Chính phủ đề xuất nhiều cơ chế đặc thù xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cho rằng việc Chính phủ đề xuất đưa dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vào vận hành trong năm 2030 là khó khả thi.

Chiều tối 10-2, tại phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương, cơ chế đặc thù xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Đáng chú ý, để đạt mục tiêu đưa dự án vận hành trong năm 2030, Chính phủ đề xuất loạt cơ chế đặc thù.

Theo đó, Chính phủ đề nghị được triển khai đồng thời đàm phán với đối tác đã ký Hiệp định liên Chính phủ, hoặc thỏa thuận về hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân và Hiệp định liên Chính phủ về khoản tín dụng xuất khẩu Nhà nước để tài trợ xây nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam với đối tác khác. Việc này thực hiện song song quá trình phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, duyệt dự án đầu tư.

Chỉ định thầu gói thầu chìa khóa trao tay xây dựng nhà máy chính

Thủ tướng được phép giao chủ đầu tư thực hiện dự án. Ngay sau khi Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư dự án (dự kiến tại kỳ họp vào giữa năm 2025), Chính phủ được phép áp dụng hình thức hợp đồng chìa khóa trao tay, chọn nhà thầu. Hợp đồng này gồm việc lập dự án đầu tư, thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ, thi công xây dựng công trình. Hợp đồng cũng được bổ sung thêm điều khoản mua bảo hiểm cho vật tư, thiết bị và cung cấp nhiên liệu hạt nhân cho khối lượng nạp đầu tiên.

 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương, cơ chế đặc thù xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Ảnh: NGHĨA ĐỨC

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương, cơ chế đặc thù xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Ảnh: NGHĨA ĐỨC

Trường hợp nhà thầu được nêu tên trong Hiệp định liên Chính phủ, Chính phủ đề xuất áp dụng hình thức chỉ định thầu gói thầu chìa khóa trao tay xây dựng nhà máy chính. Hình thức chỉ định thầu/chỉ định thầu rút gọn cũng được áp dụng với các gói thầu tư vấn quan trọng trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án (gồm tư vấn trợ giúp chủ đầu tư đàm phán, ký, quản lý thực hiện hợp đồng chìa khóa trao tay hay thẩm tra dự án đầu tư, thiết kế bản vẽ thi công…).

Hình thức đàm phán trực tiếp, chỉ định thầu rút gọn được áp dụng với đối tác cung ứng nhiên liệu hạt nhân cho nhà máy, vận hành, bảo dưỡng nhà máy trong 5 năm từ thời điểm nghiệm thu đưa vào sử dụng dự án…

Liên quan đến quy chuẩn, tiêu chuẩn, Chính phủ đề nghị được áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật do đối tác thực hiện đề xuất mà không phải thực hiện thủ tục phê duyệt theo quy định pháp luật Việt Nam. Định mức, đơn giá thực hiện các hạng mục được đề nghị áp dụng trên cơ sở đàm phán với đối tác thực hiện dự án.

Liên quan tới phương án tài chính, thu xếp vốn, Chính phủ đề xuất chủ đầu tư được vay, vay lại theo điều kiện ưu đãi. Chính phủ được dùng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác cho dự án trong trường hợp đàm phán hiệp định vay không thành công hoặc quy mô khoản vay không đủ.

Với mức vốn đối ứng rất lớn, Chính phủ kiến nghị chủ đầu tư được phép dùng vốn vay, vốn trái phiếu (trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu công trình, trái phiếu doanh nghiệp) làm vốn đối ứng…

Chủ đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau thuế còn lại để bổ sung vốn đối ứng trong thời gian thực hiện dự án.

Mục tiêu vận hành dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trong năm 2030 khó khả thi?

Thẩm tra nội dung này, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cho rằng việc áp dụng chỉ định thầu gói thầu chìa khóa trao tay là hợp lý để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra lo ngại hình thức này có thể dẫn đến hạn chế cạnh tranh, nguy cơ lợi ích nhóm và thiếu minh bạch trong quá trình thực hiện.

