Chạm vào ký ức

Những ngày tháng Tư lịch sử, cả nước hướng về kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Bắc - Nam sum họp một nhà, non sông liền một dải, ai nấy đều mang trong mình niềm xúc động, tự hào và lòng biết ơn thế hệ cha ông đi trước đã hy sinh xương máu mang lại hòa bình, ấm no cho dân tộc. Thăm quan bảo tàng, lắng nghe những câu chuyện về kỷ vật thời chiến, tìm hiểu về những bức ảnh tư liệu được trưng bày là cách nhiều người lựa chọn để hiểu hơn, để chạm gần hơn đến quá khứ, lịch sử hào hùng của những năm tháng chiến tranh gian khổ.

Nhiều kỷ vật được trưng bày tại Bảo tàng Hùng Vương dịp này.

Nhiều kỷ vật được trưng bày tại Bảo tàng Hùng Vương dịp này.

Bảo tàng Hùng Vương, thành phố Việt Trì những ngày này đều đón rất đông các đoàn học sinh và người dân đến thăm quan, tìm hiểu về lịch sử và chụp ảnh kỷ niệm. Tại đây, Bảo tàng tổ chức trưng bày chuyên đề “Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc” với gần 140 hình ảnh, tư liệu và hiện vật được trưng bày gồm 2 phần về: Nhân dân Phú Thọ thực hiện nhiệm vụ khôi phục kinh tế, cải tạo quan hệ sản xuất và xây dựng CNXH ở miền Bắc và Nhân dân Phú Thọ tham gia kháng chiến chống đế quốc Mỹ và thực hiện nhiệm vụ là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến miền Nam giúp mỗi người hiểu và hình dung rõ nét hơn nhưng khó khăn, gian khổ trong chiến tranh.

Tranh thủ ngày cuối tuần, chị Nguyễn Thị Kim Dung, phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì đưa con đến thăm quan Bảo tàng, chị Dung chia sẻ: “Được tận mắt nhìn thấy những kỷ vật thời chiến tranh của cha ông, các con đều rất tò mò và tìm hiểu xem những đồ vật đó là gì, có ý nghĩa như thế nào. Các con biết được những thứ rất đỗi giản dị gắn liền với cuộc đời người lính khi xưa như: Ba lô quân trang, áo trấn thủ, bi đông, ca sắt, mũ... Những kỷ vật ấy đã rất xưa cũ, cùng cha ông vào sinh ra tử. Tôi và các con đều cảm thấy mình may mắn và biết ơn thật nhiều khi được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, độc lập hôm nay.

Những kỷ vật đều mang trong mình những câu chuyện xúc động.

Những kỷ vật đều mang trong mình những câu chuyện xúc động.

Chăm chú thăm quan những hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng, em Hoàng Việt Bách – Học sinh Trường Phổ thông Hermann Gmeiner Việt Trì bày tỏ: “Em đã nán lại lâu hơn ở bức ảnh người mẹ ở Tiên Cát, thành phố Việt Trì bị bom Mỹ giết hại trong tay vẫn ôm chặt người con nhỏ 6 tuổi và những kỷ vật thời chiến như máy hút mảnh đạn, đôi dép cao su, bi đông... Em cảm nhận được chiến tranh đã khiến cuộc sống của người dân Việt Nam và cha ông phải chịu nhiều đau khổ. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để xây dựng quê hương, đất nước.

Giữa sự im lặng của những kỷ vật nhưng ai nấy đều cảm nhận được trong đó hơi ấm của những trái tim tràn đầy nhiệt huyết của thế hệ cha ông từng sống và chiến đấu, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Những kỷ vật vương mùi bom đạn và sự đằng đẵng của thời gian, không chỉ hiện hữu một cách đơn thuần mà còn mang trong mình hơi thở, nhịp đập trái tim của người chiến sĩ, là máu thịt của cuộc đời mỗi người lính.

Trong cuộc nói chuyện, kể về những năm tháng chiến tranh gian khổ cho thầy cô giáo và học sinh Trường THPT Công nghiệp Việt Trì, cựu chiến binh Bùi Văn Bình, khu 3, thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh không khỏi xúc động. Chúng tôi đã thấy những giọt nước mặt cứ thế lăn dài trên gương mặt của vị cựu binh đã ngoài 70, sạm đen và trai sần vì tuổi tác, vì một thời xông pha trận mạc. Ông Bình kể về những ngày đêm cùng đồng đội hành quân, chiến đấu, về những vật dụng người lính mang theo bên mình, về những bức thư, nhật ký thời chiến đã úa màu thời gian.

