DN du lịch, lữ hành cũng đang gặp phải không ít những khó khăn, thách thức trong định hướng phát triển loại hình du lịch bền vững này. Thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, thử thách trong quá trình các DN làm du lịch xanh, Chủ tịch LuxGroup Phạm Hà cho rằng, những vấn đề DN du lịch cần giải quyết là bài toán kinh tế. Việc đầu tư vào thiết bị tiết kiệm năng lượng, xử lý rác thải, vật tư thân thiện môi trường… đòi hỏi chi phí cao và thời gian hoàn vốn dài. Minh chứng cụ thể, ông Phạm Hà cho hay, tại LuxGroup đã thay thế hoàn toàn chai nhựa dùng một lần, dùng túi vải thay túi nilon, trang bị thiết bị tiết kiệm điện cho văn phòng và du thuyền.
Một vấn đề nữa cũng được người đứng đầu LuxGroup chỉ ra là nhận thức chưa đồng đều trong chuỗi cung ứng và thị trường. Việc thuyết phục các đối tác, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa cùng cam kết hành động vì tiêu chuẩn xanh vẫn đang là bài toán khó cần giải bằng các hình thức đối thoại, đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật.
Các sản phẩm du lịch xanh cũng khó cạnh tranh bởi giá thành cao khiến sản phẩm du lịch bền vững khó tiếp cận thị trường đại chúng, đòi hỏi chiến lược định vị giá trị và truyền thông rõ ràng. Tại châu Âu, du lịch bền vững là bắt buộc theo quy định pháp lý. Muốn đón khách từ thị trường này, DN phải có chứng nhận quốc tế, kiểm toán minh bạch. Travelife là một trong những hệ thống chứng nhận toàn cầu, chia làm 3 cấp độ: cấp 1 - cam kết, có thể đăng ký ngay hôm nay; cấp 2 - hành động, với 150 tiêu chí thực hành; cấp 3 - certified, kiểm toán thực tế, gần 250 tiêu chí, hiện mới có khoảng 500 DN toàn cầu đạt được. Ngoài ra, các DN có thể bắt đầu với bộ tiêu chí VITA Green - 100 tiêu chí bắt buộc và tự nguyện do Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát động.
“Chúng tôi tin rằng, chỉ bằng cách đặt yếu tố con người, văn hóa và môi trường vào trung tâm của hành trình trải nghiệm, ngành du lịch mới có thể thực sự tạo ra giá trị lâu dài cho cả cộng đồng địa phương và du khách. LuxGroup sẵn sàng chia sẻ, hợp tác và lan tỏa những kinh nghiệm thực tiễn, cùng xây dựng một hệ sinh thái du lịch vững mạnh - nơi mỗi DN không chỉ phát triển bền vững, mà còn tạo ra giá trị chung cho con người, thiên nhiên và di sản” - Chủ tịch LuxGroup Phạm Hà chia sẻ thêm.