Ký ức ngày giải phóng của cựu tù binh Côn Đảo

Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Một ngày sau, Côn Đảo được giải phóng. Từ 'địa ngục trần gian', nơi đây đã trở thành thiên đường du lịch.

Không làm lính ngụy, bị đày đi Côn Đảo

Như hầu hết các du khách, việc đầu tiên khi đến Côn Đảo (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), chúng tôi đến viếng và thắp nhang tại Nghĩa trang Hàng Dương - nơi yên nghỉ của hàng ngàn anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước. Sau đó, chúng tôi xếp hàng vào viếng mộ nữ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu.

Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến khu dân cư số 7 (huyện Côn Đảo), may mắn được gặp ông Nguyễn Xuân Viên (sinh năm 1944, quê quán xã Quế Long, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam), cựu tù chính trị Côn Đảo duy nhất còn sống tại mảnh đất linh thiêng này.

Phóng viên Báo Công Thương trò chuyện cùng cựu tù chính trị Côn Đảo Nguyễn Xuân Viên. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Phóng viên Báo Công Thương trò chuyện cùng cựu tù chính trị Côn Đảo Nguyễn Xuân Viên. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Thấy chúng tôi đến, bà Nguyễn Thị Tư (vợ ông Viên) dìu ông rời chiếc võng, ra ghế ngồi nói chuyện. Ông Viên năm nay đã ngoài 80 tuổi, sức khỏe yếu đi nhiều, lúc nhớ, lúc quên, nhưng ký ức về những năm tháng trong nhà tù Côn Đảo ông không bao giờ quên.

Cựu tù Nguyễn Xuân Viên tham gia du kích địa phương từ năm 1965, khi ấy ông 21 tuổi. Năm Mậu Thân 1968, ông bị địch bắt, giam giữ ở nhiều nơi như: Lao xá Hội An, khám Chí Hòa rồi nhà lao Tân Hiệp.

Theo lời ông Viên, thời điểm đó, chúng có ý định giao lại cho Việt Nam Cộng Hòa để bắt đi lính nhưng ông không chịu. Ông kể, hồi đó chúng bắt xếp hàng, chúng nói, ai muốn đi lính thì đứng sang một bên, ai muốn đi biển thì đứng sang một bên. “Nó nói không đi lính tao cho mày đi biển, mà hồi đó thì đâu có biết đi biển là đi đâu, chỉ nghĩ là không phải đi làm lính cho Việt Nam Cộng Hòa là tôi chọn đi biển. Cuối cùng, chúng đưa tôi ra “chuồng cọp”. Ra đến đây mới biết, đi biển như chúng nói là đày tôi ra Côn Đảo”, ông Viên nói.

Ngày 15/5/1975, gần 2.000 cán bộ chiến sỹ cách mạng bị địch bắt giam ở Côn Đảo được trở về đất liền. Ảnh: TTXVN

Ngày 15/5/1975, gần 2.000 cán bộ chiến sỹ cách mạng bị địch bắt giam ở Côn Đảo được trở về đất liền. Ảnh: TTXVN

Ra đến nơi thì nó tống ông vào "chuồng cọp". Những ngày tháng bị giam giữ, ông ở cả "chuồng cọp Mỹ", "chuồng cọp Pháp", và ở đến tận ngày cuối cùng.

Theo ông Viên, Côn Đảo được giải phóng muộn hơn trong đất liền. Sáng ngày 30/4/1975, Sài Gòn được giải phóng nhưng sang ngày 1/5/1975, anh em tù Côn Đảo mới được thả ra. Đến ngày 5/5/1975, mới có tàu từ đất liền ra đón các tù nhân. Ai bị giam lâu, sức khỏe yếu thì được vào bờ trước, rồi cứ thế, ông Viên và hơn 4.000 người tù chính trị lần lượt được rời khỏi “địa ngục trần gian”.

"Ngày giải phóng, ở vòng ngoài người ta hoan hô nhiều lắm, hoan hô Chính phủ cách mạng lâm thời, hoan hô ngày miền Nam giải phóng. Mình ở trong cùng, nghe mang máng thế, chứ cũng không biết hoan hô gì", ông Viên nhớ lại.

Nhớ và quay lại Côn Đảo

Sau gần chục năm sống trong cảnh tù đày, “thừa sống thiếu chết”, ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, ông Nguyễn Xuân Viên trở về quê nhà ở tỉnh Quảng Nam và được địa phương cho làm Công an xã. Tại quê nhà, ông gặp và bén duyên với bà Nguyễn Thị Tư - người con gái cùng quê. Ông bà thương nhau nên nghĩa vợ chồng.

Vì nhớ Côn Đảo, nhớ đồng đội, và lời hứa với đồng đội, sau cưới, ông xin chuyển ra Côn Đảo góp sức xây dựng lại vùng đất lịch sử này.

“Ông tội lắm, bà thương ông vì 7, 8 năm cơm không có ăn, áo quần không có để mặc, phải ở tù. Ngày ông quyết định đi ra Côn Đảo, cả nhà gàn không được, bố mẹ ông khóc rất nhiều. Sau 50 năm, cuộc sống thì tốt nên nhưng giờ thì sức khỏe ông yếu nhiều, ăn không nổi, bữa thế này, bữa thế kia”, bà Tư góp chuyện.