Do đó, để giảm thiểu rủi ro, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy trình giám sát chặt chẽ như: Công khai danh sách nhà thầu và tiêu chí lựa chọn để tăng tính minh bạch. Cạnh đó, thành lập hội đồng giám sát độc lập để kiểm tra quy trình chỉ định thầu; xây dựng cơ chế báo cáo định kỳ về tiến độ thực hiện hợp đồng; áp dụng chế tài nghiêm ngặt nếu phát hiện dấu hiệu tiêu cực trong quá trình chỉ định và thực hiện hợp đồng.

Cơ quan này cũng đề nghị cần có quy định rõ ràng về điều kiện áp dụng, tiêu chí lựa chọn nhà thầu, bổ sung cơ chế kiểm soát chặt chẽ các điều khoản hợp đồng, đặc biệt là các cam kết về công nghệ, bảo trì và chuyển giao công nghệ sau khi hoàn thành dự án.

Về áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn, cơ quan thẩm tra nêu ý kiến cho rằng việc áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật do đối tác đề xuất mà không qua thẩm định kỹ lưỡng có thể dẫn đến một số vấn đề. Trong đó có lo ngại về việc không phù hợp với điều kiện địa chất, khí hậu, môi trường của Việt Nam; khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng công trình và thiết bị; tăng nguy cơ xảy ra sự cố hạt nhân... Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị cần có quy định chặt chẽ về nội dung này.

Về phương án tài chính và thu xếp vốn, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị cần bổ sung đánh giá tác động, số giảm thu ngân sách nhà nước từ nguồn lợi nhuận sau thuế còn lại của các doanh nghiệp này để có phương án tính toán bù đắp số hụt thu ngân sách nhà nước từ nguồn lực này.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ và khẳng định việc đánh giá lại tài sản để bổ sung vốn tự có, việc giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau thuế còn lại để bổ sung vốn đối ứng... là hoàn toàn chỉ phục vụ cho việc triển khai dự án điện hạt nhân, không phục vụ cho bất kỳ mục đích nào khác.

Về mục tiêu đưa dự án vào vận hành trong năm 2030, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cho rằng việc Chính phủ đề xuất đưa dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vào vận hành trong năm 2030 là khó khả thi.

Cơ quan thẩm tra dẫn kinh nghiệm quốc tế cho thấy phải mất khoảng 8 năm để hoàn thiện một dự án điện hạt nhân. Trong khi đó, đây là dự án có quy mô rất lớn, lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam, đòi hỏi nguồn lực lớn. Chưa kể thời gian tới dự kiến sẽ triển khai thực hiện nhiều dự án quan trọng khác.

Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng và bổ sung giải pháp khắc phục để bảo đảm mục tiêu hoàn thành dự án theo đề xuất của Chính phủ. Cạnh đó, Chính phủ và tỉnh Ninh Thuận cần cam kết trách nhiệm tổ chức thực hiện bảo đảm hiệu quả, tiến độ, chất lượng cho Dự án này.

Chính phủ đề nghị cho phép EVN được đánh giá lại tài sản của các nhà máy điện đã hết khấu hao, bao gồm cả nhà máy điện BOT đã nhận bàn giao từ chủ đầu tư, thủy điện đa mục tiêu. Chi phí này được đưa vào phương án giá bán lẻ điện, để bổ sung vốn tự có cho dự án.

Chính phủ cũng đề nghị bổ sung vốn cho PVN từ việc giữ lại 32% lãi được chia cho nước chủ nhà của các hợp đồng dầu khí và 100% lãi từ hoạt động hàng năm của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro.

Với tỉnh Ninh Thuận, Chính phủ đề xuất hàng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh 70% nguồn tăng thu từ triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Tỉnh này cũng được vay lại vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài với tổng dư nợ tối đa 90% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp.

Đồng thời, được phân bổ thêm 40% số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách; áp dụng chỉ định thầu tư vấn, thi công các gói thầu dự án đền bù, tái định cư nhà máy điện hạt nhân.

Cạnh đó, Ninh Thuận cũng được đề nghị áp dụng một số cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án điện hạt nhân.

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/chinh-phu-de-xuat-nhieu-co-che-dac-thu-xay-dung-du-an-dien-hat-nhan-ninh-thuan-post833658.html
Zalo