Lại bàn về quy định dạy thêm, học thêm

Nếu không có biện pháp quản lý hiệu quả thì dù có quy định mới, dạy thêm, học thêm tràn lan, 'dạy chui' có thể vẫn là vấn đề gây bức xúc dư luận.

Nhà trường đã tổ chức dạy 2 buổi/ngày sẽ không được tổ chức dạy thêm, học thêm trong trường (ảnh minh họa)

Nhà trường đã tổ chức dạy 2 buổi/ngày sẽ không được tổ chức dạy thêm, học thêm trong trường (ảnh minh họa)

Lâu nay chuyện dạy thêm, học thêm là vấn đề thường xuyên gây bức xúc trong dư luận xã hội. Hầu như năm học nào ngành giáo dục và đào tạo cũng chỉ đạo phải thực hiện nghiêm quy định về dạy thêm học thêm, song trong nhiều diễn đàn, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, thảo luận tại kỳ họp Quốc hội, họp HĐND tỉnh, dạy thêm, học thêm vẫn là vấn đề được mang ra mổ xẻ, chất vấn.

Ngay khi Fanpage Báo Hải Dương đưa thông tin dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đưa ra lấy kiến nhân dân để bạn đọc góp ý, đã có nhiều ý kiến bình luận với quan điểm khác nhau. Trong đó nhiều ý kiến chỉ tập trung vào việc có nên cho dạy thêm, học thêm hay không mà chưa thực sự quan tâm đến những điểm mới của dự thảo này so với quy định cũ tại Thông tư 17/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Luồng quan điểm thứ nhất, phản đối dạy thêm, học thêm vì gây tốn kém cho phụ huynh, tăng áp lực học hành của con trẻ, thậm chí dẫn đến việc thầy cô có xu hướng trù dập khi học sinh không học thêm hoặc tìm cách ép học sinh phải đi học thêm.

Ở chiều ngược lại, nhiều quan điểm đồng tình với việc dạy thêm, học thêm có kiểm soát vì đó là nhu cầu của phụ huynh. Trong chừng mực nào đó, học thêm còn giúp trẻ tránh xa điện thoại, máy tính với các trò chơi điện tử có hại cho sức khỏe, lãng phí thời gian cho việc lướt mạng giải trí.

Có ý kiến hiến kế để thầy cô được dạy thêm như bác sĩ được mở phòng khám tư, tổ chức trung tâm dạy thêm…

Đối chiếu với quy định cũ về dạy thêm, học thêm, có thể thấy dự thảo thông tư mới vẫn kế thừa khá nhiều quy định về nguyên tắc tổ chức dạy thêm, học thêm và một số trường hợp không được phép dạy thêm.

Điểm khác cơ bản là dự thảo mới đã quy định cụ thể hơn, cũng nới rộng hơn quy định liên quan đến việc tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường. Đó là giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo Hiệu trưởng về môn học, địa điểm, thời gian tham gia dạy thêm và cam kết với Hiệu trưởng hoàn thành nhiệm vụ được giao, không vi phạm quy định các nguyên tắc dạy thêm, học thêm. Nếu có học sinh của lớp mà giáo viên đang trực tiếp dạy học trong nhà trường thì phải báo cáo, lập danh sách các học sinh đó gửi Hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm. Trong khi theo quy định cũ, giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập thì không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, nhất là với học sinh đang dạy chính khóa. Dự thảo thông tư mới cũng quy định việc tổ chức dạy thêm, học thêm phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Dự thảo là vậy, nhưng lại không rõ chế tài xử lý khi giáo viên vi phạm ngoài yêu cầu chung chung là xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Trong khi thực tế những bức xúc liên quan đến dạy thêm, học thêm vẫn chủ yếu xuất phát từ việc giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường nhưng không tuân thủ đúng quy định. Giáo viên "dạy chui" không báo cáo, không nộp thuế thu nhập cá nhân từ nguồn dạy thêm vẫn khá phổ biến. Việc "cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm" vẫn khá mơ hồ, bởi trước nay yêu cầu này vẫn có nhưng cũng vẫn có học sinh phải miễn cưỡng đi học vì lo không được cô quan tâm hay gặp phải bài chưa được ôn tập kỹ trong đề kiểm tra...

Tại phiên họp UBND tỉnh ngày 26/8, UBND tỉnh Hải Dương cũng nhất trí đề xuất bãi bỏ một số khoản thu, trong đó có tiền học thêm trong trường THCS, THPT, Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi trong Nghị quyết HĐND tỉnh do không phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan và Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg ngày 1/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam quy định về dịch vụ giáo dục và đào tạo. Những khoản thu này sẽ có văn bản hướng dẫn sau, song nếu không kiểm soát tốt dễ làm tăng mối lo của phụ huynh về việc phải cho con học thêm ngoài nhà trường.

Để giải bài toán này, chúng ta cần tham khảo mô hình quản lý dạy thêm, học thêm của các nước tiên tiến như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc hay cả Trung Quốc… Quan trọng là cần thiết kế chương trình để học sinh được tăng thời gian tự học, chủ động tự học hơn là phải học thêm.

HOÀI ANH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/lai-ban-ve-quy-dinh-day-them-hoc-them-391361.html
Zalo