Ký ức ngày giải phóng
Ngày 30-4-1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi, đánh dấu thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
50 năm đã qua, chiến tranh đã lùi xa và những chiến sĩ năm xưa giờ đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ký ức về một thời hoa lửa mãi là dấu ấn sâu đậm trong suốt cuộc đời của những cựu chiến binh.
Ông Nguyễn Tài Triệu, cựu chiến binh nhà tù Phú Quốc: “Chúng tôi luôn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng”
Để được nhập ngũ và đi vào chiến trường tham gia vào cuộc chiến tranh chống Mỹ để bảo vệ Tổ quốc, tôi đã viết đơn xin nhập ngũ bằng máu và khai tăng lên 2 tuổi. Tuổi trên hồ sơ của tôi là sinh năm 1947 nhưng tuổi thật của tôi là sinh năm 1949, tôi ở chiến trường được 2 năm thì bị địch bắt, lúc đó mới là Trung sĩ.
Tôi bị địch bắt vào tháng 6-1967 và được trao trả vào tháng 3-1973, tức là gần 6 năm bị giam và trải qua 2 nhà tù, lúc mới bị bắt thì bọn chúng giam tôi ở nhà tù tại Biên Hòa và sau đó đưa ra nhà tù Phú Quốc.

Cựu chiến binh nhà tù Phú Quốc Nguyễn Tài Triệu.
Sự tra tấn của kẻ địch ở nhà tù vô cùng tàn bạo nhưng chúng tôi vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, đấu tranh để giành quyền sống và luôn phát huy phẩm chất của người chiến sĩ cộng sản. Đặc biệt, bây giờ chúng tôi vô cùng tự hào là đã thực hiện đúng lời thề của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong đó, Lời thề thứ 6 đã nằm lòng và khắc ghi sâu đậm trong trái tim của những chiến sĩ. Chúng tôi đã thực hiện trọn vẹn lời thề này.
Chúng tôi là những người lính vượt Trường Sơn trong thời kỳ năm 1965; hành quân dưới làn mưa đạn của kẻ thù; ngày đêm, quân địch bắn rất ác liệt hòng tiêu diệt đường Hồ Chí Minh là tuyến đường huyết mạch nối liền giao thông Bắc-Nam thời kỳ đó. Suốt dọc đường, đồng đội hy sinh rất nhiều bởi bom đạn, kiệt sức, sốt rét… nhưng ý chí và quyết tâm Nam tiến để chiến đấu chống quân thù không cản được bước chân của những chiến sĩ. Khi chiến tranh kết thúc, một chân của tôi đã để lại chiến trường và khi bị giam ở nhà tù Phú Quốc, tôi đã bị cưa chân nhiều lần do vết thương nhiễm trùng.
Đất nước đã thống nhất 50 năm, khi đi qua chiến tranh, tôi càng cảm nhận rõ hơn giá trị của hòa bình là vô cùng lớn lao, được xây đắp bằng xương máu, sự hy sinh của đồng bào mình, nhân dân mình.
-------------------
Cựu chiến binh Lê Xuân Tường: “Cả dân tộc như vỡ òa trong niềm vui chiến thắng”
50 năm trước, hình ảnh đất nước thống nhất đã cho tôi nhiều kỷ niệm. Khi miền Nam được giải phóng, lúc đó tôi đang nằm trong viện điều trị vì bị thương do chiến đấu. Khi được tin miền Nam được giải phóng, tôi vô cùng xúc động, nghẹn ngào hét lên một câu “mẹ ơi con sống rồi, con được trở về với mẹ rồi”. Mặc dù, tôi không được may mắn có mặt trong đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn, nhưng được chứng kiến niềm vui của đồng bào mình, dân tộc mình khi đất nước thống nhất, Bắc-Nam sum họp một nhà thì ai ai cũng vui mừng khôn xiết.

Cựu chiến binh Lê Xuân Tường.
Tôi nghĩ rằng, chiến tranh đã qua đi, giờ đây, cần phát huy giá trị, tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ. Tôi nghĩ rằng, phải giáo dục làm sao để bản thân các em học sinh tự thấm nhuần tinh thần yêu nước, hiểu được giá trị của độc lập tự do, thông qua hoạt động tuyên truyền và những cuộc triển lãm, phim ảnh… Chẳng hạn vừa qua có những bộ phim về chiến tranh mà trước đây ít người xem thì bây giờ, rất nhiều các bạn trẻ yêu thích, đó chính là tín hiệu đáng mừng.
-----------------
Cựu chiến binh Ngô Công Nội: “Ngày miền Nam được giải phóng, ai cũng mừng vui”
Khi giải phóng miền Nam, tôi đang ở Quân đoàn 1, Sư đoàn 320. Ngày miền Nam được giải phóng, ai cũng mừng vui, rất nhiều tiếng khóc và tiếng cười hòa vào không khí chào đón đất nước thống nhất.

Cựu chiến binh Ngô Công Nội.
Cả TP Hồ Chí Minh khi đó tấp nập, đông vui lắm. Lúc đó, chúng tôi được đồng bào vây quanh, cảm giác vô cùng hạnh phúc, mọi người ùa ra mọi ngả đường để chào đón đoàn quân chiến thắng.
Giải phóng miền Nam để chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài hơn 20 năm, đất nước được giải phóng, chúng ta tự hào là người Việt Nam vô cùng kiên cường, chiến đấu chống kẻ thù xâm lược để giành độc lập cho dân tộc.