Lãi suất thấp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
Tín dụng 4 tháng đã tăng 5,15% so với đầu năm. Lãi suất đang gặp nhiều thách thức. Mặc dù vậy, lãi suất vẫn được duy trì ở vùng thấp tương đối và sẽ tiếp tục đóng vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Lãi suất tăng ở kỳ hạn ngắn
Bước sang tháng 5, thị trường ngân hàng ghi nhận sự điều chỉnh trái chiều trong biểu lãi suất huy động tại nhiều nhà băng. Trong khi một số ngân hàng tăng lãi suất ở các kỳ hạn ngắn để thu hút nguồn vốn, thì lãi suất ở các kỳ hạn dài lại có xu hướng giảm.

Với tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt trên 5% trong 4 tháng đầu năm, khả năng cao dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng ở mức 17- 18% trong năm nay.
Thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho thấy, trong 4 tuần qua, tính đến giữa tháng 5/2025, lãi suất tiền gửi cá nhân tại 36 ngân hàng nhìn chung ít biến động, chỉ có 7 ngân hàng điều chỉnh lãi suất, bao gồm 4 ngân hàng giảm, 1 ngân hàng tăng và 2 ngân hàng vừa tăng vừa giảm tùy kỳ hạn.
BacABank điều chỉnh tăng lãi suất đáng kể đối với các khoản tiền gửi từ 1 tỷ đồng trở lên. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 - 9 tháng tăng 0,4%, lên mức 4,1 - 5,65%/năm; các kỳ hạn 12 - 36 tháng tăng thêm 0,2 - 0,3% lên mức 5,9 - 6,2%/năm. Đây cũng là mức lãi suất cao nhất hiện nay tại BacABank, áp dụng cho kỳ hạn 18 - 36 tháng gửi tại quầy.
Một số ngân hàng tăng lãi suất ở các kỳ hạn ngắn để thu hút nguồn vốn, nhưng lãi suất ở các kỳ hạn dài lại có xu hướng giảm. Như Eximbank đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động trực tuyến cho các kỳ hạn dưới 6 tháng. Cụ thể, kỳ hạn 1-2 tháng tăng lên 4,1%/năm, trong khi kỳ hạn 3-5 tháng tăng lên 4,3%/năm – cao hơn khoảng 0,2 điểm phần trăm so với trước. Tuy nhiên, ở các kỳ hạn dài hơn, ngân hàng này lại hạ lãi suất. Kỳ hạn 6-9 tháng giảm còn 4,9%/năm, kỳ hạn 12-15 tháng giảm về mức 5,1%/năm. Riêng kỳ hạn từ 18 đến 36 tháng được giữ nguyên ở mức 5,6%/năm. GPBank có động thái điều chỉnh linh hoạt, tăng từ 0,05 - 0,3% và giảm từ 0,1 - 0,2%, tùy từng kỳ hạn.
Một số ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc như VCBNeo (trước đây là CBBank), Vikki Digital Bank (trước đây là Đông Á Bank) và VietBank vẫn neo lãi suất huy động đối với các kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống ở mức trên 4%/năm.
Nhóm ngân hàng thương mại do Nhà nước chi phối vốn gồm Agribank, Vietcombank, BIDV và VietinBank, tiếp tục duy trì mặt bằng thấp. Big 4 hiện là nhóm trả lãi suất tiết kiệm thấp nhất trên thị trường. Đối với kỳ hạn 1-3 tháng, lãi suất tiền gửi theo cả hai hình thức tại quầy và online tại các ngân hàng thuộc nhóm này đều thấp hơn so với tất cả các ngân hàng thương mại cổ phần khác từ 1% - 2%. Ở các kỳ hạn dài hơn, lãi suất dao động từ 3,8% đến 4,8%/năm– phản ánh chủ trương giữ mặt bằng huy động ở mức thấp nhằm hỗ trợ giảm lãi suất cho vay trong bối cảnh phục hồi kinh tế.
Tín dụng tăng trưởng tích cực
Lãi suất huy động đang có thể kìm giữ nhờ NHNN vẫn tiếp tục bơm thanh khoản nhiều cho hệ thống thì lãi suất vẫn duy trì thấp.
Trong báo cáo mới đây về việc thực hiện các nghị quyết chất vấn của Quốc hội, NHNN cho biết, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục có xu hướng giảm. Tính đến giữa tháng 4/2025, lãi suất cho vay bình quân đối với các khoản vay phát sinh mới của khối ngân hàng thương mại đạt khoảng 6,34%/năm, giảm 0,6 điểm phần trăm so với cuối năm 2024.
Dù nỗ lực kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay, song NHNN cũng thừa nhận, sức ép với lãi suất đang ngày càng lớn. Theo NHNN, mặt bằng lãi suất trong thời gian tới sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực. Trong đó, lãi suất cho vay giảm mạnh trong thời gian qua, khiến dư địa điều chỉnh tiếp trở nên hạn hẹp. Đồng thời, nhu cầu tín dụng dành cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng được dự báo sẽ tăng mạnh nhằm đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025, trong khi đó, khả năng huy động vốn của toàn hệ thống tổ chức tín dụng có thể gặp khó khăn do sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn khác...
Trước bối cảnh đó, NHNN sẽ tiếp tục bám sát diễn biến thị trường và tình hình kinh tế trong nước và quốc tế để điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả. Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ gắn với việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Số liệu của NHNN cho biết, tính đến ngày 28/4/2025, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 16.421.942 tỷ đồng, tăng 5,15% so với đầu năm (cùng kỳ năm trước tăng 2,06%),cho thấy nhu cầu vốn đang dần phục hồi.
MBS dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm nay sẽ đạt 17 – 18%, được thúc đẩy bởi: sự phục hồi của ngành sản xuất và tiêu dùng nội địa, và việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Chứng khoán KIS cho rằng, tăng trưởng tín dụng trong quý II/2025 có thể tiếp tục tăng cao hơn so với cùng kỳ. Song đáng lưu ý, báo cáo của KIS cho thấy, hiện biên lãi ròng (NIM) ngành ngân hàng đang bị thu hẹp. Trong quý I/2025, nhiều ngân hàng ghi nhận mức giảm NIM đáng kể, phản ánh tác động của mặt bằng lãi suất thấp và áp lực cạnh tranh trong hoạt động cho vay, duy trì lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ nền kinh tế. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu có dấu hiệu tăng trở lại trong quý I/2025.
Trong bối cảnh đó, nhiều ngân hàng trình cổ đông kế hoạch tăng vốn, đồng thời phát hành trái phiếu trong thời gian tới nhằm đáp ứng yêu cầu tăng trưởng tín dụng cũng như đáp ứng các chỉ tiêu an toàn vốn.