Lãi suất huy động bất ngờ tăng, lãi vay chưa bị tác động?

Trong xu hướng giảm chung, một số ngân hàng gần đây bất ngờ điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn tiền gửi, nhưng lãi suất huy động vẫn ở mức thấp. Do đó, mặt bằng lãi suất cho vay dự kiến sẽ giữ nguyên ở mức hiện tại trong ngắn hạn.

Kể từ sau ngày 25/2 đến nay đã có 28 ngân hàng thương mại trong nước giảm lãi suất huy động, với mức giảm từ 0,1-1,05%/năm. Riêng trong tháng 4, có thêm 7 ngân hàng giảm lãi suất huy động: VPBank, MB, Eximbank, Nam A Bank, OCB, GPBank, và Agribank.

Nhà băng top đầu tăng lãi suất

Tuy nhiên, từ đầu tháng 4 đến nay, cũng đã có một số ngân hàng tăng lãi suất huy động. Mới nhất, từ ngày 24/4, Bac A Bank điều chỉnh lãi suất huy động với mức tăng đồng loạt 0,2%/năm ở các kỳ hạn từ 1 đến 12 tháng và tăng thêm 0,1%/năm ở các kỳ hạn từ 13 đến 36 tháng.

Theo biểu lãi suất mới nhất dành cho tài khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng của Bac A Bank, lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng là 3,7%/năm, lãi suất kỳ hạn 3 tháng lên 4%/năm, kỳ hạn 4 và 5 tháng lần lượt tăng lên 4,1% và 4,2%/năm.

Ngoài Bac A Bank, từ đầu tháng 4 đến nay, thị trường ghi nhận thêm 5 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm. Cụ thể, Eximbank điều chỉnh tăng 0,5%/năm với một số kỳ hạn, đưa mức lãi suất cao nhất lên 5,6%/năm. OCB đã tăng lãi suất huy động trực tuyến tại tất cả kỳ hạn, ngoại trừ kỳ hạn 4 tháng, mức lãi suất huy động tăng cao nhất là 0,75%/năm. GPBank có mức tăng cao nhất là 0,3%/năm. CIMB Bank ghi nhận mức lãi suất tăng cao nhất là 0,6%/năm.

Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 trên 16%, việc duy trì lãi suất cho vay ở mức thấp đã tạo điều kiện cho tín dụng tăng cao trong quý I, đạt 3,93%.

Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 trên 16%, việc duy trì lãi suất cho vay ở mức thấp đã tạo điều kiện cho tín dụng tăng cao trong quý I, đạt 3,93%.

Đáng chú ý, ngày 23/4, một ngân hàng trong nhóm Big4 là Agribank đã bất ngờ tăng lãi suất huy động các kỳ hạn từ 12-24 tháng, đây là ngân hàng duy nhất trong nhóm điều chỉnh lãi suất huy động kể từ đầu năm.

Theo đó, lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn từ 12-18 tháng được Agribank tăng lên 4,8%/năm. Lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 24 tháng được điều chỉnh tăng lên 4,9%/năm. Lãi suất các kỳ hạn từ 1-9 tháng được giữ nguyên: kỳ hạn 1-2 tháng hiện là 2,4%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng là 3%/năm và kỳ hạn 6-9 tháng là 3,7%/năm.

Báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, mặt bằng lãi suất cho vay bình quân giảm 0,4% so với đầu năm, trong khi lãi suất huy động chỉ nhích nhẹ 0,08%. Lãi suất huy động ghi nhận tăng so với đầu năm chủ yếu từ nhóm ngân hàng thương mại quy mô nhỏ, nhưng đa số các ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất kể từ sau chỉ đạo của Chính phủ và NHNN.

Trong bối cảnh lãi suất huy động đang ở mức thấp, giảm tính hấp dẫn của tiền gửi vào hệ thống ngân hàng, NHNN cam kết vẫn hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng nhằm ổn định lãi suất. Cụ thể, NHNN đã ngưng phát hành tín phiếu từ một tháng trước, thay vào đó tăng cường bơm ròng thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn, với khối lượng đạt 36.730 tỷ đồng trong tuần từ ngày 8–14/4/2025. Ngoài ra, NHNN cũng bổ sung thêm các kỳ hạn dài hơn như 35 ngày và 91 ngày, cho thấy định hướng hỗ trợ thanh khoản mang tính dài hạn, ổn định hơn cho hệ thống ngân hàng.

Việc duy trì thanh khoản dồi dào thể hiện rõ định hướng ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tiếp tục ổn định ở mức thấp, dao động quanh 3,5–4%.

Lãi suất cho vay giữ nguyên trong ngắn hạn

Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 trên 16%, việc duy trì lãi suất cho vay ở mức thấp đã tạo điều kiện cho tăng trưởng tín dụng. Hết quý I/2025, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 3,93% – cao gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, NHNN cũng phối hợp với các ngân hàng triển khai thực hiện chương trình ưu đãi tín dụng cho các ngành nghề như lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với quy mô 100.000 tỷ đồng. Mặc dù các biến động bên ngoài có thể làm giảm dư địa chính sách tiền tệ nới lỏng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là khu vực sản xuất trong nước vẫn được ưu tiên.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế mới công bố, Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, trước những tác động tiêu cực từ chính sách thuế quan lên tăng trưởng kinh tế, Việt Nam sẽ nỗ lực đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế trong nước ở các lĩnh vực đầu tư công, sản xuất, tiêu dùng nội địa. Khi đó, hệ thống ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế.

“Trong ngắn hạn, khi áp lực tỷ giá chưa bị ảnh hưởng tiêu cực bởi vấn đề thuế quan, mặt bằng lãi suất cho vay dự kiến sẽ giữ nguyên ở mức hiện tại. Bên cạnh đó, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp được các ngân hàng triển khai với mức lãi suất vay ưu đãi cũng sẽ kéo mặt bằng chung lãi suất cho vay thấp hơn”, chuyên gia KBSV nhận định.

Việc tăng cường giải ngân để thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao có thể sẽ khiến các ngân hàng phải đối mặt với áp lực thanh khoản, tuy nhiên, KBSV cho rằng, hiện tại, duy trì chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt, NHNN sẽ vẫn có nguồn lực để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại.

Với thanh khoản toàn hệ thống ở trạng thái dồi dào, các ngân hàng thương mại không chịu nhiều áp lực tăng lãi suất huy động để cạnh tranh nguồn vốn, qua đó góp phần duy trì mặt bằng lãi suất ổn định ở mức thấp, phù hợp với định hướng chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng trong thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, về dài hạn, sự bất định của chính sách thuế quan tạo ra sức ép lên công tác điều hành chính sách của NHNN.

“Trong trường hợp tỷ giá và lạm phát tăng mạnh (trên 4%), việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp sẽ trở thành thách thức. Dự báo lãi suất huy động có thể tăng 1-2%, lãi suất cho vay tăng nhẹ và chậm hơn lãi suất huy động (0,5-1%). Mặc dù vậy, chúng tôi cho rằng lãi suất vẫn được duy trì ở vùng thấp tương đối và sẽ tiếp tục đóng vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, chuyên gia KBSV nêu.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/lai-suat-huy-dong-bat-ngo-tang-lai-vay-chua-bi-tac-dong-1106405.html
Zalo