Ký ức không quên về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Hai cựu chiến binh - Thiếu tướng Phan Thanh Giảng và Đại tá Nguyễn Văn Leo - đã trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử trong Sư đoàn 341.

Từ Trảng Bom đến Dinh Độc Lập, họ mang trong mình những ký ức thiêng liêng, hào hùng về ngày 30/4/1975 – ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ký ức Trảng Bom - trận mở màn khốc liệt

Trận đánh Trảng Bom – hướng Đông Bắc Chiến dịch Hồ Chí Minh – luôn được Thiếu tướng Phan Thanh Giảng khắc ghi như một trận then chốt đầy khốc liệt, mở màn cho đại thắng mùa Xuân năm 1975. Khi ấy, ông là chiến sĩ Đại đội 9, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 266 thuộc Sư đoàn 341 (Đoàn Sông Lam), trực tiếp tham chiến tại yếu khu Trảng Bom, cửa ngõ quan trọng dẫn vào Biên Hòa và Sài Gòn.

Trở lại với ký ức năm ấy, Thiếu tướng Giảng kể lại: Rạng sáng 27/4, các đơn vị Sư đoàn 341 đồng loạt nổ súng, pháo binh giáng đòn hủy diệt vào trận địa pháo địch. Trảng Bom nhanh chóng chìm trong khói lửa. Bản thân ông bị thương ở chân trong lúc vượt tuyến lửa để đánh chiếm khu trung tâm. Đến 10h30 cùng ngày, toàn bộ quân địch trong yếu khu Trảng Bom bị tiêu diệt, một đoạn quốc lộ 1 dài 14km được giải phóng, tạo hành lang quan trọng tiến vào Biên Hòa.

Những ký ức hào hùng của Chiến dịch Hồ Chí Minh được Thiếu tướng Phan Thanh Giảng gửi gắm vào cuốn hồi ký "Đường tới thành phố", trong đó có những hình ảnh tư liệu quý về chiến dịch

Những ký ức hào hùng của Chiến dịch Hồ Chí Minh được Thiếu tướng Phan Thanh Giảng gửi gắm vào cuốn hồi ký "Đường tới thành phố", trong đó có những hình ảnh tư liệu quý về chiến dịch

Dù bị thương và được đưa về bệnh xá dã chiến ngay hôm sau, ông Giảng vẫn nắm rõ các bước tiến thần tốc của sư đoàn: từ Trảng Bom đánh thẳng vào Bàu Cá, Hố Nai, Long Bình – nơi địch cố thủ bằng tuyến phòng ngự dày đặc. Đến sáng 30/4, pháo binh ta đập tất cả mọi ổ đề kháng, Quân đoàn 2 và Quân đoàn 4 đồng loạt tiến vào Sài Gòn.

Bị thương không thể vào được Sài Gòn chứng kiến khoảnh khắc lịch sử, nhưng khi nghe tin Tổng thống Ngụy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng qua chiếc đài bán dẫn trong bệnh xá, ông Giảng cùng các đồng đội vỡ òa. "Chúng tôi ôm nhau reo hò trong niềm sung sướng tột độ. Nhiều người lặng đi bàng hoàng, xúc động, nước mắt giàn dụa trên má, những giọt nước mắt trong niềm vui sướng đến tột cùng và những giọt nước mắt tưởng nhớ các đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh cho đất nước ngày toàn thắng", ông Giảng bồi hồi.

Từ Chơn Thành đến Dinh Độc Lập - một hành trình thiêng liêng

Cùng sát cánh trên mặt trận miền Đông Nam Bộ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại tá Nguyễn Văn Leo – chiến sĩ Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 273, Sư đoàn 341 – cũng có những ký ức không thể nào quên. Từ chàng thanh niên Quảng Bình tuổi 18 nhập ngũ cuối năm 1974, ông nhanh chóng bước vào chiến trường khốc liệt đầu năm 1975.

Sau hành trình hành quân xuyên Trường Sơn vào chiến trường Lộc Ninh (Bình Phước), đơn vị của ông Leo bước vào những trận đánh then chốt: từ Chơn Thành, Xuân Lộc đến Trảng Bom và Biên Hòa. Mỗi trận đánh đều là thử thách sinh tử. Tối 29/4, sau khi phá vỡ phòng tuyến Biên Hòa, đơn vị của ông được lệnh đánh chiếm cầu Sài Gòn – nhưng vấp phải sự kháng cự quyết liệt của địch. Thiệt hại nặng, đơn vị rút lui về Hố Nai.

Đến 8h sáng 30/4, lệnh từ đồng chí Trần Văn Trân – Sư đoàn trưởng Sư đoàn 341 – truyền đến: Tiểu đoàn 3 thay mặt Quân đoàn 4 cắm cờ tại Dinh Độc Lập.

Nhận lệnh, đơn vị lên xe tăng tiến vào Sài Gòn. Đến ngã ba Tam Hiệp, người dân hai bên đường hò reo, tung hoa mừng chiến thắng, khiến đường ùn tắc. Gần 12h trưa 30/4, xe tăng của Tiểu đoàn 3 vượt cầu Sài Gòn tiến vào Dinh Độc Lập – lá cờ Giải phóng đã tung bay trên nóc dinh, những chiến sĩ Sư đoàn 341 cũng kịp có mặt trong thời khắc lịch sử thiêng liêng ấy.

“Cảm xúc lúc đó rất khó tả, vui vì chiến thắng, vì Tổ quốc độc lập, nhưng buồn vì đồng đội hy sinh quá nhiều", Đại tá Nguyễn Văn Leo nghẹn ngào. Sau khi tiếp quản Dinh Độc Lập, đơn vị của ông di chuyển đến cảng Bạch Đằng làm nhiệm vụ bảo vệ và ngày 1/5/1975 tham gia diễu binh khắp các tuyến phố tại Sài Gòn.

Thiếu tướng Phan Thanh Giảng với cuốn hồi ký "Đường tới thành phố"

Thiếu tướng Phan Thanh Giảng với cuốn hồi ký "Đường tới thành phố"

Từ ký ức hào hùng đến tinh thần truyền lửa

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử – đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam hiện đại – không chỉ là một chiến thắng quân sự mà còn là biểu tượng của khát vọng độc lập, hòa bình và thống nhất dân tộc. Với những người lính năm xưa như Thiếu tướng Phan Thanh Giảng hay Đại tá Nguyễn Văn Leo, ký ức ấy không chỉ là niềm tự hào, mà còn là trách nhiệm truyền lửa cho thế hệ mai sau.

Sư đoàn 341 – Đoàn Sông Lam – được thành lập cuối năm 1972 tại quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, tỉnh Nghệ An, là đơn vị bộ binh cơ động thuộc Quân khu 4. Trải qua nhiều cuộc huấn luyện, chiến đấu gian khổ, sư đoàn được điều động vào chiến trường miền Nam năm 1975 theo quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Sư đoàn 341 là một trong những lực lượng then chốt, góp phần mở cửa từ hướng Đông vào Sài Gòn, cùng với Quân đoàn 2 làm nên thời khắc giải phóng lịch sử trưa ngày 30/4.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, những người lính năm xưa nay tóc đã bạc, nhưng tinh thần chiến đấu, tình đồng đội và lý tưởng cao đẹp vẫn mãi khắc sâu trong họ.

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ky-uc-khong-quen-ve-chien-dich-ho-chi-minh-lich-su-385245-385245.html
Zalo