Lạc quan mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán
Nỗ lực điều chỉnh những quy định không phù hợp, tăng ứng dụng công nghệ trong quản lý, giám sát vào giao dịch chứng khoán, sửa Luật Chứng khoán… giới chuyên gia lạc quan, Việt Nam có nhiều cơ hội để nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi theo chuẩn của FTSE Russell.
Đáp ứng được hầu hết các tiêu chí nâng hạng
Nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi là chủ trương lớn của Chính phủ, được Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao thời gian qua, phấn đấu thực hiện mục tiêu nâng hạng trong năm 2025.
Nhìn lại nỗ lực cải thiện thị trường chứng khoán năm qua nhằm hướng đến đích lên hạng mới nổi, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan quản lý ban hành nhiều quyết sách nổi bật. Về Quốc hội, đó là Luật Chứng khoán sửa đổi bổ sung thuộc 1 trong 9 Luật của Luật số 56/2024/QH15. Theo đó, năm nay, ngành chứng khoán sẽ phải tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng các Nghị định và văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung; triển khai Chiến lược phát triển thịt rường chứng khoán đến năm 2030.
![Thị trường chứng khoán Việt Nam đặt mục tiêu nâng hạng từ cận biên lên mới nổi trong năm 2025.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_11_51440761/37789da1a9ef40b119fe.jpg)
Thị trường chứng khoán Việt Nam đặt mục tiêu nâng hạng từ cận biên lên mới nổi trong năm 2025.
Đặc biệt, Thông tư 68/20248/2024/TT-BTC với nhiều quy định mới đã tạo nhiều điều kiện gỡ bỏ các rào cản nhằm thúc đẩy thị trường chứng khoán tiến đến đáp ứng các tiêu chí nâng hạng của FTSR Russsell. Trong đó, đáng chú ý gỡ bỏ yêu cầu ký quỹ đối với nhà đầu tư nước ngoài và ban hành lộ trình thực hiện công bố thông tin bằng tiếng Anh tùy theo quy mô của các DN.
Giám đốc điều hành hoạt động kinh doanh cổ phiếu khu vực châu Á Young Lee cho biết, những quy định mới tại Thông tư số 68 đã giúp thị trường chứng khoán Việt Nam phù hợp hơn với các yêu cầu bắt buộc FTSE Russell.
Ông Lee đánh giá, việc bỏ quy định phải có đủ tiền khi đặt lệnh và yêu cầu quan trọng từ phía các nhà đầu tư và cần nhiều thời gian để sửa đổi cơ chế, chính sách. Thực tế, Việt Nam đã có những thay đổi quan trọng về tiêu chí này chỉ trong một thời gian ngắn. Vị này bày tỏ rất vui mừng, cũng như đánh giá cao những nỗ lực này từ phía các cơ quan quản lý thị trường tại Việt Nam.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phươngđánh giá, nhìn tổng thể, thị trường chứng khoán được dự báo sẽ có gam màu tươi sáng hơn, nhờ những kỳ vọng bứt phát từ các yếu tố mang tính nội lực của Việt Nam. Năm 2025 là mốc phấn đấu để thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt.
Theo bà Vũ Thị Chân Phương, qua ghi nhận thực tiễn, việc triển khai nghiệp vụ giao dịch không yêu cầu ký quỹ trước bằng tiền (Non-prefunding) của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đều thuận lợi, đáp ứng được nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư và đảm bảo sự an toàn, thông suốt từ các thành viên thị trường, các bên liên quan.
Theo lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính đang tiếp tục làm việc với bộ, ngành liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ KH&ĐT để cùng phối hợp đưa ra các giải pháp đáp ứng các tiêu chí nâng hạng.
Các bộ, ngành cũng đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam. Điển hình như sửa đổi quy định pháp lý liên quan đến thủ tục mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp theo hướng giảm thiểu thủ tục và rút ngắn thời gian mở tài khoản; cập nhật và công bố đầy đủ tỷ lệ sở hữu nhà nước tối đa đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hạn chế tiếp cận đối với nhà đầu tư nước ngoài…
Theo đánh giá của FTSE Russell tại kỳ gần nhất (tháng 9/2024), Việt Nam đã đáp ứng được hầu hết các tiêu chí (7/9 tiêu chí), trong đó có hai tiêu chí cần cải thiện bao gồm việc gỡ bỏ yêu cầu bắt buộc nhà đầu tư nước ngoài phải ký quỹ trước khi giao dịch (prefunding) và xử lý giao dịch không thành công (failed trade managent). Cập nhật theo Thông tư 68 thì rõ ràng Việt Nam chỉ còn 1 tiêu chí để sớm đạt chuẩn FTSE.
Làm gì ở vị thế mới?
Mục tiêu nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi không chỉ nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài mà còn góp phần nâng cao vị thế của thị trường chứng khoán và tài chính Việt Nam trên trường quốc tế.
Giám đốc Khối Đầu tư Dragon Capital Lê Anh Tuấn nhận định, sau hoàn tất nâng hạng thị trường chứng khoán, thì thị trường chứng khoán có thể sẽ chứng kiến một làn sóng IPO tiếp theo vào năm 2027-2028, quy mô lên tới cả chục tỷ USD.
Ông Tuấn điểm ra những tuổi lớn như Thaco Auto, Bách Hóa Xanh, Golden Gate, Highlands Coffee, TCBS, Misa, VNPay, Viettel IDC, Nhà thuốc Long Châu, Datviet Vac, Galaxy media… và dự báo các FN lớn sẽ giúp thị trường chứng khoán trở nên hấp dẫn, hút dòng vốn không chỉ trong nước và quốc tế, đặc biệt khi chứng khoán Việt được nâng hạng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đặt ra bài toán, sau khi nâng hạng, thị trường chứng khoán Việt Nam cần làm thế nào để phát huy vị thế mới?
Tổng Giám đốc Khối Đầu tư Chứng khoán - VinaCapital Nguyễn Hoài Thu cho rằng, yếu tố quan trọng nhất là tiếp tục duy trì sự ổn định vĩ mô, cải thiện chất lượng DN niêm yết và tăng cường quản lý thị trường. Các DN niêm yết cần nâng cao chất lượng quản trị DN, công khai minh bạch thông tin và cải thiện hiệu quả hoạt động để củng cố niềm tin nhà đầu tư. Ngoài ra, cơ quan quản lý cần tiếp tục cải cách, hoàn thiện quy định và cơ chế giám sát để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư và phát triển thị trường bền vững.
Để thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán cả về chất và lượng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương cho biết, Ủy ban Chứng khoán sẽ tăng cường năng lực quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về chứng khoán và thị trường chứng khoán; siết chặt kỷ cương kỷ luật của thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để thị trường chứng khoán phát triển minh bạch, bền vững.
Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ tốt công tác quản lý và giám sát thị trường, đảm bảo thị trường vận hành an toàn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư…
Về cơ sở nhà đầu tư, sẽ tập trung chiến lược cho phát triển các nhà đâu tư có tổ chức thông qua việc mở rộng quy mô và phát triển đa dạng các loại hình quỹ đầu tư trên thị trường chứng khoán.