Ký ức một thời về miền cao nguyên đất đỏ
'Sẽ không kể cùng ai nỗi khó /Dù bao năm trên cao nguyên đất đỏ/Mà sẽ kể cùng ai nỗi nhớ/Những buôn làng tên đất đã đi qua'. Tác giả Võ Văn Hòe đã mở đầu tập bút ký 'Không có chỗ an nhàn' (NXB Hội Nhà văn) của mình như vậy, để hồi tưởng về những tháng năm trai trẻ khi anh vừa tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Quy Nhơn về nhận nhiệm vụ dạy học tại vùng đồi núi cao nguyên Đắk Lắk, vào thời điểm những năm đầu sau ngày thống nhất đất nước.
![Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe (bút danh: Cẩm Lệ), sinh ngày 23-10-1953 tại phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng), Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam; Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian TP Đà Nẵng 2 nhiệm kỳ: 2007-2013 & 2014-2018. Nơi công tác trước khi nghỉ hưu: Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng. Ông có nhiều công trình nghiên cứu ở nhiều thể loại như: văn học dân gian, văn hóa dân gian, địa danh góp phần lưu giữ những nét phong tục, tập quán của xứ Quảng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_173_51481970/3c4706ac35e2dcbc85f3.jpg)
Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe (bút danh: Cẩm Lệ), sinh ngày 23-10-1953 tại phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng), Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam; Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian TP Đà Nẵng 2 nhiệm kỳ: 2007-2013 & 2014-2018. Nơi công tác trước khi nghỉ hưu: Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng. Ông có nhiều công trình nghiên cứu ở nhiều thể loại như: văn học dân gian, văn hóa dân gian, địa danh góp phần lưu giữ những nét phong tục, tập quán của xứ Quảng.
Tập bút ký “Không có chỗ an nhàn” được hoàn thành tại một Trại sáng tác Vũng Tàu, sau mấy chục năm tác giả trải nghiệm và viết lại. Vì vậy, qua hơn 200 trang sách, có thể nói đó là những gì đọng lại trong tâm thức tác giả sâu sắc nhất, ấn tượng nhất, cảm xúc nhất... về một miền đất ngày nào còn rất hoang sơ, cần sự đóng góp xây dựng của những bàn tay năng nổ, không ngại khó của lớp trẻ từ mọi mặt.
Ngày ấy, vào lúc hai giờ chiều, tháng 2 năm 1977, tại bến xe Buôn Ma Thuột gió bụi mù mù, 67 giáo sinh từ trường Cao đẳng Sư phạm Quy Nhơn lần đầu đặt chân lên cao nguyên đất đỏ. Nơi ấy, họ chưa hiểu nhiều về miền đất này, ngoại trừ các trang tư liệu về Tây Nguyên khi ngồi ghế nhà trường, rằng Buôn Ma Thuột đấy là tên một buôn của đồng bào người Ê Đê Kpăp. Người Pháp sau khi chiếm được Việt Nam, bình định được Tây Nguyên bắt đầu xây dựng bộ máy cai trị... Và giờ đây, những người giáo sinh lên Đắk Lắk, cần phải biết rằng ngành giáo dục của tỉnh sau 1975 đang phục hồi; chủ trương của ngành là mở lớp tận buôn làng xa xôi, đặc biệt là các vùng kinh tế mới vừa được xây dựng. Cụ thể hơn nữa: “Phải góp tay vào làm mọi chuyện đấy, vực giáo dục Đắk Lắk lên chứ không riêng gì lên lớp đâu”.
