Làm cách nào 'nâng hạng quyền lực' cho cuốn hộ chiếu Việt Nam?

Để tăng tính cạnh tranh và thứ hạng hộ chiếu Việt Nam, các chuyên gia cho rằng chúng ta cần cần một chiến lược tổng thể, đẩy mạnh hợp tác song phương – đa phương với các đối tác chiến lược...

Theo công bố từ Chỉ số xếp hạng hộ chiếu Henley mới đây, Việt Nam lần thứ hai liên tiếp tụt hạng kể từ tháng 1/2024 (chỉ đứng thứ 91 toàn cầu). (Ảnh minh họa: Vietnam+)

Theo công bố từ Chỉ số xếp hạng hộ chiếu Henley mới đây, Việt Nam lần thứ hai liên tiếp tụt hạng kể từ tháng 1/2024 (chỉ đứng thứ 91 toàn cầu). (Ảnh minh họa: Vietnam+)

Thứ hạng cao của cuốn hộ chiếu phản ánh một quốc gia an toàn, ổn định, hấp dẫn khách quốc tế và đặc biệt thu hút dòng khách cao cấp đến từ các nước phát triển. Điều này không chỉ góp phần định vị Việt Nam là điểm đến ưu tiên cho sản phẩm du lịch cao cấp, mà hình ảnh Việt Nam cũng trở nên đáng tin cậy và tăng uy tín với các quốc gia, để “tấm vé thông hành” là niềm tự hào giúp người Việt tự tin xê dịch khắp thế giới.

Tuy nhiên, theo công bố từ Chỉ số xếp hạng hộ chiếu Henley (Henley Passport Index) mới đây, Việt Nam lần thứ hai liên tiếp tụt hạng kể từ tháng 1/2024 (chỉ đứng thứ 91 toàn cầu). Điều này dấy lên nỗi lo ngại về những ảnh hưởng thiếu tích cực. Vậy làm sao để nâng hạng quyền lực cho hộ chiếu Việt Nam?

Hộ chiếu Việt tụt hạng

Trong bảng xếp hạng của Henley quý I năm ngoái, hộ chiếu Việt Nam giữ vị trí thứ 87. Sau đó tụt 3 bậc vào quý III, đứng vị trí 90. Và giờ đây, thứ hạng tiếp tục giảm về vị trí 91.

Với thứ hạng này, công dân Việt Nam có thể nhập cảnh 51 điểm đến mà không cần visa hoặc chỉ cần xin e-visa, visa cửa khẩu, ETA (giấy phép du lịch điện tử) trên tổng số 199 quốc gia, vùng lãnh thổ (quyền lợi tương tự vị trí thứ 90). Song, từ ngày 30/1, công dân mang hộ chiếu Việt Nam sẽ được miễn thêm thị thực khi đến Belarus (theo Hiệp định miễn thị thực song phương giữa hai nước).

Một số điểm đến công dân Việt Nam có thể nhập cảnh mà không cần visa hoặc chỉ cần e-visa, visa cửa khẩu gồm: Barbados, Bolivia, Brunei, Burundi, Campuchia, quần đảo Cape Verde, Chile, quần đảo Comoro, quần đảo Cook, Djibouti, Dominica, Guinea Bissau, Madagascar, Kyrgyzstan, Lào, Kazakhstan, Kenya, Iran, Indonesia, Malawi, Malaysia, Maldives, Panama, Philippines, Suriname, đảo Đài Loan, Tajikistan, Tanzania, Thái Lan, Timor-Leste, Tuvalu.

 Singapore sở hữu hộ chiếu quyền lực nhất thế giới. (Ảnh: Straits Times)

Singapore sở hữu hộ chiếu quyền lực nhất thế giới. (Ảnh: Straits Times)

Vậy top 10 hộ chiếu quyền lực nhất thế giới của Henley có những quốc gia nào? Châu Á có 4 đại diện gồm Singapore (giữ vị trí đứng đầu, sở hữu hộ chiếu quyền lực nhất thế giới, được miễn thị thực tới 195 quốc gia, vùng lãnh thổ), Nhật Bản (top 2), Hàn Quốc (top 3) và UAE (top 10).

