Hồi ức ngày giải phóng của nữ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn

TP. Hồ Chí Minh ngày nay rực rỡ, nhưng ở đó, từng có những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn đã đi qua những tháng năm khói lửa, mang trong tim niềm tin tất thắng.

Những trận đánh vang dội

Một trong những con người ấy là bà Nguyễn Thị Bích Nga – nữ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn (hiện là Quyền Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến khối vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định), người đã viết nên câu chuyện đời mình bằng máu, nước mắt và lòng yêu nước sắt son.

Bà Nguyễn Thị Bích Nga sinh năm 1951, tại huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Ngay từ những ngày thơ bé, bà đã tận mắt chứng kiến những cuộc bố ráp, đàn áp dã man của quân thù đối với đồng bào và lực lượng kháng chiến. Chính những hình ảnh ấy đã in sâu vào tâm trí non nớt của "cô bé Nga", thắp lên trong bà ngọn lửa căm thù giặc và khát vọng được đứng vào hàng ngũ chiến đấu.

Bà Nguyễn Thị Bích Nga (thứ 2 từ phải sang) trong ngày giải phóng (Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp)

Bà Nguyễn Thị Bích Nga (thứ 2 từ phải sang) trong ngày giải phóng (Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp)

Năm 12 tuổi, bà rời quê, vào Sài Gòn làm giúp việc cho một gia đình ở đường Tân Hóa. Những tưởng cuộc sống sẽ mãi lặng lẽ trôi đi sau cánh cửa của một gia đình giàu có, nhưng chính người chủ ấy – một cơ sở cách mạng – đã mở ra bước ngoặt lớn trong cuộc đời bà. Nhận thấy sự lanh lợi, gan dạ và bản lĩnh ở cô bé giúp việc nhỏ tuổi, người chủ đã âm thầm kết nối, đưa bà vào căn cứ cách mạng.

Bà là một trong những nữ chiến sĩ gan dạ, hoạt động trong lực lượng Biệt động thành Sài Gòn – Gia Định, nơi mỗi nhiệm vụ là một lần đánh cược với sinh tử. Với vỏ bọc là một cô thợ may, có lúc là người bán hàng rong, bà tham gia tiếp tế, vận chuyển vũ khí, trinh sát mục tiêu, lập kế hoạch tấn công vào các cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn cũ. Bà thuộc nhóm những người đã góp phần chuẩn bị cho các trận đánh vang dội như: Tấn công Dinh Độc Lập, Bộ Tư lệnh Hải quân, Đài Phát thanh...

Trong ký ức của bà, những ngày hoạt động biệt động là những ngày sống gian nguy, không có gì ngoài nhiệm vụ trước mắt và niềm tin, đất nước nhất định sẽ thống nhất.

Cuộc sống nơi địa ngục trần gian và hạnh phúc vỡ òa

Tết Mậu Thân 1968, khi toàn miền Nam bừng cháy khí thế tổng tiến công và nổi dậy, bà Nga lại được giao một nhiệm vụ vô cùng nguy hiểm, đó là vận chuyển khẩu cối 60 ly và pháo kích vào Dinh Độc Lập, trái tim của chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ. Nhưng không may, trên đường làm nhiệm vụ tại Bình Chánh, bà bị địch bắt. Kể từ đó, chuỗi ngày tăm tối bắt đầu. Đó là những năm tháng chịu đựng tra tấn tàn khốc, đọ sức bền ý chí với kẻ thù trong các nhà giam khét tiếng từ Bình Chánh, Gia Định, Thủ Đức, khám Chí Hòa, trại giam Tân Hiệp... và cuối cùng là nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian” – Côn Đảo.

Những năm tháng bị cầm tù, đánh đập, bỏ đói, cùm chân trong xà lim tối… không thể khuất phục được ý chí của người nữ biệt động gan góc. Có những lúc thân thể bà rỉ máu, tưởng chừng không thể sống sót, nhưng trong lòng bà vẫn kiên định một niềm tin bất diệt: Đất nước sẽ thống nhất, và bà dù có gục ngã cũng là một phần trong chiến thắng ấy.