Trại Phú Tường - nơi nhiều cựu tù chính trị bị giam giữ trong suốt nhiều năm. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Trại Phú Tường - nơi nhiều cựu tù chính trị bị giam giữ trong suốt nhiều năm. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Hồi đầu, ông làm công tác thông tin - văn hóa. Sau đó, ông được giao làm Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Quốc gia huyện Côn Đảo; trong đó, có nhiệm vụ chăm lo cho nơi an nghỉ của các đồng chí, đồng đội. Sau này, ông tiếp tục được giao nhiệm vụ trong lĩnh vực giao thông công chánh và đã nỗ lực để góp phần phát triển cơ sở hạ tầng, giúp cuộc sống của người dân huyện đảo ngày càng thuận tiện. Đến năm 2000, ông Viên nghỉ hưu và sinh sống tại khu dân cư số 7, huyện Côn Đảo cùng vợ và 3 người con.

Sau ngày miền Nam giải phóng, có hơn 150 cựu tù chính trị tình nguyện ở lại Côn Đảo để góp sức xây dựng huyện đảo. Hiện nay, trên đảo chỉ còn duy nhất cựu tù chính trị Nguyễn Xuân Viên là người còn sinh sống trên mảnh đất Côn Đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Năm nay, kỷ niệm 50 năm Giải phóng Côn Đảo (1/5/1975 - 1/5/2025), ông Viên được Anh hùng lực lượng vũ trang Trung tướng Châu Văn Mẫn thường gọi là “anh Hai” gắn cho tấm huy hiệu trại 6B mang tên Đảng bộ Lưu Chí Hiếu.

Từ địa ngục trần gian đến thiên đường du lịch

Bà Nguyễn Thị Tư (vợ ông Viên) cho biết, ngày xưa Côn Đảo rất khó khăn, đường nhỏ hẹp, thiếu thốn đủ thứ. 8 giờ tối đã cúp điện. Ai muốn về đất liền thăm người thân phải chờ cả tháng vì không có tàu. Về sau này, phương tiện kết nối đảo với đất liền được cải thiện cả hàng không và đường biển. Điện, đường sá, thiết chế văn hóa, trường học được xây dựng, nâng cao đời sống của người dân.

“Giờ thì hàng hóa không thiếu thứ gì hết, muốn mua cái gì đều đầy đủ. Ngày xưa khó khăn lắm, 2 vợ chồng chung nhau cái xe đạp”, bà Tư nói.

Không chỉ người dân Côn Đảo, khách du lịch cũng ngạc nhiên, bất ngờ với diện mạo đổi thay nhanh chóng của huyện đảo. Anh Nguyễn Văn Nhang (quê tỉnh Phú Thọ) cho hay, cách đây hơn chục năm, anh có ra Côn Đảo. Nay trở lại, anh thấy Côn Đảo khác xưa và phát triển hơn rất nhiều. “Đường xá giờ được mở rộng, đi lại dễ dàng hơn, cơ sở vật chất cũng được xây dựng khang trang hơn nhiều so với trước. Đồ dùng, hàng hóa mua cũng dễ dàng và đầy đủ hơn”, anh Nhang chia sẻ.

Khách nước ngoài tham gia du lịch trải nghiệm ở Côn Đảo. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Khách nước ngoài tham gia du lịch trải nghiệm ở Côn Đảo. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Ngày nay, kết nối giữa đất liền và Côn Đảo đã trở nên dễ dàng hơn khi có các tuyến tàu khách cao tốc kết nối Côn Đảo với huyện Trần Đề (Sóc Trăng), TP. Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh xuất bến hàng ngày phục vụ nhu cầu đi lại của người dân cũng như du khách. Ngoài ra, đường hàng không có sân bay Côn Đảo kết nối với các tuyến bay nội địa.

Hệ thống điện, nước cũng được quan tâm đầu tư, phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho Nhân dân và các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện. Tháng 3/2025, dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho Côn Đảo kết nối từ thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng đến Côn Đảo với tổng mức đầu tư hơn 4.900 tỷ đồng đã khởi công. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào tháng 9/2025.

Côn Đảo cũng là địa phương đầu tiên của Bà Rịa - Vũng Tàu ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, du lịch xanh, nhiều mô hình khuyến khích khách du lịch, người dân hạn chế sử dụng đồ nhựa được triển khai và đem lại hiệu quả. Các tour du lịch nhặt rác, làm sạch biển, thu gom rác dưới rạn san hô, trồng rừng được nhiều doanh nghiệp xây dựng thu hút du khách.

Trong kế hoạch phát triển của tỉnh, du lịch Côn Đảo sẽ tập trung vào phân khúc thị trường khách yêu văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái và các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch thời gian tới cũng sẽ hướng đến các yếu tố này.

Theo Hội Du lịch Côn Đảo, huyện đảo đang có 27 tuyến du lịch, với đa dạng sản phẩm từ tham quan di tích lịch sử, đến tour du lịch sinh thái… Dựa trên những tuyến này, các công ty du lịch, lữ hành đã xây dựng và phát triển những tour du lịch khác nhau, trong đó nhiều tour tuyến được du khách trong và ngoài nước đón nhận. Sản phẩm du lịch ngày càng có sự tham gia sâu hơn của người dân địa phương thông qua cung cấp dịch vụ lưu trú, trải nghiệm cuộc sống, văn hóa, nếp sống của cư dân trên đảo.

Nguyễn Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ky-uc-ngay-giai-phong-cua-cuu-tu-binh-con-dao-385243.html
Zalo