Kỷ vật - phần thưởng của người chiến thắng
Tôi tình cờ quen biết ông khi đang cùng anh em nghiệp vụ Bảo tàng Lâm Đồng tìm người biết kết mũ rơm để phục vụ cho hoạt động trải nghiệm 'Trẻ em đi học thời chiến'. Đây là kế hoạch mà chúng tôi đang dự định thực hiện tại Di tích quốc gia Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt vào năm 2022 cho học sinh.

Ông Nguyễn Bá Hồi (phải) và ông Nguyễn Viết Đông với chiếc khăn phần thưởng kỷ niệm của người lính tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh (30/4/1975)
Trong khi đang dò tìm thì được một người quen giới thiệu, qua điện thoại chúng tôi đã liên hệ và tìm gặp ông. Qua trao đổi, biết mục đích công việc ông đã vui vẻ nhận lời giúp đỡ. Chúng tôi rất vui, thở phào nhẹ nhõm, vì chiến tranh đã đi qua hàng chục năm, chuyện những chiếc mũ rơm, vành lá ngụy trang, nắp hầm trú ẩn chống bom bi, mảnh bom, pháo đã gần như chìm vào quên lãng. Chẳng mấy ai còn biết bện mũ rơm, làm nắp hầm trú ẩn và làm vành lá ngụy trang nữa.
Sau đó, trong một chuyến công tác ra miền Bắc, tôi đã tìm về thôn Hậu Trữ, xã Thụy Duyên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình gặp ông. Bước chân vào ngôi nhà cấp 4 mới xây khá khang trang còn vương mùi vữa, tôi đã được chủ nhà mời chào rất niềm nở và khoe với tôi là ông bà mới xây lại nhà ở cho tươm tất, mặc dù con cái đều làm ăn ở xa quê. Ông tên là Nguyễn Bá Hồi, năm nay đã ngoài tuổi “thất thập” nhưng vẫn rất khỏe mạnh và khá nhanh nhẹn. Trong khi trò chuyện được biết, trước đây ông từng là chiến sĩ của Trung đoàn Thạch Hãn (E 48), là trung đoàn trực tiếp chiến đấu trong chiến dịch 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông là chiến sĩ ở Đại đội Trinh sát, sau chuyển sang Đại đội Quân y (C 24) thuộc Trung đoàn( E 48) Thạch Hãn.
Qua sự giới thiệu của ông, tôi còn được gặp và làm quen với một người bạn chiến đấu cùng đơn vị với ông năm xưa. Đó là ông Nguyễn Viết Đông cùng quê Thái Bình. Hai ông đều là chiến sĩ cùng Đại đội C 24, Trung đoàn E 48 (Trung đoàn Thạch Hãn), Sư đoàn F320 B. Khác với ông Hồi dáng mảnh khảnh, thư sinh của một giáo chức nghỉ hưu, ông Đông có dáng người vạm vỡ, chắc đậm của một người làm nông. Được biết, ông Đông còn là chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến trường Quảng Trị mà đỉnh cao là “Chiến dịch 81 ngày đêm” tại Thành cổ Quảng Trị.

Chiếc khăn - phần thưởng của các chiến sĩ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh 30/7/1975 được ông Nguyễn Bá Hồi lưu giữ
Tôi đã hoàn toàn bị cuốn hút vào những câu chuyện của hai người bạn chiến đấu từng sát cánh bên nhau trong cuộc khánh chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Đặc biệt là chuyện ông Đông kể khi cùng đồng đội vượt sông Thạch Hãn. Ông bảo tôi rằng: “Với chúng tôi lúc đó, cái chết không phải tính từng ngày mà là tính từng phút, từng giây”. Trên bầu trời đêm, địch thả đầy pháo sáng để soi rọi thấy rõ từng ngọn cỏ; dưới dòng sông, đạn pháo của địch bắn ken dày đặc như mưa. Bộ đội ta hy sinh ở đây rất nhiều. Ông Đông còn cho biết quân ta cứ “100% bơi qua sông thì chỉ khoảng 20% vượt thành công sang được bờ bên kia để tiếp tục chiến đấu”. Tiếp đến là chuyện các chiến sĩ Trung đoàn Thạch Hãn tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử trong khí thế hào hùng của toàn quân ra tiền tuyến. Đây là “Chiến dịch thần tốc” nên hành quân cũng phải “thần tốc” từ Bắc vào Nam. Các binh đoàn phần lớn được di chuyển bằng xe Zin ba cầu mui trần (loại xe tải khá đặc biệt do Liên Xô viện trợ). Khi dừng chân là phải chọn địa điểm thích hợp đào hầm ngủ và lo hậu cần cho đoàn; không được ngủ nghỉ nhà dân, tất cả phải bí mật để bảo toàn lực lượng. Suốt dọc đường hành quân đều ngủ và nấu ăn dưới hầm.