Tại khu vực Đông Nam Á, Lào ở vị trí 93, Myanmar xếp thứ 94. Các nước còn lại xếp trên Việt Nam, từ vị trí 51 đến 89. Như vậy, có thể thấy ở khu vực Đông Nam Á, thứ hạng hộ chiếu Việt Nam chỉ xếp trên Lào và Myanmar.

Tăng cạnh tranh và thứ hạng cho hộ chiếu Việt

Thứ hạng hộ chiếu cao chính là công cụ marketing hiệu quả, giúp mở rộng hợp tác quốc tế, củng cố và nâng cao vị thế quốc gia trên bản đồ du lịch thế giới, thu hút đầu tư vào du lịch và dịch vụ.

Để tăng tính cạnh tranh và thứ hạng hộ chiếu Việt trong bảng xếp hạng thế giới, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần cần một chiến lược tổng thể, đẩy mạnh hợp tác song phương – đa phương với các đối tác chiến lược như ASEAN, EU cùng các nước phát triển khác; tăng cường đàm phán, ký kết hiệp định miễn thị thực…

 Nhân viên an ninh hàng không kiểm tra thông tin hành khách trước khi vào điểm soi chiếu an ninh. (Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN)

Nhân viên an ninh hàng không kiểm tra thông tin hành khách trước khi vào điểm soi chiếu an ninh. (Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN)

Theo đại diện Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), những nỗ lực ngoại giao chủ động của Việt Nam sẽ giúp tăng cường lòng tin quốc tế, từ đó dễ dàng kéo theo các quyết định như miễn thị thực hoặc đơn giản hóa quy trình thị thực khi nhập cảnh vào nhiều quốc gia.

Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế ấn tượng, hội nhập vào các thị trường toàn cầu cũng góp phần củng cố uy tín của Việt Nam như một đối tác ổn định, đáng tin cậy, nâng cao hình ảnh quốc gia trong mắt bạn bè thế giới.

Một trong những gợi ý được nhấn mạnh để góp phần nâng cao chất lượng quản lý hộ chiếu là Việt Nam có thể tham gia các chương trình chia sẻ dữ liệu, kiểm soát biên giới, chống di cư bất hợp pháp với các quốc gia khác.

Bên cạnh đó, việc xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia hòa bình và ổn định, thúc đẩy hợp tác quốc tế, tăng cường vị thế đất nước trong khối ASEAN để thúc đẩy chính sách hợp tác miễn thị thực trong khu vực cũng là giải pháp.

Du khách Việt cũng cần xây dựng hình ảnh đẹp khi xuất ngoại tới các quốc gia. Bởi mỗi công dân đều có thể là đại diện cho hình ảnh của đất nước một cách tích cực, góp phần quảng bá phong tục, văn hóa truyền thống của nước sở tại…

 Kiểm tra giấy tờ tùy thân của hành khách tại Sân bay Quốc tế Nội Bài. (Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN)

Kiểm tra giấy tờ tùy thân của hành khách tại Sân bay Quốc tế Nội Bài. (Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN)

Đặc biệt, đại diện nhiều đơn vị lữ hành cho rằng muốn tăng thứ hạng cho hộ chiếu Việt Nam, khách Việt chớ nên gian dối, mua tour du lịch nhưng sau đó trốn lại để lao động bất hợp pháp. “Hành động này sẽ làm giảm độ uy tín của người Việt, khiến những người có nhu cầu đi du lịch thực sự khó xin visa hơn,” nhà sáng lập DIDI Travel, ông Bùi Trí Nhã chia sẻ./.

Bảng xếp hạng hộ chiếu của Henley & Partners lấy dữ liệu từ Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế, cơ sở dữ liệu thông tin du lịch lớn, chính xác, được công bố 2-3 lần mỗi năm. Henley Passport Index bắt đầu xếp hạng hộ chiếu các quốc gia, vùng lãnh thổ từ năm 2006 đến nay.

Danh sách của Henley & Partners là một trong số nhiều bảng xếp hạng do các tổ chức tài chính xây dựng để đánh giá mức độ quyền lực của hộ chiếu toàn cầu.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/lam-cach-nao-nang-hang-quyen-luc-cho-cuon-ho-chieu-viet-nam-post1011681.vnp
Zalo