Tôi vẫn nhớ như in những tháng ngày ở trong xà lim tăm tối, bị giam trong một căn phòng chật hẹp, mỗi ngày chỉ được đúng một lon nước để sinh hoạt: uống, rửa mặt, vệ sinh… tất cả chỉ gói gọn trong chừng ấy. Chị Thắng thường lén giữ lại ít nước, nhúng khăn lau mặt cho tôi, rồi nhường phần nước còn lại để tôi có thể gội đầu. Những cử chỉ ấy nhỏ thôi, nhưng giữa chốn ngục tù nó là cả một bầu trời nhân ái”, bà Nga nghẹn ngào nhớ lại, đôi mắt rưng rưng như sống lại những ngày xưa cũ.

Bà Vũ Minh Nghĩa (Chín Nghĩa) và bà Nguyễn Thị Bích Nga (phải) kể chuyện về ngày giải phóng với bạn trẻ đến tham quan Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (Ảnh nhân vật cung cấp)

Bà Vũ Minh Nghĩa (Chín Nghĩa) và bà Nguyễn Thị Bích Nga (phải) kể chuyện về ngày giải phóng với bạn trẻ đến tham quan Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (Ảnh nhân vật cung cấp)

Rồi đến một ngày mà suốt bao năm tháng giam cầm bà và đồng đội từng thầm mơ đến, đó là trưa 30/4/1975, ngày chiến thắng. Nhưng giây phút ấy không đến bằng những tiếng loa hân hoan hay cờ hoa rực rỡ, mà đến thật lặng lẽ, qua một chiếc radio phát thanh vang vọng đâu đó trong trại giam: “Chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện”.

“Chúng tôi nghe tin mà mừng đến nghẹt thở. Trong bụng thì reo lên, mà miệng không dám nói, sợ lại là cái bẫy. Mãi đến khi nghe tiếng la vang từ các trại khác, thấy cả đảo đồng loạt nổi dậy, tôi mới tin đó là sự thật. Ra khỏi cổng trại, tôi không nói nên lời, chỉ biết ôm chầm lấy nhau mà khóc. Khóc cho ngày đất nước hòa bình. Khóc cho bao người đã nằm lại. Khóc vì mình còn sống để được chứng kiến điều thiêng liêng ấy”, bà Nga kể lại.

Sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bà chọn cuộc sống bình dị, về công tác tại một cơ quan địa phương, sau đó nghỉ hưu và tham gia công tác hội phụ nữ, hội cựu chiến binh ở phường. Bà không bao giờ kể nhiều về chiến công của mình, chỉ thỉnh thoảng nhắc lại tên một người đồng đội đã hy sinh, hay đôi khi ngồi lặng thinh bên tách trà, mắt nhìn về phía Dinh Độc Lập, nơi bà đã gửi lại cả một thời tuổi trẻ.

“Đến hôm nay, tôi vẫn nhớ từng gương mặt, từng ánh mắt. Những người bạn, những người anh em không tên, không tuổi, đã sống một cuộc đời ngắn ngủi nhưng rực rỡ như pháo hoa. Tôi là người sống sót để kể lại. Không phải để được tôn vinh, mà để thế hệ sau hiểu rằng, có một Sài Gòn từng rất khác, nơi mà những người trẻ đã không tiếc tuổi xuân vì một ngày toàn thắng”, bà Nga chia sẻ.

Với thế hệ trẻ hôm nay, những nữ không chỉ là nhân chứng sống của một thời hào hùng mà còn là biểu tượng của lòng dũng cảm và sự kiên cường.

Tiến Phòng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hoi-uc-ngay-giai-phong-cua-nu-chien-si-biet-dong-sai-gon-385242.html
Zalo