Ký ức về thời hoa lửa của người lính pháo cao xạ

Từng vào sinh ra tử qua nhiều chiến dịch lớn, Trung tá, cựu chiến binh Lê Tiến Soảng là nhân chứng sống của một thời 'hoa lửa'. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, ông vẫn giữ trọn tinh thần người lính Cụ Hồ, kiên cường trong chiến đấu, tận tụy khi hòa bình.

Ngồi lặng lẽ trên chiếc ghế gỗ cũ trong căn nhà giản dị tại số 605, đường Giải Phóng, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội, người cựu chiến binh tóc đã bạc trắng mang dáng vẻ trầm lặng nhưng ánh mắt vẫn ánh lên niềm tự hào sâu sắc mỗi khi nhắc về quãng đời quân ngũ. Ông Lê Tiến Soảng (sinh năm 1944) chính là một nhân chứng sống của nhiều chiến dịch lớn trong lịch sử dân tộc, từ Cánh đồng Chum, Đường 9 - Nam Lào cho đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Những năm tháng sống giữa bom đạn

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, mồ côi cha từ nhỏ tại thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, ông Lê Tiến Soảng là con út trong gia đình có 9 người con. Năm 1963, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai trẻ khi ấy lặng lẽ gác lại những khát khao riêng của tuổi đôi mươi, khoác ba lô lên đường nhập ngũ. “Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ đơn giản là đất nước cần thì mình phải đi”, ông kể lại bằng giọng bình thản nhưng đầy quyết đoán.

 Cựu chiến binh Lê Tiến Soảng không khỏi xúc động khi nhớ lại kỷ niệm.

Cựu chiến binh Lê Tiến Soảng không khỏi xúc động khi nhớ lại kỷ niệm.

Tháng 3-1964, thực hiện chủ trương chi viện cho nước bạn Lào trong chiến dịch giải phóng Cánh đồng Chum, ông được phân công tham gia với vai trò lính pháo cao xạ dưới sự chỉ huy của Thiếu tướng Nguyễn Bằng Giang. Hành trình sang Lào vô cùng gian khổ, đoàn xe phải đi vòng qua Ninh Bình, Thanh Hóa rồi Nghệ An mới có thể sang nước bạn.

Theo ông chia sẻ, chiến trường Cánh đồng Chum lúc bấy giờ là một trận địa vô cùng khốc liệt, vừa giải phóng hôm trước, hôm sau có thể đã bị chiếm lại, tình thế liên tục giằng co. Chính vì vậy, lực lượng pháo cao xạ mà ông tham gia đã gấp rút lên đường, kịp thời chi viện. “Chúng tôi sang từ tháng 3 đến tháng 7, đúng 4 tháng, bắn rơi được 4 máy bay F8U. Ngắn ngủi nhưng đầy khắc nghiệt và đáng nhớ”, ông tự hào kể lại. Thậm chí lúc ấy mỗi người còn mang cho mình một số hiệu mà ông Soảng hay gọi vui là số chết. “Tôi mang số hiệu S48, số hiệu này luôn phải đút ở túi ngực để khi hy sinh người ta còn mò ra để biết thông tin, quê quán”, ông Soảng nói.

Cuối năm 1965, sau những tháng ngày chiến đấu nơi chiến trường, ông về Trường Sĩ quan Pháo binh ở Sơn Tây để học tập và nghiên cứu. Đến giai đoạn 1966-1967, ông được biên chế làm Đài trưởng Đài Radar P-35 thuộc Đại đội 45 anh hùng. “Hồi đó, Radar P-35 là một trong những hệ thống hiện đại nhất mà Việt Nam ta sở hữu. Làm nhiệm vụ dẫn đường cho những phi công huyền thoại, những người trực tiếp đối mặt với kẻ thù trên bầu trời”, ông Soảng tự hào kể.

Từ cuối năm 1970 đến đầu 1971, ông bước vào Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, lúc đó thuộc Tiểu đoàn 18, Trung đoàn 243 với nhiệm vụ bảo vệ tuyến giao thông chiến lược tại khu vực cửa khẩu Đường 16 và Đường 18 của Nam Lào. Tiếp đó là những ngày tháng chiến đấu gian khổ trong chiến dịch giải phóng thành phố Đông Hà, Quảng Trị năm 1972. Lúc bấy giờ, ông Soảng giữ chức Đại đội trưởng Đại đội 6, Tiểu đoàn 18, Trung đoàn 243 tham gia bảo vệ hệ thống ngầm sông Bến Hải. Ông cùng đồng đội kiên cường bám trụ tại các trận địa pháo, giữa những trận mưa bom, bão đạn ác liệt.

Đến năm 1975, hành quân vào Nam, ông theo mũi tiến công hướng Đông Nam Sài Gòn. Tại thị xã Bà Rịa, ông được Tham mưu trưởng Trung đoàn giao nhiệm vụ đi trinh sát cùng một chiến sĩ khác, tìm vị trí bố trí trận địa cho Đại đội 12 pháo 57. Ông Soảng bồi hồi khi nhớ lại khoảnh khắc “ngàn cân treo sợi tóc”: “Khi đơn vị chúng tôi tiến xuống khu vực Bà Rịa, tôi cùng một đồng chí trinh sát được Tham mưu trưởng Trung đoàn giao nhiệm vụ xuống thị xã để khảo sát, tìm vị trí bố trí trận địa cho Đại đội 12 pháo 57. Vừa đặt chân tới nơi, xe của chúng tôi chỉ mới đi thêm khoảng 300 mét thì bất ngờ trúng đạn cối của tàn quân địch. Vụ nổ xảy ra quá nhanh khiến ba người hy sinh ngay tại chỗ gồm Tiểu đoàn trưởng, Đại đội trưởng và một đồng chí trinh sát”. Sau khi may mắn thoát nạn, ông tiếp tục chỉ huy bố trí trận địa và đại đội sau đó đã lập chiến công xuất sắc, bắn rơi ba trực thăng của địch khi chúng tháo chạy ra biển, một chiếc vào tối 28-4 và hai chiếc vào tối 29-4.

