Lạc Sơn - Điểm đến hấp dẫn trên 'bản đồ du lịch Tây Bắc'
Sở hữu điều kiện tự nhiên núi rừng hùng vĩ, nhiều địa danh với những thắng cảnh đẹp, điều kiện khí hậu mát mẻ, văn hóa các dân tộc đa dạng, đặc biệt là văn hóa Mường đậm nét, Lạc Sơn (Hòa Bình) được ví là như 'nàng công chúa trong rừng' vừa thức giấc.
Nhiều năm gần đây, du lịch Lạc Sơn đã khởi sắc, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Mường, trở thành điểm đến hấp dẫn trên “bản đồ du lịch Tây Bắc”.
Vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú
Lạc Sơn là một huyện thuộc tỉnh Hòa Bình, nằm ở phía Tây Bắc của Việt Nam, cách thủ đô Hà Nội khoảng 80km và cách trung tâm thành phố Hòa Bình khoảng 56km. Với vẻ đẹp tự nhiên hùng vĩ, Lạc Sơn đang nổi lên là điểm du lịch Hòa Bình hấp dẫn với nhiều dự án thu hút du khách tham quan.
Hiện nay, đường đến Lạc Sơn khá thuận lợi khi với các tuyến đường ngày càng mở rộng, như: Cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, Hòa Bình - Mộc Châu, đường mòn Hồ Chí Minh, mở rộng Quốc lộ 12B, 12C.
So với huyện Kim Bôi, Mai Châu thì Lạc Sơn có vẻ vẫn là cái tên còn khá mới, tuy nhiên tiềm năng du lịch của Lạc Sơn lại rất lớn. Nhiều người cho rằng, Lạc Sơn như viên ngọc thô quý hiếm đang mài giũa để tỏa sáng.
Lạc Sơn được thiên nhiên ban tặng cho nền nhiệt khí hậu mát mẻ quanh năm. Ở đây, địa hình đa dạng, có đầy đủ đồng bằng, thung lũng cho đến núi đá cao hiểm trở nên Lạc Sơn có đầy đủ hệ sinh thái: rừng, núi, thác, suối… rất thích hợp để phát triển các loại hình du lịch: Khám phá trải nghiệm, thể thao mạo hiểm, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng…
Một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của huyện Lạc Sơn là thác Mu, thuộc xóm Mu, xã Tự Do. Thác nằm ở độ cao hơn 1000 mét, được chia thành nhiều tầng. Đến đây, du khách sẽ được tận hưởng dòng thác hùng vĩ nằm giữa rừng thiên nhiên tuyệt đẹp. Chân thác là hồ nước trong xanh, mát lành. Đây là điểm đến được khách lựa chọn cho các chuyến dã ngoại, picnic vào mùa hè.
Ngày nay, điểm đến này được quy hoạch thành một khu du lịch chuyên nghiệp để mang lại cho du khách nhiều trải nghiệm trọn vẹn hơn. Nhiều hộ kinh doanh dịch vụ homestay lưu trú và phục vụ ăn uống đã được hình thành. Du khách có thể chọn ăn những món ngon đặc sản núi rừng như cơm lam, ốc núi, cá suối nướng…
Ngoài thác Mu, đến Lạc Sơn, du khách có thể vi vu đồi Thung thuộc xã Quý Hòa. Đây là một ngọn đồi nhỏ xinh đẹp, với những trảng cỏ xanh, những hàng cây rợp bóng mát. Đồi có độ cao khoảng 600m, với mực nước biển và rộng khoảng 1.144ha, được bao quanh bởi những vạt rừng keo, bạch đàn, tre, luồng… xanh mướt.
Một điểm đến khác khi du lịch Lạc Sơn là Bãi Bùi. Đây là những thảo nguyên xinh đẹp nằm ở xóm Khộp, Ngọc Lâu. Với diện tích rộng lớn, cảnh sắc thanh bình, người dân địa phương và khách du lịch thường chọn nơi này để cắm trại, vui chơi, thư giãn cuối tuần.
