Lai Châu: Nỗ lực nâng cao nhận thức, kỹ năng cho người Mảng thoát nghèo
Người dân tộc Mảng ở xã Nậm Ban (huyện Nậm Nhùn, Lai Châu) là nhóm dân tộc có tỷ lệ nghèo cao so với các dân tộc khác, những năm qua, chính quyền địa phương rất nỗ lực tuyên truyền, hỗ trợ nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng để người Mảng vươn lên thoát nghèo.

Phổ biến kỹ thuật trồng và chăm sóc cây quế cho người dân tộc Mảng ở xã Nậm Ban
Trước đây, người dân tộc Mảng ở tỉnh Lai Châu nói chung và người Mảng ở xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn, thường có lối sống du canh. Khi mảnh đất nơi cư trú bạc màu, không còn thuận lợi cho việc cnah tác, họ lại rời đi đến khu vực khác để khai khẩn ruộng nương, nên họ còn có tên gọi là “Xá lá vàng”.
Trong những năm qua, hạ tầng kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Mảng tại xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu nói riêng, bằng các nguồn vốn chương trình, chính sách, dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu như: Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Nghị quyết 30a của Chính phủ, Chương trình 135... Tuy nhiên, cho đến nay, đời sống của đồng bào Mảng so với các dân tộc khác trên cùng địa bàn cư trú vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, thoát nghèo không bền vững, nguy cơ tái nghèo cao.

Thôn Nậm Ô, xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn, Lai Châu
Từ những thực tiễn trên, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, chính quyền địa phương xã Nâm Ban đã xác định phải tập trung công tác tuyên truyền giảm nghèo thông tin, từ đó nâng cao nhận thức, kỹ năng cho người Mảng vươn lên phát triển kinh tế xã hội, là mục tiêu quan trọng nhất của chính quyền địa phương.
Ông Chào Anh Tuyên, Chủ tịch UBND xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, cho biết: "Trong quá trình xóa đói giảm nghèo trên địa bàn xã, diện tích đất sản xuất bà con dân tộc Mảng rất là ít, phong tục canh tác của bà con hiện chưa áp dụng được khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất chất lượng. Chúng tôi cũng đã phân công nhiệm vụ cho từng thành viên ban giảm nghèo đi đến từng bản, hộ dân tư vấn giúp đỡ bà con nâng cao kiến thức, nhận thức, từ đó cập nhật học hỏi được những kỹ năng, kỹ thuật phát triển canh tác, đặc biệt là kỹ thuật trồng và chăm sóc cây quế, chăn nuôi gia súc để phát triển vươn lên thoát nghèo”.

Mô hình chăn nuôi gia súc của gia đình người dân tộc Mảng
Hiện, UBND xã Nậm Ban đã xác định các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc Mảng giai đoạn 2021-2025, nhằm sớm đưa dân tộc Mảng ra khỏi tình trạng đói nghèo, tụt hậu, từng bước hòa nhập và hội nhập với sự phát triển chung của tỉnh.
Quế là cây trồng ưa đất đồi ẩm và khí hậu mát mẻ nên quế thích hợp khi được trồng trên diện tích đồi rừng xã Nậm Ban. Giống cây này dễ trồng, khó bị đốn ngã bởi gió, bão và có giá trị kinh tế cao do mọi bộ phận từ thân, lá, cành đều có thể bán với giá khá ổn định. Nên công tác vận động, tuyên truyền người dân tham gia trồng phát triển kinh tế từ những cây trồng luôn được chính quyền xã Nậm Ban trú trọng, quan tâm.

Tuyên truyền tập huấn nâng cao kỹ năng và kinh nghiệm lao động sản xuất cho người dân
Có diện tích đất đồi trọc hơn 2ha, gia đình anh Tào A Hòa, dân tộc Mảng, bản Nậm Ô, xã Nậm Ban, mặc dù đã trồng nhiều loại cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm nhưng đều thất bại. Năm 2022 được Nhà nước hỗ trợ hơn 13.000 cây giống quế và phân bón. Sau 1 năm cây quế của gia đình anh hiện đang lớn, có những cây hiện đã cao hơn 1m, tuy nhiên do địa hình đồi trồng Quế đất cằn, dốc, cao nên Quế vẫn có cây to, cây nhỏ, phát triển không đồng đều. Nhưng gia đình anh vẫn hy vọng sau 5 đến 7 năm cây quế sẽ đem lại nguồn thu nhập cho gia đình.
Cho đến nay, bước đầu một số gia đình chuyển đổi cây trồng và vật nuôi cũng đã đạt được những kết quả khả quan, kinh tế đã vượt qua những khó khăn so với trước kia rất nhiều. Điển hình như gia đình bà Chìn Me Long, ở bản Nậm Ô, xã Nậm Ban.
Thời gian trước nguồn thu chính của gia đình chủ yếu phụ thuộc vào việc trồng ngô, sắn trên nương, chăn nuôi trâu, bò nhỏ lẻ chỉ để lấy sức kéo, gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, nhờ được tham gia các lớp tập huấn do xã, huyện tổ chức, vài năm trở lại đây, gia đình bà Long mạnh dạn đầu tư chăn nuôi. Ban đầu gia đình mua trâu, bò cái để sinh sản theo hướng bán chăn thả và trồng cỏ voi. Hiện nay gia đình bà mỗi năm bán trâu, bò từ 3 đến 5 con, tổng thu một năm từ chăn nuôi, sau khi trừ chi phí, thu nhập gia đình ước đạt từ 35 đến 45 triệu đồng/năm.
Bà Chìn Me Long kể: "Trước kia gia đình tôi được hỗ trợ 1 chuồng trại rộng hơn 30m2, giống gia đình tự mua về nuôi dần dần phát triển. Gia đình rất mong được Nhà nước hỗ trợ thêm nguồn giống và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nên đã phát triển tốt hơn, tạo tạo nguồn thu nhập cho gia đình".
Thời gian qua, tỉnh Lai Châu đã khuyến khích phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Vì vậy, chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn xã Nậm Ban đã có sự dịch chuyển theo hướng sản xuất hàng hóa. Nếu như trước đây, bà con chăn nuôi chủ yếu làm sức kéo thì nay đa phần để bán thịt và là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân.
Trung bình 1 con bò, sau 2 năm nuôi thương phẩm, bà con bán được với giá trên 20 triệu đồng. Nếu mỗi hộ nuôi trung bình 5 con, sau 2 năm cũng có thu nhập 100 triệu đồng, góp phần cải thiện đời sống. Vì thế, đàn trâu, bò cũng đã tăng dần về số lượng không ngừng tăng.

Tuyên truyền giảm nghèo thông tin cho chị em phụ nữ người dân tộc Mảng ở xã Nậm Ban
Ông Nguyễn Văn Đài, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, cho biết thêm: "Trong thời gian vừa qua để tạo sinh kế cho người dân tộc Mảng, sau khi UBND tỉnh triển khai Nghị quyết 07, xã cũng đã triển khai tới toàn thể bà con nhân dân, hiện nay xã có 7 hộ gia đình đã tổ chức thực hiện xây dựng chuồng trại chăn nuôi theo hướng tập trung".
Để giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc Mảng nơi đây, cùng với việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cần phải phát huy được vai trò, tiếng nói của Người có uy tín, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản và đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc Mảng. Đồng thời, đào tạo đội ngũ cán bộ là người dân tộc Mảng về công tác tại địa phương. Đặc biệt, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền xóa bỏ các hủ tục, các tệ nạn xã hội để từng bước đưa đời sống bà con nơi đây từng bước đi lên.