Ký ức về ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, non sông liền một dải của Tiến sĩ Thái Phụng Nê

Với Tiến sĩ Thái Phụng Nê, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng (nay là Bộ Công thương), người con đất Phú Yên đã ra Bắc tập kết năm 1954 và sau 21 năm mới được trở về thăm nhà, ký ức Ngày 30/4/1975 thật đặc biệt.

Tiến sĩ Thái Phụng Nê, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng (nay là Bộ Công thương). Ảnh: Ngô Hiển

Tiến sĩ Thái Phụng Nê, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng (nay là Bộ Công thương). Ảnh: Ngô Hiển

Ngày 30/04/1975 – một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đã đi vào trong tâm khảm của hàng triệu người dân với niềm vui thống nhất, nỗi xúc động vỡ òa và những ký ức không thể nào quên.

Tiến sĩ Thái Phụng Nê sinh ngày 24/05/1936 ở Phú Yên, trong một gia đình nông dân chất phác, cha mẹ lao động cần cù, tính tình kiên định, giàu lòng yêu nước.

Tháng 10/1954, chàng thanh niên vừa tròn 18 tuổi Thái Phụng Nê lên tàu Na Uy từ cảng Quy Nhơn lên đường ra Bắc tập kết. Ông vẫn nhớ tối hôm đó: "Trời yên biển lặng, trên boong tàu ngắm biển cả mênh mông. Một cảm xúc hạnh phúc và vui mừng dâng trào trong tôi bởi khát vọng ra miền Bắc học tập đã thành hiện thực".

Năm 1955, với kết quả học tập tốt, ông được cử sang Liên Xô học đại học tại khoa Thủy công, Đại học Xây dựng Moskva. Sau 5 năm, ông tốt nghiệp đại học, rồi được cử học tiếp Phó tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) đến năm 1964 thì hoàn thành. Về nước, ông được phân công tác ở Ủy ban Khai thác và trị thủy sông Hồng với nhiệm vụ là nghiên cứu, khảo sát, chuẩn bị số liệu về thủy văn, địa chất, địa hình, kinh tế, dân sinh… liên quan đến sông Hồng.

Sau nhiều năm lăn lộn trên công trường thủy điện Thác Bà, năm 1971, ông về làm Phó phòng Thủy công 2 của Ủy ban và tiếp tục tham gia nghiên cứu khảo sát tư liệu chuẩn bị xây dựng thủy điện Hòa Bình.

Tiến sĩ Thái Phụng Nê (thứ 3 từ trái) cùng Tổng chuyên viên Bogachenko (thứ 4) và Ban lãnh đạo công trình thủy điện Hòa Bình sau buổi làm việc, những năm 80. Ảnh: Tư liệu

Tiến sĩ Thái Phụng Nê (thứ 3 từ trái) cùng Tổng chuyên viên Bogachenko (thứ 4) và Ban lãnh đạo công trình thủy điện Hòa Bình sau buổi làm việc, những năm 80. Ảnh: Tư liệu

Thủy điện Hòa Bình những ngày đầu xây dựng. Ảnh: Tư liệu

Thủy điện Hòa Bình những ngày đầu xây dựng. Ảnh: Tư liệu

Giữa tháng 4/1975, ông Thái Phụng Nê và đồng nghiệp là ông Lê Quang Diện nhận nhiệm vụ sang Liên Xô xin ý kiến của các nhà khoa học Liên Xô về chọn vị trí xây đập thủy điện Hòa Bình.

Tiến sĩ Thái Phụng Nê cho biết: Ngày 30/04/1975, sau khi làm việc xong với các nhà khoa học ở Viện Thiết kế thủy công Baku, đúng lúc chuẩn bị ra sân bay về thủ đô Moskva thì Viện trưởng Viện Thiết kế thủy công Baku Basovski, từng sang Việt Nam giúp đỡ làm Thủy điện Thác Bà ra tiễn và báo tin: "Xin thông báo cho đồng chí, thành phố Sài Gòn đã được giải phóng".

Ông mừng không nói lên lời, không ai sướng hơn người đã xa quê 21 năm, giờ mới thấy khả năng trở về quê thăm gia đình.

Trở về tới Đại Sứ quán Việt Nam ở thủ đô Moskva, mọi người đang hò reo tưng bừng và xem tivi quay cảnh thủ đô Hà Nội đông nườm nượp người tràn ra đường để tận hưởng không khí chiến thắng.

Ngày hôm sau, mọi người chuẩn bị vé tàu về nước thì nhận được điện khẩn của Bộ trưởng Bộ Thủy lợi Hà Kế Tấn yêu cầu tiếp tục ở lại tìm gặp lãnh đạo Viện Thiết kế thủy công Moskva, xin tài liệu và ý kiến vị trí xây đập Hòa Bình. Một nhiệm vụ hết sức quan trọng, hai ông đến Viện Thiết kế gặp Giáo sư Malyshev để xin tài liệu và ý kiến thì chưa nhận được câu trả lời. Họ khuyên ông về Đại sứ quán chờ.

