Ký ức của chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca

70 năm đã trôi qua, nhưng ký ức Ngày về tiếp quản Thủ đô vẫn tường tận trong tâm trí Đại tá, cựu chiến binh Dương Niết, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca (Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308); nguyên Phó hiệu trưởng Trường Trung cao Không quân (nay là Học viện Phòng không-Không quân). Trong tiết trời mát lành của mùa thu Hà Nội, cụ Dương Niết hồi tưởng về mùa thu năm 1954:

- Khi về tiếp quản Thủ đô, trong đội hình Tiểu đoàn Bình Ca vẫn còn nhiều người lính vượt sông Hồng lên chiến khu vào đầu Xuân 1947 để thực hiện lời thề “ra đi, hẹn một ngày về”. Ngày đó, sau khi quân và dân Hà Nội kiên cường chiến đấu, kìm chân quân Pháp được 2 tháng (vượt xa yêu cầu của cơ quan chiến lược đặt ra một tháng), với sự giúp đỡ hết lòng của nhân dân làng Tứ Tổng (nay là phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, TP Hà Nội) và sự mưu trí quả cảm của Tiểu đội du kích Hồng Hà, do đồng chí Nguyễn Ngọc Nại chỉ huy đã thực hiện một cuộc rút lui thần kỳ, bảo toàn được lực lượng. Ngày đó, trước lúc ra đi, họ đã cùng nhau thề sẽ chiến đấu cho đến ngày Tổ quốc độc lập, thống nhất và tin chắc Thủ đô sẽ chiến thắng quân thù. Và rồi, sau 8 năm xa mảnh đất Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội để cùng cả nước làm cuộc trường chinh vĩ đại, những người lính Tiểu đoàn Bình Ca đã trở về trong tâm trạng đong đầy cảm xúc và tự hào.

 Đại tá, cựu chiến binh Dương Niết.

Đại tá, cựu chiến binh Dương Niết.

Trong niềm xúc động nhớ về một thời kỳ lịch sử, cụ Dương Niết ôn tồn: “Khi đơn vị chuẩn bị về giải phóng Bắc Giang thì có lệnh đình chiến, Đại đoàn 308 được lệnh hành quân về tập kết ở Sơn Tây. Ngày 7-10-1954, tôi cùng 213 cán bộ, chiến sĩ được Trung đoàn Thủ đô lựa chọn vào thành Hà Nội đợt đầu. Từ Sơn Tây qua Vĩnh Phúc rồi hành quân về Phù Lỗ (phía Bắc Hà Nội), tại đây, chỉ huy đơn vị yêu cầu cán bộ, chiến sĩ học kỹ 10 điều kỷ luật khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội”.

Ngày 8-10-1954, Tiểu đoàn Bình Ca dưới danh nghĩa một đơn vị cảnh vệ, là đơn vị Quân đội đầu tiên tiến vào Hà Nội tiếp quản 35 vị trí có quân Pháp chiếm đóng. Đây là những vị trí quan trọng, Pháp đã chiếm giữ ngay từ khi chúng đặt chân xâm lược Hà Nội, như: Phủ toàn quyền, Tòa thị chính, Tòa án tối cao, Sở cảnh sát Bắc Việt, Nhà máy điện Yên Phụ, Nhà máy đèn Bờ Hồ, Ga Hàng Cỏ, Nhà tù Hỏa Lò, Bệnh viện Bạch Mai... Ngày 9-10-1954, quân Pháp bắt đầu rút khỏi Hà Nội. Quân Pháp rút đến đâu, quân ta tiếp quản đến đó. Chiến sĩ Dương Niết là tổ trưởng, cùng 4 chiến sĩ được lệnh vào tiếp quản Sở cảnh sát Bắc Việt. Nhiệm vụ của tổ là hạn chế quân Pháp phá hoại hạ tầng cơ sở của ta.

Theo hồi ức của cụ Niết, chiều 8-10-1954, các đơn vị thuộc Đại đoàn 308 áp sát vành đai Đê La Thành, Nhật Tân, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Bạch Mai và Vĩnh Tuy. Cuối chiều 9-10-1954, những tên lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên; quân và dân ta hoàn toàn kiểm soát Thủ đô. Đêm 9-10, Hà Nội sạch bóng quân xâm lược, người dân Thủ đô thức trắng đêm chuẩn bị pa-nô, băng-rôn, cờ, hoa, khẩu hiệu... Sáng 10-10, hàng vạn người dân xếp hàng dài trên các con phố, tay cầm cờ Tổ quốc, hoa tươi, hân hoan chào đón các đoàn quân vào tiếp quản Hà Nội.

"Ngày 10-10-1954 giải phóng Thủ đô là sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng, khẳng định thắng lợi hoàn toàn của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; đồng thời mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử nghìn năm văn hiến của Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội. Những người lính Đại đoàn 308-Đại đoàn Quân Tiên Phong chúng tôi vinh dự, tự hào được là nhân chứng trực tiếp tham gia sự kiện lịch sử đặc biệt này"-Đại tá, cựu chiến binh Dương Niết tâm sự với tôi với giọng hào sảng và bồi hồi cảm xúc.

Bài và ảnh: SƠN BÌNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ky-niem-70-nam-ngay-giai-phong-thu-do/ky-uc-cua-chien-si-tieu-doan-binh-ca-796554
Zalo