Cựu chiến binh Bùi Văn Bình cùng vợ xem lại những kỷ vật được thân nhân liệt sĩ mang đến.

Cựu chiến binh Bùi Văn Bình cùng vợ xem lại những kỷ vật được thân nhân liệt sĩ mang đến.

Ông không chỉ là nhân chứng lịch sử thời chiến, là người truyền lửa yêu nước, khơi dậy lòng biết ơn trong thế hệ trẻ mà ông còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, khi chính ông đã cất công, lặn lội đi sưu tầm kỷ vật của đồng đội mình để lưu giữ, để tri ân mà người ta vẫn yêu mến gọi là “Bảo tàng ông Bình”.

Hiện ông đã sưu tầm được hơn 1.500 kỷ vật của 317 người trong các thời kỳ kháng chiến. Tất cả kỷ vật được ông trân trọng lưu giữ, trưng bày một cách bài bản, khoa học, được đánh số thứ tự và có lý lịch rõ ràng, chủ kỷ vật đều được ông chụp ảnh, ghi chú họ tên, địa chỉ và lưu giữ cẩn thận trong những cuốn sổ.

Những ngày này, gia đình ông đón rất nhiều đoàn học sinh, các hội, đoàn thể, cá nhân đến thăm quan và tìm hiểu. Đến với bảo tàng kỷ vật của ông Bình, bên ấm trà và trong căn phòng trưng bày, những câu chuyện thời chiến cứ thế được kể ra trong trí nhớ của ông. Người trẻ thì lắng nghe và tò mò hỏi thêm những điều mình chưa biết. Những người cựu chiến binh đến đây thì lại cùng nhau lặng nhìn những kỷ vật và hồi tưởng về những năm tháng đi qua. Không cần nói hết, không cần kể hết nhưng ai cũng hiểu nó khốc liệt và đau thương đến nhường nào thế nhưng đối với những người lính khi xưa, trong con người họ là sự can trường, gan dạ, là ý chí mạnh hơn sắt thép và lòng quả cảm tuyệt vời không gì có thể khuất phục.

Trải qua năm tháng, số lượng kỷ vật tại “Bảo tàng ông Bình” ngày càng tăng lên về số lượng. Ông Bình cùng người bạn đời của mình là bà Nguyễn Thị Lai vẫn thường xuyên mở từng chiếc tủ kính lau sạch từng kỷ vật như cách để tưởng nhớ, an ủi những người đã ngã xuống, hy sinh vì nền độc lập dân tộc.

Các kỷ vật đều được ông Bình ghi số thứ tự và địa chỉ rõ ràng.

Các kỷ vật đều được ông Bình ghi số thứ tự và địa chỉ rõ ràng.

Ông Bình nói với tôi: “Bạn tôi dừng tuổi 20. Để nhường tuổi lại cho tôi được già”. Đồng đội tôi rất nhiều người đã nằm sâu trong lòng đất mẹ, tôi may mắn còn sống và trở về, cho đến hôm nay tôi vẫn tự nhắc bản thân mình phải sống có trách nhiệm, phải làm điều gì đó để an ủi đồng đội đã khuất, để lòng mình nhẹ nhàng hơn khi nghĩ về đồng chí, đồng đội và việc sưu tầm kỷ vật chính là tâm nguyện lớn nhất trong cuộc đời tôi – một người lính bước ra từ trận mạc.

Nếu được tận mắt nhìn thấy, được cầm trên tay những kỷ vật thời chiến - kỷ vật của máu, mồ hôi và nước mắt của những người đã ngã xuống đem theo tuổi thanh xuân, đem theo bao ước nguyện hóa thân vào lòng đất và lắng nghe những câu chuyện một thời mưa bom khói lửa, chúng ta sẽ càng thêm xúc động và tự hào về quá khứ hào hùng của các anh hùng liệt sĩ, của những người lính khi xưa và thêm trân trọng, biết ơn những hy sinh to lớn đó, để cảm nhận sâu sắc, thấm thía hơn giá trị của hòa bình.

Thu Hương

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/cham-vao-ky-uc-231944.htm
Zalo