Cách nhận biết dị ứng thuốc và xử trí đúng
Dị ứng thuốc là một trong những phản ứng bất lợi có thể xảy ra trong quá trình điều trị bằng thuốc. Mức độ dị ứng rất đa dạng, từ nhẹ như nổi mẩn, ngứa da, đến nặng như sốc phản vệ, đe dọa tính mạng nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời.
Vậy làm sao để nhận biết mình đang bị dị ứng thuốc, phân biệt với các tác dụng phụ thông thường và nên làm gì khi có biểu hiện bất thường?
1. Dị ứng thuốc là gì?
Dị ứng thuốc là phản ứng quá mẫn của hệ miễn dịch đối với một hoặc nhiều thành phần trong thuốc, có thể là hoạt chất chính, tá dược hoặc chất bảo quản.
Khác với tác dụng phụ là những phản ứng dược lý dự đoán được và thường phụ thuộc vào liều lượng, dị ứng thuốc không phụ thuộc liều và có xu hướng xảy ra ở những người có cơ địa mẫn cảm. Thời điểm khởi phát thường là từ vài phút đến vài giờ sau khi sử dụng thuốc.

Dị ứng thuốc có thể đe dọa tính mạng nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời.
2. Dấu hiệu nhận biết dị ứng thuốc
Biểu hiện của dị ứng thuốc rất đa dạng và phụ thuộc vào cơ địa, loại thuốc sử dụng.
- Ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể thấy nổi mề đay, ban đỏ, ngứa da, cảm giác châm chích hoặc rát. Một số trường hợp có thể xuất hiện phù nhẹ vùng mí mắt hoặc môi, sốt nhẹ, đau cơ.
- Với những phản ứng nghiêm trọng hơn, bệnh nhân có thể gặp phù mạch (sưng nhanh vùng mặt, môi, họng), gây khó thở. Ngoài ra, có thể xuất hiện co thắt phế quản gây ho, khò khè. Trong những tình huống nặng hơn, phản ứng sốc phản vệ có thể xảy ra, với biểu hiện tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim, tím tái, thậm chí tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
- Một số ít trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến hội chứng Stevens Johnson hoặc hoại tử da do thuốc, gây tổn thương nặng trên da và niêm mạc mắt, miệng.
Những biểu hiện nguy hiểm này thường xảy ra trong vòng vài phút đến vài giờ sau khi dùng thuốc.
3. Các loại thuốc dễ gây dị ứng
Một số nhóm thuốc được ghi nhận có tỷ lệ dị ứng cao hơn, bao gồm:
- Nhóm kháng sinh như penicillin, cephalosporin, sulfonamide, rifampin...
- Thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid như ibuprofen, diclofenac, aspirin...
- Thuốc điều trị động kinh như phenytoin, carbamazepine, lamotrigine...
- Thuốc điều trị gout như allopurinol...
- Một số thuốc gây tê, gây mê như lidocain, propofol...
Dị ứng thuốc là phản ứng bất thường do hệ miễn dịch hoạt động quá mức, không phụ thuộc vào liều lượng, thường xuất hiện nhanh sau khi dùng. Tác dụng phụ là phản ứng có thể dự đoán trước, xảy ra do tác dụng dược lý của thuốc và thường chỉ xảy ra khi dùng liều cao hoặc kéo dài.

Thuốc kháng sinh như penicillin là nhóm thuốc dễ gây dị ứng.
4. Cách xử trí khi nghi ngờ bị dị ứng thuốc
Khi nghi ngờ dị ứng thuốc, việc đầu tiên là phải ngừng ngay thuốc đang sử dụng. Nếu xuất hiện các biểu hiện nghiêm trọng như khó thở, ngất, tụt huyết áp, cần gọi cấp cứu hoặc đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Với các phản ứng nhẹ như ngứa, mẩn đỏ, có thể dùng thuốc kháng histamin như loratadin hoặc cetirizin theo hướng dẫn.
Người bệnh nên ghi lại tên thuốc, thời điểm dùng thuốc và các triệu chứng gặp phải để báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ. Đặc biệt, không tái sử dụng loại thuốc đã từng gây dị ứng, kể cả thuốc cùng nhóm.
5. Cách phòng tránh dị ứng thuốc
Để hạn chế nguy cơ dị ứng thuốc, người bệnh nên chủ động thông báo với bác sĩ hoặc dược sĩ về tiền sử dị ứng thuốc nếu có. Việc giữ lại toa thuốc hoặc vỏ thuốc đã từng gây dị ứng sẽ giúp ích cho việc theo dõi sau này.
Không nên tự ý dùng lại đơn thuốc cũ hoặc sử dụng thuốc của người khác. Với những người có tiền sử dị ứng nặng, nên mang theo thẻ hoặc vòng tay cảnh báo dị ứng thuốc để được xử lý kịp thời nếu xảy ra sự cố y tế.
Dị ứng thuốc là một phản ứng bất thường nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát nếu được phát hiện sớm và xử lý đúng cách. Người bệnh không nên chủ quan với các dấu hiệu như nổi mề đay, ngứa toàn thân hay phù môi... bởi đó có thể là dấu hiệu cảnh báo của một phản ứng nghiêm trọng hơn.
Mời xem thêm video được quan tâm:
Cảnh giác với 7 loại dị ứng thực phẩm phổ biến.