Không chỉ có thiên nhiên kỳ thú, huyện Lạc Sơn còn có nhiều di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia như Chiến khu Mường Khói (xã Ân Nghĩa) và các di tích cấp tỉnh: Đình Khói (xã Ân Nghĩa), Đình Cổi (xã Vũ Bình), Nơi ghi dấu lịch sử Trung đoàn 52 Tây Tiến (xã Thượng Cốc), đình Khênh (xã Văn Sơn).
Những người thích hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu khảo cổ có thể đến hang xóm Trại (xã Tân Lập) - di chỉ khảo cổ về văn hóa Hòa Bình tiêu biểu nhất của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á và mái đá làng Vành (xã Yên Phú). Cả hai đều được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đặc biệt.
Chìm đắm trong văn hóa Mường đặc sắc
Sự quyến rũ của Lạc Sơn không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên, các di tích lịch sử, khảo cổ mà còn bởi nơi đây còn lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Mường.
Theo UBND huyện Lạc Sơn, địa phương hiện có trên 15,7 vạn người, trong đó dân tộc Mường chiếm khoảng 92%. Trên địa bàn huyện còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của người Mường như: nhà sàn, chiêng, mo, trang phục, nghề truyền thống, hát thường rang, bộ mẹng... Trước “cơn lốc” của đô thị hóa, nhiều năm qua, huyện Lạc Sơn triển khai nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường.
Điểm nhấn trong hành trình giữ gìn bản sắc văn hóa của Lạc Sơn là phục dựng 9 lễ hội truyền thống, gồm: Lễ hội Đu Vôi, đền Thượng, đền Trường Khạ - thị trấn Vụ Bản; lễ hội Đình Băng, xã Ngọc Lâu; lễ hội đình Khói, xã Ân Nghĩa; lễ hội đình Khênh, xã Văn Sơn; lễ hội hang Khụ Dúng, xã Nhân Nghĩa; lễ hội đình Cổi, xã Vũ Bình; lễ hội xuống đồng, xã Yên Phú.
Trong các lễ hội, cộng đồng dân tộc Mường mặc trang phục truyền thống, thực hành tín ngưỡng dân gian Mo Mường, tổ chức các hoạt động biểu diễn chiêng Mường và khoe những phong tục tập quán được giữ gìn nhiều thế hệ.
Di sản văn hóa phi vật thể "Nghệ thuật chiêng Mường” và di sản văn hóa "Mo Mường Hòa Bình” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu Quốc gia năm 2016. Đồng thời, Ban Chỉ đạo Mo Mường tỉnh Hòa Bình đã xây dựng kế hoạch để triển khai “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu các dân tộc tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2018 - 2030”, “Đề án bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa Mo Mường Hòa Bình năm 2019 - 2025 và những năm tiếp theo”. Thực hiện những đề án này, nhiều lớp truyền dạy Mo Mường, chiêng Mường, hát thường rang, bộ mẹng được thành lập để bảo tồn và duy trì văn hóa Mường tại các xã ở Lạc Sơn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn Bùi Văn Dương cho biết, huyện đặt mục tiêu đến năm 2025, 20% người Mường biết viết chữ Mường, 85% người Mường biết mặc trang phục truyền thống dân tộc Mường và sử dụng thường xuyên trong các dịp lễ, Tết, hội hè. Học sinh các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông mặc trang phục truyền thống dân tộc Mường ít nhất 2 ngày/tuần.
“Để hấp dẫn du khách, huyện Lạc Sơn sẽ mở rộng quy mô tổ chức ngày hội văn hóa, thể thao, ngày hội Tết Độc lập, đầu tư phát triển mô hình bảo tồn làng văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng”, ông Bùi Văn Dương chia sẻ.
