Đường Trường Sơn... những ngày lịch sử

Bước sang năm 1974, tuyến chi viện chiến lược đường Hồ Chí Minh và Bộ Tư lệnh. (BTL) Bộ đội Trường Sơn tròn 15 tuổi. Vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, thử thách, hy sinh..., từ những lối mòn giao liên nhỏ, đường Trường Sơn phát triển thành 'một trận đồ bát quái xuyên rừng rậm' đủ sức bảo đảm nhân lực, vật lực, khí tài cho chiến trường miền Nam. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Bộ đội Trường Sơn tạo nên 'những kỳ công, kỳ tích' hướng về Nam, góp phần giải phóng Sài Gòn, thống nhất non sông.

Thần tốc, quyết thắng

Trong hồi ký “Trọn một con đường” (NXB Quân đội nhân dân, năm 2022), Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Tư lệnh Đoàn 559, Bộ đội Trường Sơn nhớ lại: Ngày 5/2/1975, đồng chí Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng thay mặt Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương trên đường vào trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch Tây Nguyên đã đến làm việc với BTL Bộ đội Trường Sơn.

Đêm ra trận là một đêm không ngủ, khi còn lại hai người, đồng chí Văn Tiến Dũng nói với Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên: Hoạt động của tuyến chi viện chiến lược đường Hồ Chí Minh là một trong những yếu tố quyết định để Bộ Chính trị hoạch định kế hoạch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sự phát triển và hoàn thiện mau lẹ của tuyến đường Hồ Chí Minh là cơ sở vững chắc để Bộ Tổng Tư lệnh chủ động mở các chiến dịch quy mô theo ý muốn... Cuối tháng 12/1974, Bộ Chính trị dự kiến phương án giải phóng miền Nam trong năm 1975. Đây là vấn đề thuộc về nghệ thuật quân sự, nghệ thuật tạo thời cơ và nắm bắt thời cơ để giành thắng lợi quyết định. Ngay cả phương án cho năm 1975 cũng không phải bất biến mà phải nhạy bén, kịp thời điều chỉnh theo các tình thế trên chiến trường.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trên đường Trường Sơn. Ảnh: Tư liệu

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trên đường Trường Sơn. Ảnh: Tư liệu

Thắng lợi của các chiến dịch Tây Nguyên, Trị Thiên-Huế, Đà Nẵng tạo một bước ngoặt quan trọng trên chiến trường miền Nam. Ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị họp hạ quyết tâm: Nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa, với tư tưởng thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4, không để chậm. Thực hiện quyết tâm này, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Cùng với cả nước, Bộ đội Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh cũng dốc hết toàn bộ lực lượng, phương tiện phục vụ các hướng chiến trường. Tháng 2/1975, Sư đoàn vận tải 571 huy động gần 800 phương tiện cơ giới đưa lực lượng dự bị chiến lược từ Quảng Bình, Vĩnh Linh vào Đông Nam bộ bổ sung cho Quân đoàn 4. Tháng 3/1975, Sư đoàn vận tải 571 tiếp tục dùng 1.000 xe ô tô cơ động Quân đoàn 1 từ Ninh Bình đến Đồng Xoài. Trong vòng 20 ngày, Quân đoàn 1 hành quân hơn 1.200km theo đường Trường Sơn tập kết an toàn tại Đồng Xoài sớm hơn 6 ngày so với kế hoạch ban đầu. Sư đoàn vận tải 471 nhận lệnh cơ động toàn bộ đội hình Quân đoàn 3, Sư đoàn 2, Sư đoàn 3B, Quân khu 5 cùng 6.000 tấn đạn pháo từ Tây Nguyên vào Lộc Ninh.

Sau chiến thắng Trị Thiên-Huế và Đà Nẵng, Bộ Chính trị quyết định thành lập cánh quân Duyên Hải gồm Quân đoàn 2 (thiếu Sư đoàn 324), Sư đoàn 3 (Quân khu 5)... ngoài các loại vũ khí, khí tài trang bị đồng bộ thì quân số lên đến 33.000 người. Để cơ động “thần tốc” phải cần khoảng 2.000 xe ô tô, trọng trách này được giao cho BTL Bộ đội Trường Sơn. Sau 18 ngày vừa cơ động vừa chiến đấu, vượt hơn 1.000 cây số, ngày 21/4, cánh quân Duyên Hải có mặt phía Nam thị xã Xuân Lộc.