Bản thân người viết (nhân vật Hoàng) phải lên xe thồ tìm về trường Ea Ti, tức Hoa Dung thuộc làng Trung, nơi mà người lái xe cho biết: “Một nửa đường do mình kiểm soát, còn một nửa đường trong đó Fulro làm chủ, xe tôi không dám vào”... Tuy nhiên, với tinh thần tự nguyện, muốn tìm một cái gì mới lạ ở núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ, nhất là khi đang học ở nhà trường, có lần được nghe anh hùng Đinh Hơ Núp và chú Y Ngông Niê đến nói chuyện, động viên, kêu gọi giáo sinh nên lên Tây Nguyên xóa mù chữ cho con em trên ấy. Thế rồi... Hoàng đã xốc ba lô lên vai, bước vào khoảng sân trường cỏ đan dày nhưng lại khô héo tự hồi nào. Cứ thế, thời gian dần trôi qua. Từ trên bục giảng nhìn xuống, Hoàng cảm nhận được hạnh phúc tràn đầy, thật giản dị và không thể nào ngờ những đôi mắt sáng nhìn lên ngơ ngác, đợi chờ. Đấy là hạnh phúc đầu tiên trên bục giảng. Rồi chuyện Fulro bắn phá, chuyện bệnh tật ở vùng núi non thiếu thốn thuốc men, thiếu nước sinh hoạt... Những mẩu chuyện buồn vui nho nhỏ như vậy, được tác giả kể lại thành các tiêu đề thú vị như: Đến với cao nguyên, Dưới cành phượng vĩ, Chuyện đường rừng, Suối giáo viên, Trên nông trường Ea Knũl, những trang thơ...
Trong con mắt của người thầy giáo trẻ ngày ấy, luôn đọng lại trong ký ức những hình ảnh không phai nhạt: “Trưa tháng Sáu, nắng rọi vào rừng sâu, chim muông hối hả gọi nhau lẩn tránh cơn mưa giông xối xả, trút lá bẻ cành. Vậy là mưa rừng về, không hẹn. Từ tháng ba, mùa con ong đi lấy mật, mùa làm nương chè đất ươm ngô mưa đã về rồi, nói chi đến tháng Sáu này, là giữa mùa mưa nên mưa hãy còn trút xuống, rồi nắng lên. Cứ thế! Mấy ngày đầu lao động, chân tay ai nấy phồng lên. Rừng rậm, dày, gai mắc cỡ đan chằng chịt không khéo thì xước cả tay chân. Sau cơn mưa buổi trưa, đường đất khô quánh lại chạy dài chia hai trái đồi dốc đứng. Trên đường đi ra hiện trường hôm ấy, đâu đây tiếng hát gợi tình của mấy anh Ê Đê lại vang lên...” (tr.121); hoặc: “Con dốc không cao nhưng lại dài hơn 500 mét, nước từ buôn Niệt, buôn Jung đổ về suối những khi có mưa lớn, tạo nên những đường rãnh sâu hoắm. Xa xa từ những nóc nhà dài của mgười Ê Đê đứng im lìm ngủ trong đêm vắng. Một vài người dân Ê Đê cần cù thăm rẫy đuổi thú rừng phá nương còn thức đến khuya. Một hòn than sáng hừng lên trong gió cứ di chuyển đều đều theo bước chân dài ra nương rẫy. Chốc chốc lại có tiếng mõ gõ gọn lỏn, sắc đục xoáy ngang vào trời đêm yên ắng. Tiếng rì rảo của cây kơ nia, cây ké rờn rợn như đánh lạc bước chân người...” (tr.167).
Thế rồi, vào một ngày cuối hạ, chuyến xe ca tốc hành từ Buôn Ma Thuột đổ đèo Phường Hoàng – MDrak xuôi về phố biển Nha Trang. Không ngờ đó là lần cuối cuộc hành trình tác giả rời khỏi Buôn Ma Thuột... Bởi sau lần đó, do bệnh tật, đau ốm liên miên, nên tác giả không thể nào trở lại miền cao nguyên nắng gió ấy. Dù những buôn làng, tên đất đi qua vẫn hiện về trong trí nhớ nhỏ nhoi của anh. Nơi ấy, làng Trung với từng căn phòng, lớp học với những khuôn mặt quen thân Y Đi, Hreo, Y Bếch, Y Đo, HLững... Nhớ khu nhà nội trú, dãy hành lang mỗi lần chuyện vãn với bạn bè, đồng nghiệp. Sân trường, nước đọng, bụi bặm, đất đỏ dẻo sền…, để rồi không ngớt băn khoăn tự hỏi: “Khi nào trở lại làng Trung?”.