Kỳ tích người Rục: Hành trình 65 mùa xuân từ sống trong hang đá đến xây bản làng ấm no
Sau gần 65 năm được tìm thấy giữa núi rừng Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình, người Rục đang dần đạt những kỳ tích mới trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội. Từ một bộ tộc 'người rừng', đến nay đồng bào đã biết cách phát triển kinh tế, tham gia xây dựng quê hương.
Vượt dãy đá vôi sừng sững, băng qua cánh đồng lúa nước Rục Làn, bản làng người Rục dần hiện ra với những ngôi nhà mới, ngói đỏ tươi. Người Rục sống tập trung tại 3 bản Mò O Ồ Ồ, Yên Hợp và bản Ón, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa.
Là thế hệ người Rục thứ 2 sau khi rời hang đá và chỉ mới 24 tuổi nhưng anh Cao Xuân Long đã được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ, Trưởng bản kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa. Đến nay, Long đã trải qua 4 năm trong vai trò "người đứng đầu" của bản làng, đại diện ý chí và nghị lực vươn lên làm chủ cuộc sống của đồng bào Rục.
Long được bố mẹ nuôi dạy, học hết 3 cấp, anh tiếp tục gắn bó với bản làng thay vì đi xa để tìm kiếm công ăn việc làm. Anh tham gia tích cực các hoạt động của bản làng. Từ đó, anh được các thế hệ già trẻ người Rục tin tưởng bầu chọn là người đi đầu, dẫn dắt những người Rục sống tại bản Mò O Ồ Ồ tiếp tục vươn lên, tìm cách thoát nghèo. Anh Cao Xuân Long cho biết, bản hiện có 80 hộ với hơn 300 nhân khẩu người Rục sinh sống: “Trước đây rất là khổ cực, bà con đi rừng khai thác lâm sản về bán kiếm tiền. Hiện nay cuộc sống đỡ vất vả hơn. Chuyện học hành trước đây rất khó, rất ít con em học đến lớp 12, nhưng bây giờ đã khác đã có em học lên đại học, sau này các em được trở về quê hương dạy học, cống hiến thì sẽ tuyên truyền, giúp đỡ bà con được nhiều hơn thì cuộc sống người Rục càng phát triển, từng bước đi lên hơn nữa”.
Những già làng người Rục cho biết, ngày xưa người Rục thường ở hang lèn, dưới những vòm, mái đá lèn hoặc làm trại dưới chân núi, nơi có nước rục (nước trong núi đá vôi hoặc trong lòng đất) chảy ra. Vì lẽ đó, nên các tộc người khác đã gán cho họ cái tên "Rục". Cuộc sống người Rục tách biệt với thế giới bên ngoài, hoàn toàn dựa vào tự nhiên, thậm chí có nhiều yếu tố sinh hoạt của người tiền sử. Người Rục để tóc dài quá lưng, không mặc quần áo, chỉ che thân bằng những tấm vỏ cây sơ sài. Người Rục dùng than củi đánh dấu vào cửa hang để người khác biết hang có chủ, hàng ngày họ đào củ mài, bột cây nhúc, săn khỉ hay bắt cá ốc dưới suối để ăn. Trong những chuyến săn dài ngày, người Rục hong khô con vật để dùng về sau, còn săn gần hang thì nướng thịt ăn luôn.
65 năm về trước, người Rục về định cư giữa những thung lũng bằng phẳng, không còn “sáng ra khỏi hang, tối vào lại” như trước đây mà bắt đầu xây dựng bản làng. Đến nay, cuộc sống, nếp nghĩ của bà con đã có nhiều thay đổi. Trong hành trình 65 năm ấy, người Rục đã tạo ra những kỳ tích về sự chuyển mình vươn dậy ở thung lũng Rục Làn. Những con đường bê tông thẳng tắp chạy thẳng từ đầu đến cuối bản, hai bên đường có những cột đèn đường sáng trưng. Ông Cao Trung Trực, người có uy tín ở bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa nói rằng, người Rục giờ không học cách trồng lúa, trồng khoai nữa mà đã tìm tòi, học hỏi các mô hình kinh tế làm giàu. “Bây giờ thuận lợi nhiều, có điện đường trường trạm, có đồn biên phòng đóng chân trên địa bàn, có Công an chính quy về bản, người dân bản làng làm ăn trôi chảy thuận lợi. Bà con cùng nhau đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau vươn lên. Nhờ Đảng, Chính phủ, chính quyền cấp xã động viên, giúp đỡ bà con rất nhiều”.
Trải qua hàng chục năm hòa nhập với xã hội, lần đầu tiên có một người con của đồng bào Rục đỗ đại học. Đó là nữ sinh Cao Thị Lệ Hằng, 19 tuổi, bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, thế hệ thứ 2 của người Rục sau khi rời hang đá. Thành tích của Lệ Hằng như một mốc son trong quá trình phát triển của tộc người Rục. Hằng là con thứ 6 trong gia đình có đến 8 anh, chị, em. Bố mất khi Hằng mới 2 tuổi, một mình mẹ tần tảo với đồng ruộng, con trâu, con bò để nuôi các con ăn học. Hằng được Đồn Biên phòng Cà Xèng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đóng chân trên địa bàn nhận làm “con nuôi” trong chương trình "Nâng bước em đến trường".