Cựu chiến binh Trần Văn Bường (thứ 3 từ phải sang).

Cựu chiến binh Trần Văn Bường (thứ 3 từ phải sang).

Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, các lực lượng Bộ đội Trường Sơn và tuyến chi viện chiến lược đường Hồ Chí Minh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vô cùng quan trọng là bảo đảm cầu đường, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, đặc biệt là cơ động các binh đoàn chủ lực hành quân thần tốc, vượt hàng nghìn cây số kịp thời thực hiện chiến dịch hợp đồng quân binh chủng quy mô lớn nhất trong lịch sử chiến tranh giải phóng miền Nam.

Từ tuyến lửa Quảng Bình... đến Dinh Độc Lập

Ngày 3/2/1975, tại xã Mỹ Thủy (Lệ Thủy) của vùng đất lửa Quảng Bình, Sư đoàn 341, Quân khu 4 tổ chức lễ xuất quân “Nam tiến”, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Sư đoàn 341 thành lập tháng 11/1972 tại huyện Nam Đàn (Nghệ An), sau đó vào đứng chân tại Đặc khu Vĩnh Linh và Quảng Bình để huấn luyện, xây dựng và phát triển lực lượng, trở thành “quả đấm thép” chi viện cho chiến trường miền Nam. Tại Quảng Bình, Sư đoàn 341 bổ sung thêm 2 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn pháo binh với hơn 500 quân số là con em ưu tú Quảng Bình.

Giai đoạn 1973-1975, Bộ đội Trường Sơn đã cơ giới 40 vạn quân; tổ chức hành quân cho 25 đoàn binh khí, kỹ thuật vào chiến trường; cơ động bằng xe cơ giới 10 lượt sư đoàn của 3 quân đoàn chủ lực tham gia các chiến dịch; tiêu diệt và bắt sống 17.740 tên địch, bắn rơi tại chỗ 2.454 máy bay các loại; mở 3.000km đường giao liên; xây dựng 1.350km đường thông tin tải ba và hàng vạn km dây thông tin các loại, bảo đảm thông tin thông suốt đi các hướng chiến trường; mở 1.400km đường ống xăng dầu; 600km đường sông; tổ chức cho hơn 2 triệu lượt người vào ra chiến trường an toàn... Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Bộ đội Trường Sơn huy động 6 sư đoàn phối thuộc phục vụ chiến đấu và tham gia chiến đấu trên các hướng mặt trận (Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên với Trường Sơn, NXB Thanh niên, năm 2022).

Trong đội hình Sư đoàn 341 xuất quân vào Nam chiến đấu có thiếu úy Trần Văn Bường, chính trị viên Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 266 thuộc Sư đoàn 341 (ông Trần Văn Bường, hiện tại ở phường Phú Hải, TP. Đồng Hới, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Bình-PV).

Nhớ lại quãng đường hành quân “thần tốc” theo đường Trường Sơn ngày ấy, ông Trần Văn Bường kể: Sau khi kết thúc lễ xuất quân, Sư đoàn 341 cơ động lên Bến Tiến (xã Kim Thủy), tại đây, BTL Bộ đội Trường Sơn đã chuẩn bị hơn 800 phương tiện cơ giới vận chuyển bộ đội, vũ khí theo đường Hồ Chí Minh vào đến đường 9 rồi vòng sang Lào, Campuchia, tới ngã ba biên giới thì trở lại Việt Nam tập kết ở thị xã Phước Long rồi tham gia chiến đấu ngay trong đội hình Quân đoàn 4, Mặt trận miền Đông Nam bộ. Tính thời gian từ lúc xuất phát đến khi vào địa điểm tập kết, Sư đoàn 341 hành quân chỉ mất hơn một tháng.

Sáng 9/4/1975, Sư đoàn 341 nổ súng tấn công Xuân Lộc, qua 12 ngày đêm chiến đấu, quân ta làm chủ Xuân Lộc. Sau chiến thắng Xuân Lộc, Sư đoàn 341 tiếp tục đánh điểm đột phá Trảng Bom, phát triển theo trục đường số 1 vào Biên Hòa, Sài Gòn. Mục tiêu cuối cùng là Dinh Độc Lâp. 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

Thanh Long

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/phong-su/202504/duong-truong-son-nhung-ngay-lich-su-2225955/
Zalo