Chiêm ngưỡng màn khai hỏa của súng thần công trên Kỳ đài Đại nội Huế
Theo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, hoạt động bắn súng thần công sẽ được tổ chức vào lúc 19 giờ 15 phút tối thứ bảy hàng tuần.
Tối 26-4, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã tổ chức bắn súng thần công ngay tại Kỳ đài Đại nội Huế, thu hút nhiều du khách chiêm ngưỡng.
Các khẩu súng thần công phun lửa rực sáng, tái hiện việc bắn súng thần công vào các dịp lễ trọng đại của triều Nguyễn (1802-1945).
Theo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, hoạt động bắn súng thần công sẽ được tổ chức vào lúc 19 giờ 15 phút tối thứ bảy hằng tuần nhằm phục vụ người dân và du khách.
Các khẩu súng thần công tại Kỳ đài thực hiện phun lửa
Đây được xem là cơ hội đặc biệt để công chúng cảm nhận vẻ đẹp huyền ảo của kiến trúc cung đình kết hợp với nghệ thuật trình diễn ánh sáng và nghệ thuật truyền thống, góp phần quảng bá di sản văn hóa cố đô Huế đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước.
Từ ngày 26-4 đến hết ngày 1-5, Đại nội Huế cũng mở cửa buổi tối, từ 18 giờ đến 21 giờ 30 phút, để du khách vào tham quan miễn phí vườn Thiệu Phương, vườn Cơ Hạ và Phủ Nội Vụ.
Thực hiện nghi thức bắn súng thần công.
Trong khuôn khổ chương trình Festival Huế 2025 và Năm Du lịch quốc gia 2025, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức triển lãm với chủ đề "Hành trình gốm Việt".
Cuộc triển lãm tổ chức từ ngày 26-4 đến ngày 26-7 tại điện Kiến Trung với sự tham gia của 49 nhà sưu tập cổ vật trong nước và Nghệ nhân Nhân dân Trần Độ (làng gốm Bát Tràng).

Triển lãm Hành trình gốm Việt.
"Hành trình gốm Việt" giới thiệu gần 200 cổ vật gốm Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử từ thời tiền sử đến thế kỷ thứ X với gốm Sa Huỳnh, Óc Eo…; thời Lý - Trần (thế kỷ XI - XIV) với dòng gốm Bát Tràng (Hà Nội), Chu Đậu (Hải Dương), Phù Lãng (Bắc Ninh)…; thời Lê - Mạc (thế kỷ XV - XVI) với các dòng gốm mới xuất hiện như Châu Ổ (Quảng Ngãi), Quảng Đức (Phú Yên)…;từ thế kỷ XVII – XIX với dòng gốm Nam Bộ với các trung tâm gốm lớn như Lái Thiêu (Bình Dương), Biên Hòa (Đồng Nai), Chợ Lớn (Sài Gòn), gốm Thành Lễ, đặc biệt là gốm Cây Mai đã tạo nên những sản phẩm như chậu kiểng, lu, hũ, đồ thờ, tượng trang trí… với phong cách mộc mạc nhưng gần gũi và sinh động.