Các ông còn kể rằng, Đại đội Quân y C 24 đi sau các đơn vị chiến đấu, nên dọc đường tiến quân vào Sài Gòn ngồi trên xe Zin ba cầu mui trần được chứng kiến từng đám tàn quân ngụy vứt bỏ cả vũ khí, quân phục chỉ mặc độc mỗi chiếc quần xà lỏn. Chúng trốn chạy chen vào dòng người dân gồng gánh bế con thơ đi di tản. Đăc biệt có những cảnh đến bây giờ vẫn còn ám ảnh mãi trong tâm trí họ. Đó là vào buổi sáng ngày 30/4/1975, khi qua cầu Bình Triệu - cửa ngõ của Sài Gòn, ngồi trên xe mui trần nên quan sát rất rõ. Trên đường phố lúc này còn vương khói và mùi thuốc súng, có nhiều xe tăng thiết giáp của địch bị bắn cháy hỏng hoặc bỏ lại ngổn ngang. Có cái còn cả xác địch bị bắn cháy đen nằm vắt trên tháp pháo. Nhiều xe còn nổ máy và súng máy gắn trên nóc xe vẫn còn nguyên băng đạn dài vàng chóe đang bắn dở, nhưng lính ngụy thì đã tháo chạy trước quân giải phóng.
Là Đại đội Quân y nên C 24 luôn tiến sát theo sau các đơn vị chiến đấu để làm nhiệm vụ phục vụ chữa trị cho thương, bệnh binh trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Các ông phải di chuyển liên tục theo đoàn quân tiến vào Sài Gòn. Khi vào tới Sài Gòn tối 30/4 Đại đội C 24 đã chọn môt ngôi nhà, nơi ở của nữ quân nhân thuộc Bộ Tổng tham mưu của ngụy quyền trước đó làm nơi đóng quân để ở và chữa trị cho thương binh lúc bấy giờ. Đơn vị của các ông đã ở lại thực hiện nhiệm vụ cho đến ngày 19/5/1975 sau khi cùng toàn quân tham gia diễn tập diễu binh kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh thì quay về miền Bắc giải ngũ. Các chiến sĩ tham gia chiến dịch lúc đó đều được thưởng 1 chiếc khăn mùi soa bằng vải thanh bố màu trắng. Ở góc trái phía trên khăn tay in bức tranh cổ động có biểu tượng là 2 chiến sĩ trong tư thế ôm súng xông lên, trên đầu là 2 lá cờ đỏ sao vàng và cờ giải phóng với dòng chữ: “ĐOÀN KẾT NGHIÊM TÚC, DŨNG CẢM CHIẾN THẮNG”. Ở góc phải phía dưới chiếc khăn có in dòng chữ: “Kỷ niệm Chiến dịch Hồ Chí Minh - Đoàn Đồng Bằng”. Được tặng kèm theo chiếc khăn là 2 mét vải tê-tơ-rông màu cỏ úa.
Ông Hồi và ông Đông nhớ lại, bộ đội ta khi tiến vào thành phố phải ở lại nhiều nhà dân đã di tản, nhưng các chiến sĩ thực hiện rất nghiêm quân lệnh và chỉ thị “không được lấy bất cứ thứ gì của dân dù là một cái kim, sợi chỉ”. Họ không đụng vào đồ đạc trong nhà dân đã chạy di tản, thậm chí còn giúp bảo vệ tài sản cho dân khi họ quay về. Trước khi rời quân ngũ và trên đường về lại quê hương đều được điểm nghiêm quân trang rất kỹ. Mỗi người lính chỉ được mang theo quân trang là 2 bộ quần áo và đồ lót, 1 khăn tay, 1 típ thuốc đánh răng, mọi chiến lợi phẩm đều giao lại hết. Khi đến ga Minh Khôi, thuộc tỉnh Thanh Hóa, đơn vị của họ còn kiểm tra thêm một lần nữa rất nghiêm ngặt. Khi tôi hỏi về các vật phẩm kỷ niệm thời trong quân ngũ, hai ông đều cười xòa và nói rằng tấm vải tê-tơ-rông thì đã may đồ mặc rách từ lâu rồi, nay chỉ còn giữ lại chiếc khăn và tấm giấy chứng nhận Huy chương Chiến sĩ giải phóng của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam làm kỷ niệm thôi.
Cầm trên tay chiếc khăn, kỷ vật thiêng liêng của người chiến sĩ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử nay đã ngả màu thời gian, tôi rất xúc động và tự hào về họ. Chủ nhân của chiếc khăn - những chiến binh dũng cảm tuổi mười tám, đôi mươi ngày ấy, nay mái đầu đã bạc nhưng vẫn toát lên khí chất, phong thái hào sảng, vô tư của người lính. Khi đất nước đã được hòa bình, thống nhất, họ lại cùng đồng đội của mình trở về với cuộc sống bình dị trên quê hương, tiếp tục phát huy truyền thống và phẩm chất cao đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận xây dựng phát triển đất nước, mãi xứng đáng là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.