Lâm Đồng: Trồng rau kiểu lạ, cả làng muốn xem

Anh Phạm Thế Tuấn, nông dân công nghệ cao, 36 tuổi, trú tại xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) thu hoạch được 40kg rau/1 mét vuông, kiếm tiền triệu mỗi ngày nhờ việc trồng rau khí canh trên các ống nhựa hình trụ.

Clip: Anh Phạm Thế Tuấn giới thiệu mô hình trồng rau khí canh của mình.

Trồng rau kiểu lạ, cả làng muốn xem

Vừa qua, phóng viên Dân Việt đã tận mắt chứng kiến những trụ trồng rau khí canh được dựng giữa trời của anh Phạm Thế Tuấn.

Mô hình trồng rau mới mẻ này của anh Tuấn được địa phương đánh giá là độc đáo, mang lại hiệu quả kinh tế và giúp đa dạng hóa cơ cấu cây trồng trên địa bàn xã.

Thời điểm có mặt tại khu vườn của anh Tuấn, khoảng 10 trụ trồng rau khí canh phi 400 của anh Tuấn đang xanh mơn mởn những cây xà lách.

Anh Tuấn cho biết, những trụ trồng rau khí canh này của anh là mô hình để người dân, du khách tham quan. Còn khu vực trồng rau thương phẩm của anh Tuấn có khoảng 2.000 trụ.

Anh Phạm Thế Tuấn kiểm tra những cây rau được trồng theo phương pháp khí canh của mình.

Anh Phạm Thế Tuấn kiểm tra những cây rau được trồng theo phương pháp khí canh của mình.

Cầm những cây rau xà lách sạch trên tay, anh Phạm Thế Tuấn cho biết, năm 2018, anh xuất ngũ trở về Bảo Lâm và đã nghiên cứu làm mô hình này tại địa phương. Chỉ với diện tích khoảng 120 mét vuông, anh Tuấn đã đặt được 100 ống nhựa phi 200 và khoan lỗ để trồng rau trên đó.

Các loại rau trồng theo phương pháp khí canh của anh Tuấn phát triển mạnh và cho năng suất cao.

Các loại rau trồng theo phương pháp khí canh của anh Tuấn phát triển mạnh và cho năng suất cao.

"Trên các ống nhựa phi 200 tôi khoan 52 lỗ rồi gắn các cốc chứa giá thể xơ dừa và giống cây lên để trồng rau.

Các loại rau được trồng chủ yếu là xà lách, rau cải, bó xôi. Bên trong các trụ được tôi lắp hệ thống châm nước tự động. Nước từ chân trụ sẽ được tôi lập trình, hẹn giờ bơm lên đến đỉnh trụ. Thông qua các tầng béc phun sương, cây sẽ được hấp thụ nước và dinh dưỡng ở dạng sương.

Nước phun ra mà cây hấp thụ không hết thì sẽ rơi xuống chân trụ tạo thành một vòng tuần hoàn khép kín.

Dinh dưỡng dành cho cây được tôi bổ sung 2 ngày 1 lần theo liều lượng phù hợp với từng loại cây trồng.

Vụ đầu tiên tôi trồng và thu hoạch được 700kg rau các loại, sản lượng này cao hơn nhiều so với cách người ta trồng trên đất truyền thống", anh Phạm Thế Tuấn chia sẻ.

 Anh Tuấn phải bắc thang để kiểm tra và thu hoạch rau trên các trụ trồng rau.

Anh Tuấn phải bắc thang để kiểm tra và thu hoạch rau trên các trụ trồng rau.

Hiện nay, tại khu vực trồng rau để giới thiệu mô hình của anh Tuấn tại thôn 16, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm thì anh đang trồng rau trên các trụ phi 400. Các trụ này cao 4 mét và được khoan 60 lỗ để trồng rau. Trung bình, mỗi trụ trồng rau này anh Tuấn có thể thu hoạch được 40kg rau chỉ trên diện tích khoảng 1 mét vuông.

Một trụ trồng rau phi 400 của anh Tuấn có thể thu hoạch đến 40kg rau mà chỉ mất diện tích khoảng 1 mét vuông.

Một trụ trồng rau phi 400 của anh Tuấn có thể thu hoạch đến 40kg rau mà chỉ mất diện tích khoảng 1 mét vuông.

Anh Phạm Thế Tuấn cho biết: "Tại nơi tôi làm các trụ phi 400 này thì có nhiều du khách đến tham quan, săn mây.

Vì vậy, tôi đã lên ý tưởng làm trụ, vừa trồng rau để có doanh thu, lại trở thành điểm nhấn, tạo cảnh quan môi trường và thu hút khách.

Hiện nay, tôi đang trồng các loại rau ăn canh và ăn sống cùng một số loại củ, quả. Về rau, mỗi tháng trung bình tôi thu hoạch khoảng 1 tấn, trái cây thì thu được khoảng 2,5 – 3 tấn.

Sau khi trừ các chi phí ra, tôi thu nhập được khoảng 30 – 40 triệu đồng mỗi tháng. Sắp tới, tôi sẽ liên kết với người dân trong địa phương để nâng diện tích trồng rau, củ, quả, tăng sản lượng lên khoảng 10 tấn các loại, đáp ứng nhu cầu của thị trường, đối tác".

Anh Tuấn nghiên cứu mô hình trồng rau trong các xô nhựa.

Anh Tuấn nghiên cứu mô hình trồng rau trong các xô nhựa.

Ngoài trồng rau khí canh qua các trụ nhựa, anh Tuấn còn đang trồng rau trong các xô nhựa để nâng cao hiệu quả của mô hình. Cách làm trên cũng dựa trên nguyên lý hoạt động như các trụ nhựa và anh Tuấn đang tiếp tục hoàn thiện mô hình.

Anh Tuấn đang sẽ liên kết với người dân địa phương để tăng diện tích cũng như năng suất trong thời gian tới.

Anh Tuấn đang sẽ liên kết với người dân địa phương để tăng diện tích cũng như năng suất trong thời gian tới.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm cho biết: Mô hình của anh Tuấn là cách làm mới, độc đáo nhưng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Các sản phẩm làm ra có đầu ra ổn định và giá khá cao. Vì vậy đã mang lại doanh thu cao cho gia đình anh Tuấn. Mô hình này cũng giúp cho cơ cấu cây trồng của xã Lộc Thành được đa dạng, mang lại việc làm ổn định cho khoảng 10 người với mức lương từ 5-9 triệu đồng/tháng.

Theo Văn Long/Dân Việt

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/lam-dong-trong-rau-kieu-la-ca-lang-muon-xem-2010351.html
Zalo