Độc đáo ẩm thực xứ Mường
Một trong những điều hấp dẫn du khách khi đến Lạc Sơn, đó là ẩm thực. Khi về thăm những bản làng, bạn còn được thưởng thức các món đặc sản như: Gà Lạc Sơn, măng chua xã Quý Hòa, ớt Quyết Thắng, vịt cổ xanh… Ẩm thực của người Mường được đánh giá phong phú, đa dạng và có nét đặc trưng nhờ cách chế biến và sử dụng gia vị rất riêng.
Chẳng hạn như trong mâm cơm của người Mường không thể thiếu lọ dấm ớt, mà phải là ớt rẽ có từ rất lâu ở xã Quyết Thắng. Chỉ có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu vùng Quyết Thắng, huyện Lạc Sơn, ớt rẽ mới cho mùi thơm và vị cay đặc biệt. Hiện nay, người Lạc Sơn cũng đã biết cách tạo sản phẩm ớt rẽ ngâm dấm để thành sản phẩm cho khách du lịch.
Anh Bùi Văn Thản, chủ thương hiệu “Ớt rẽ Thương Thản” (xã Quyết Thắng) chia sẻ bí quyết: Để có chai ớt rẽ chất lượng thơm ngon thì phải chọn quả ớt xanh, tươi, hái về dấm luôn. Ớt được đóng chai nhỏ 250ml đúng quy trình theo cách “các cụ xưa để lại”. Ớt được trộn với muối trắng và chanh tươi, không dùng một chất bảo quản nào khác, sau 1 tháng là có thể sử dụng. Với cách dấm này, ớt để 1- 2 năm vẫn vàng ươm, thơm ngon và giòn.
Từ lâu, du khách vẫn truyền tai nhau giới thiệu: Đến Lạc Sơn nhất định phải ăn gà đồi. Gà Lạc Sơn là giống gà ri bản địa được người Mường nuôi từ lâu đời cho đến nay, hầu hết được nuôi thả đồi nên săn chắc, thơm ngon. Chẳng thế mà, khách đến Lạc Sơn ăn gà, lại do người Mường chế biến vẫn cứ nhớ mãi. Hiện ở Lạc Sơn có nhiều thương hiệu gà nổi tiếng, trong đó gà đồi Hương Nhượng được nhiều người biết đến và là sản phẩm OCOP của địa phương.
Một trong những “đặc sản” không thể không nhắc đến khi thưởng thức ẩm thực tại Lạc Sơn, đó là hạt dổi. Hạt dổi là gia vị không thể thiếu trong mâm cơm của người Mường, được sử dụng để nấu măng chua gà, tẩm ướp gà, cá hoặc dùng để làm gia vị chấm khi giã cùng muối và chanh.
Nói đến hạt dổi ở Lạc Sơn thì chắc chắn phải nhắc đến đến hạt dổi ở xóm Be, xã Chí Đạo, bởi nơi đây trồng được giống hạt dổi chất lượng. Năm 2014, Viện khoa học đã về nghiên cứu kiểm chứng chất lượng tinh dầu có trong hạt dổi tại xóm Be cao hơn so với các vùng khác trong huyện và trong tỉnh và có độ thơm, ngon hơn.
Hằng năm, cứ vào tháng 9, tháng 10 dương lịch nơi đây lại nhộn nhịp vào mùa thu hoạch hạt dổi. Từng chùm dổi trĩu cành chờ nắng tách vỏ đỏ au và thơm lừng. Du khách có thể về Lạc Sơn thời điểm này trải nghiệm thu hoạch hạt dổi, thưởng thức những món ăn bản địa được chế biến từ loại hạt này.
Có thể thấy, với nhiều tài nguyên thiên nhiên phong phú và văn hóa bản địa của người Mường còn được lưu giữ, bảo tồn, Lạc Sơn đang nổi lên là địa chỉ du lịch hấp dẫn của Hòa Bình. Trong tương lai, với sự đầu tư bài bản về hạ tầng, cơ sở dịch vụ, lưu trú ở các bản du lịch cộng đồng, Lạc Sơn sẽ là “viên ngọc sáng” trên “bản đồ du lịch Tây Bắc”.