Cứ vài hôm ông lại gọi đến Viện Thiết kế hỏi tình hình thì đều nhận được câu trả lời chưa có. Nửa tháng sau, Viện Thiết kế mời hai ông lên gặp và trao đổi. Trong buổi làm việc, ông Nê xin ý kiến về ưu điểm và khuyết điểm của chọn tuyến hiện tại thì được Giáo sư Malyshev cho biết: "Thứ nhất là về kinh tế, tuyến Hòa Bình dưới là kinh tế nhất vì việc vận chuyển các thiết bị vật tư xây dựng bằng đường thủy sẽ gần và thuận tiện hơn.

Thứ hai, Ở Hòa Bình dưới có vai trái đập là núi đá vôi với hệ thống hang động rất phức tạp, nhưng nếu nghiên cứu kỹ sẽ chọn được vị trí không có hoặc ít hang hốc. Chúng tôi sẽ có cách xử lý. Chúng tôi hứa làm được". Sau này, nhờ có thủy điện Hòa Bình nên giúp vận chuyển các thiết bị quá trọng, quá trường lên xây dựng các đập thủy điện tuyến trên như: Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng… một cách thuận lợi.

Nhận được câu trả lời của phía Liên Xô, ông vội trở về nước báo cáo tình hình với Bộ trưởng Hà Kế Tấn. Chỉ hơn 1 tuần sau, khoảng cuối tháng 5/1975, ông Tấn gọi ông Nê lên trao đổi là Bộ Chính trị đang họp trong Sài Gòn, một trong những chương trình để báo cáo lần này là nghe báo cáo chọn tuyến xây dựng thủy điện Hòa Bình. Do đó yêu cầu ông Nê về chuẩn bị để hôm sau bay vào Sài Gòn báo cáo.

Sáng hôm sau, chuyến bay quân sự từ Gia Lâm chở một đoàn khoảng 30 người, trong đó có ông Hà Kế Tấn và Thái Phụng Nê vào Sài Gòn. Xuống sân bay, một chiếc xe ô tô hãng Honda đã chờ sẵn đón ông Hà Kế Tấn và ông Nê đưa về cơ sở của Trung ương Cục miền Nam ở thành phố Sài Gòn.

Việc chuẩn bị cuộc họp rất khẩn trương, bản báo cáo viết tay dài hàng chục trang được đưa đi đánh máy và in thành 30 bản để trình Bộ Chính trị. Cuộc họp do Tổng Bí thư Lê Duẩn chủ trì. Sau khi nghe báo cáo tình hình và thảo luận các ý kiến thắc mắc, Tổng bí thư Lê Duẩn nói: "Đúng, chúng ta chọn tuyến đập Hòa Bình" (chính là vị trí thủy điện Hòa Bình ngày nay).

Xong nhiệm vụ của ông Tấn và ông Nê đến đây là xong nên Trung ương cho hai ông đi tham quan Vũng Tàu và cảng Cam Ranh ở Nha Trang, Khánh Hòa. Lúc đến Nha Trang, ông Tấn nói: "Tôi biết anh nóng ruột về thăm quê, anh không cần thăm cảng Cam Ranh nữa". Ông mừng quá liền ra bắt xe đò từ Nha Trang về Tuy Hòa, Phú Yên. Khi xe tới Đèo Cả, nhìn về quê mình, ông vô cùng xúc động, trong ký ức không có gì khác ngoài những ký ức ngày xa quê 21 năm về trước.

Tới thị xã Tuy Hòa, ông xuống xe và đi bộ 8 km về nhà, trên người mặc bộ quần áo kaki, đi giày nhựa tiền phong, đội mũ cối. Dọc đường quốc lộ 25, ông ngắm nhìn lại quê nhà thấy cảnh sao khác quá, đường về làng không còn như trước. Ông liền băng đường ruộng. Đồng lúa xanh mơn mởn, bờ mương cũ lúc nhỏ hay nô đùa sao "nhỏ lại". Ông bỗng trầm tư và tự nhủ: 21 năm qua đi, mình đã đến đất nước Liên Xô bao la, đi nhiều miền của tổ quốc, thấy công trình thủy lợi hùng vĩ nên cảm thấy đường bờ mương về nhà hình như nhỏ lại, quan trọng hơn là nhận thấy mình đã trưởng thành.

Tròn nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày non sông thu về một mối, nhưng trong ký ức của Tiến sĩ Thái Phụng Nê, ngày 30/4 vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Với ông, đó không chỉ là một ngày lịch sử, mà còn là lời nhắc nhở về những năm đầy hào hùng của đất nước, cùng với đó là nỗi niềm của một người con xa quê luôn đau đáu trong lòng một ước mong chờ ngày đất nước thống nhất.

Ngô Hiển

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/ky-uc-ve-ngay-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc-non-song-lien-mot-dai-cua-tien-si-thai-phung-ne-179250426153624437.htm
Zalo