Bây giờ, Hằng đang theo học ngành Sư phạm, năm thứ 2 tại trường Đại học Quảng Bình. Mới đây, Hằng là đại biểu của tỉnh Quảng Bình dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI. Cao Thị Lệ Hằng tâm sự, từ nhỏ em đã rất thích đến trường để được học múa hát, học chữ, tự đọc sách dù phải đi bộ vượt quãng đường xa. “Bước vào giảng đường Đại học là ước mơ của em mặc dù phía trước vẫn còn rất nhiều khó khăn như khó khăn trong tiếp thu kiến thức vì em tiếp thu kiến thức vẫn còn chậm, kinh tế gia đình cũng khó khăn nhưng được sự hỗ trợ của Nhà nước, em xác định cố gắng đi học, hết sức phấn đấu để mai sau có thể giúp đỡ gia đình, cống hiến cho xã hội và bản làng của mình”.
Tưởng chừng cuộc vận động về định canh định cư của 65 năm trước sẽ mở ra trang mới cho người Rục. Thế nhưng, chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ quá khốc liệt, đất nước sau chiến tranh rất khó khăn và trận dịch sởi năm 1989 đã cướp đi sinh mạng của nhiều người Rục, cái đói nghèo vẫn cứ bủa vây. Và người Rục đành quay về hang đá. Cuộc vận động người Rục quay trở lại với cộng đồng lần thứ 2 là một kỳ tích của cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng Bộ đội Biên phòng. Khi cánh đồng lúa nước bắt đầu vàng óng ánh giữa thung lũng Rục Làn, người Rục mới cảm nhận được cuộc sống ấm no.
Sau hơn 10 năm thực hiện, chương trình đưa lúa nước về với đồng bào Rục do lực lượng Biên phòng triển khai đã mang đến nhiều đổi thay kỳ diệu. Từ những ruộng lúa ban đầu, đến nay bà con đồng bào Rục đang sở hữu hơn 5ha lúa nước, 5ha ngô, đảm bảo tự lo được nguồn lương thực.
Trung tá Hoàng Công Hùng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cà Xèng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết, thế hệ người Rục bây giờ không chỉ biết làm lúa nước mà nhiều người còn biết vay vốn trồng rừng, phát triển chăn nuôi theo mô hình gia trại để làm giàu. Nhờ đó, nhiều gia đình đã mua được xe máy, ti vi, nâng cao cuộc sống, có điều kiện cho con cái ăn học đến nơi đến chốn. “Chính quyền các cấp, đồn biên phòng Cà Xèng đã hỗ trợ bà con xây dựng nhà, hỗ trợ sinh kế ban đầu. Đặc biệt những năm gần đây, đời sống của bà con, bộ mặt quê hương đã thay đổi rất nhiều từ nếp sống văn minh cho đến cuộc sống, trình độ nhận thức ngày càng được nâng lên, đời sống ổn định làng bản văn minh tốt đẹp hơn”, Trung tá Hoàng Công Hùng chia sẻ.
Hành trình 65 năm rời hang đá, hòa nhập xã hội của người Rục đã trở thành một kỳ tích. Lúc mới được biết tới, người Rục chỉ là nhóm "người nguyên thủy", vỏn vẹn 34 người và nguy cơ cao tuyệt chủng, họ lấy hang đá làm nhà, quần áo làm bằng vỏ cây. Người Rục âm thầm, dè dặt đặt từng dấu chân trên con đường từ nơi hoang dã đến với thế giới văn minh và họ đã làm được những thay đổi lớn.
Ngày nay, dưới chân dãy núi đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng, trong thung lũng Rục Làn, người Rục đã xây dựng bản làng ấm no. Các thế hệ con em người Rục đang viết tiếp kỳ tích bằng sự nỗ lực học hành, vươn lên làm giàu. Trên con đường nối vào bản làng của đồng bào Rục - Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, không khí mùa Xuân đã tràn ngập. Hành trình 65 mùa xuân từ sống trong hang đá đến xây bản làng ấm no đã trở thành hiện thực.
65 năm trước, những cán bộ Biên phòng tuần rừng bất ngờ phát hiện một bộ tộc sinh sống trong các lèn, hang Ma Ma Cà Tắp thuộc núi rừng Phong Nha – Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình.
Tộc người Rục Việt Nam từng vào top 10 bộ tộc bí ẩn nhất thế giới và rất ít người biết đến sự tồn tại hay những hoạt động đời thường của tộc người này.
Bộ đội đã nhiều tháng thuyết phục, vận động 11 hộ và 34 người Rục đầu tiên rời hang đá về thung lũng Rục Làn ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình dựng lều và bắt đầu quen với làm rẫy, trỉa đậu, trồng ngô.