Kỳ vọng những dự án xử lý rác mới
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn phát sinh trung bình khoảng 13.000 tấn/ngày.
Việc bãi rác Đa Phước ngưng tiếp nhận rác cuối tháng 1-2025 có thể gây ra nhiều hệ lụy, song khối lượng rác thải khổng lồ được giải quyết ổn thỏa nhờ phương án dự phòng tốt.
Bãi chôn lấp số 3 của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP HCM hiện tiếp nhận thêm 2.200 tấn rác/ngày, được điều phối từ bãi rác Đa Phước, huyện Bình Chánh.
Giải quyết triệt để rác thải
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn phát sinh trung bình khoảng 13.000 tấn/ngày.
Trong đó, chất thải có khả năng tái sử dụng được thu gom, xử lý bằng hình thức tái chế thông qua cơ chế thị trường khoảng 3.000 tấn/ngày (chiếm 23%). Khối lượng rác còn lại được thu gom, vận chuyển về các nhà máy xử lý trên địa bàn thành phố. Thống kê từ năm 2007 cho thấy khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ngày càng tăng với mức trung bình khoảng 5,6%/năm.
Nhiều năm qua, lượng rác thải khổng lồ tại TP HCM được xử lý triệt để nhờ 2 khu liên hợp xử lý chất thải rắn. Trong đó, Khu Liên hợp Xử lý chất thải rắn Tây Bắc ở huyện Củ Chi gồm nhà máy của Công ty CP Vietstar (công suất 1.800 tấn/ngày; áp dụng công nghệ sản xuất compost, tái chế nhựa), nhà máy của Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa (1.000 tấn/ngày; áp dụng công nghệ đốt không thu hồi năng lượng, sản xuất compost và tái chế nhựa) và bãi chôn lấp số 3 (dự phòng) của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP HCM (áp dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh). Còn Khu Liên hợp Xử lý chất thải rắn và Nghĩa trang Đa Phước gồm bãi chôn lấp của Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) với khoảng 6.800 - 7.000 tấn/ngày (áp dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh).
Mọi thứ đều ổn thỏa cho đến cận Tết Ất Tỵ 2025, cụ thể là tối 23-1, khi công nhân VWS tại Khu Liên hợp Xử lý chất thải rắn và Nghĩa trang Đa Phước ngừng việc tập thể. Điều này dẫn đến việc ngưng tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt tại bãi chôn lấp Đa Phước từ 19 giờ cùng ngày.
![Nhà máy xử lý rác của Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_15_51435601/3241e40bdf45361b6f54.jpg)
Nhà máy xử lý rác của Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa
Ngay sau đó, từ việc tham mưu của Sở TN-MT TP HCM cũng như việc ứng phó linh hoạt, trách nhiệm cao của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP HCM, khối lượng chất thải tồn đọng đã được giải quyết ổn thỏa.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP HCM cho biết một cuộc họp khẩn kéo dài 2 giờ đã diễn ra ngay trong đêm 23-1. Một điều thách thức là bãi chôn lấp số 3 đã ngưng tiếp nhận rác tươi từ năm 2015 phải lập tức vận hành để tiếp nhận khối lượng rác lớn.
Thời gian qua, bãi chôn lấp số 3 chỉ tiếp nhận rác trơ sau xử lý từ 2 nhà máy trong Khu Liên hợp Xử lý chất thải rắn Tây Bắc với 1.200 tấn/ngày. Một loạt khó khăn, vướng mắc đã được giải quyết kịp thời để bãi chôn lấp dự phòng này tiếp nhận vài ngàn tấn rác ngay trong đêm 23-1.
Vài ngày sau, bãi chôn lấp số 3 đã ổn định việc vận hành để tiếp nhận, xử lý 2.200 tấn rác/ngày từ bãi rác Đa Phước. Bãi chôn lấp số 3 có công suất hơn 6,4 triệu tấn, theo thiết kế còn có khả năng tiếp nhận khoảng 2,3 triệu tấn rác.
3 dự án chờ nhà đầu tư
Câu chuyện trên cũng đặt ra bài toán về việc giải quyết vấn đề bảo đảm an ninh chất thải trên địa bàn thành phố. Trong đó, việc cân bằng địa bàn xử lý, tiết kiệm chi phí vận chuyển, bảo đảm mỹ quan đô thị vì thành phố xanh - sạch - đẹp được đặt ra, nhất là nhiệm vụ xử lý rác từ doanh nghiệp nhà nước.
Việc này trong tương lai gần có hy vọng được giải quyết khi quy hoạch chung TP Thủ Đức đến năm 2040 đã đưa ra lời giải. Theo đó, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho biết đã quy hoạch 2 nhà máy đốt rác phát điện tại địa phương với công suất khoảng 1.000 tấn rác/ngày/nhà máy.
Ông Tùng kỳ vọng khi đầu tư xây dựng 2 nhà máy này sẽ giải quyết cơ bản nhu cầu xử lý rác tại TP Thủ Đức. Quan trọng hơn là không phải vận chuyển rác từ Thủ Đức đến các nhà máy xử lý của TP HCM - phải đi xuyên thành phố, tốn kém chi phí, ảnh hưởng môi trường. Do vậy, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức rất mong các nhà đầu tư tham gia.
Hiện nay, trên địa bàn TP HCM có 5 đơn vị đã ký hợp đồng cung ứng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt với thành phố, gồm: Công ty CP Vietstar, Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa, VWS, Công ty CP Tasco và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP HCM. Các đơn vị này đang thực hiện thủ tục để sớm chuyển đổi sang công nghệ đốt rác phát điện.
TP HCM cũng đang kêu gọi nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt mới theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Đó là dự án REE, đang được thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình UBND TP HCM xem xét, trình HĐND thành phố ra quyết định chủ trương đầu tư. Sau khi quyết định chủ trương đầu tư, dự án và báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt, thành phố sẽ tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Công nhân VWS đã trở lại làm việc
Theo VWS, vừa qua, công ty đã gửi văn bản đến UBND TP HCM và Sở TN-MT thông báo đã nhận được 56 tỉ đồng từ sở này. VWS đã trả lương và tiền thưởng Tết cho công nhân ngay trong ngày cuối cùng làm việc trước khi cả nước bắt đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025.
Hiện nay, người lao động tại Khu Liên hợp Xử lý rác thải Đa Phước đã trở lại làm việc bình thường, công ty vẫn mở cửa tiếp nhận rác. Tuy nhiên, lượng rác của thành phố vẫn chưa đưa trở lại bãi Đa Phước.