Ông Lê Tiến Soảng (thứ ba, từ phải sang) trong một lần gặp gỡ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ông Lê Tiến Soảng (thứ ba, từ phải sang) trong một lần gặp gỡ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Khi nghe tin cờ giải phóng đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập vào trưa 30-4, báo hiệu sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền Sài Gòn, ông Soảng và đồng đội vỡ òa xúc động...

Dốc sức xây dựng đất nước sau thống nhất

Sau ngày đất nước thống nhất, niềm vui chưa được trọn vẹn bởi tàn quân ngụy quyền vẫn còn sót lại và trốn trong rừng. Lúc ấy, ông cùng đồng đội phải mất 3 tháng đi chấn phản ở xã Hố Nai, thành phố Biên Hòa rồi mới được về. Tuy nhiên, với phẩm chất của một người lính Cụ Hồ, ông không nghỉ ngơi mà tiếp tục tham gia xây dựng quê hương trong màu áo lính. Sau khi đất nước thống nhất, mỗi sư đoàn đều cử một trung đoàn tham gia làm kinh tế. Ông Soảng được điều động về Tổng cục Xây dựng Kinh tế, dưới sự chỉ huy của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên lúc bấy giờ.

Năm 1977, ông được phân công làm Phó ban Kiến thiết tại Hà Giang và Lào Cai, trực tiếp tham gia xây dựng tuyến đường chiến lược 279, một công trình huyết mạch đi qua hàng loạt tỉnh miền núi phía Bắc qua các tỉnh như: Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên.

Từ năm 1978 đến năm 1979, ông chuyển sang làm Phó ban Quản lý Công trình số 10, đóng quân tại thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Sau đó, ông tiếp tục nhận nhiệm vụ mới như: Phó ban Quản lý Công trình số 4 tại Đà Nẵng (1980-1981), Phó ban Quản lý Công trình số 5 tại Đắk Lắk (1981-1982). Ở mỗi nơi công tác, ông đều kiêm nhiệm vai trò Bí thư Chi bộ, phát huy tinh thần kỷ cương, đoàn kết trong mọi hoạt động xây dựng.

Thời điểm ấy, ông ấp ủ dự định đưa vợ vào Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) để xây dựng một cuộc sống ổn định, lâu dài nơi vùng đất đỏ bazan. Mọi kế hoạch đều đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, chỉ còn chờ ngày lên đường, thế nhưng, vì nhiều lý do riêng, vợ ông không thể cùng đi. Giấc mơ nhỏ đành gác lại, ông quay trở lại miền Bắc, tiếp tục công việc và được phân công giữ chức Phó ban Quản lý Công trình số 6 tại thị trấn Đồng Mỏ trong giai đoạn 1982-1983.

Năm 1987, sau quá trình tinh giản biên chế, nhiều sư đoàn giải thể, ông chủ động xin nghỉ, trở về đoàn tụ cùng gia đình với quân hàm trung tá. Từ đó, ông chuyển sang làm kinh doanh nhỏ, buôn bán lương thực để phụ giúp gia đình. Tính đến nay, ông đã nghỉ hưu được 38 năm, một chặng đường dài nhưng chưa bao giờ ông rời xa tinh thần trách nhiệm và phẩm chất của người lính Cụ Hồ.

Ông Soảng luôn trân trọng những dịp được họp mặt cùng hội cựu chiến binh, những người từng “kề vai sát cánh” với ông trên khắp các chiến trường năm xưa.

Ông Soảng luôn trân trọng những dịp được họp mặt cùng hội cựu chiến binh, những người từng “kề vai sát cánh” với ông trên khắp các chiến trường năm xưa.

Ông Soảng tiếp tục cống hiến cho cộng đồng bằng tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt huyết. Ông bắt đầu nhiệm kỳ Bí thư Chi bộ khu dân cư số 1, phường Giáp Bát năm 1994, chức vụ mà ông gắn bó suốt cho đến năm 2015. Ngoài ra, ông Soảng còn là Tổ trưởng Tổ dân phố khu dân cư số 1 từ năm 1996 đến 2012, tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong phong trào đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Từ năm 1994 đến 2012, ông cũng là Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh phường Giáp Bát, luôn tích cực vận động hội viên gương mẫu, giữ gìn phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong đời sống thường ngày.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ những năm tháng bom rơi đạn nổ, nhưng trong trái tim người lính pháo cao xạ năm nào, ký ức về một thời “hoa lửa” vẫn vẹn nguyên như mới hôm qua. Ở ông, người ta không chỉ thấy phẩm chất của một người lính gan dạ, kiên cường mà còn là hình ảnh của một công dân gương mẫu, luôn lặng thầm cống hiến cho cộng đồng.

Bài, ảnh: BẢO NGỌC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/50-nam-dai-thang-mua-xuan-1975/ky-uc-ve-thoi-hoa-lua-cua-nguoi-linh-phao-cao-xa-825104
Zalo