Kỳ tích làm cầu cao nhất thế giới ở Trung Quốc

Tháng 6 tới, Quý Châu - một tỉnh vùng núi của Trung Quốc dự kiến khánh thành cây cầu có thể đánh bật vị trí cao nhất thế giới của cầu cạn Millau ở Pháp, trở thành kỳ tích mới nhất về kỹ thuật, cơ sở hạ tầng.

Sử dụng 22.000 tấn thép, gấp 3 tháp Eiffel

Cầu vượt hẻm núi Hoa Giang hiện đang được xây dựng tại Quý Châu, phía tây nam Trung Quốc. Cây cầu bắc qua sông Bắc Bàn, nối đặc khu Lục Chi, huyện An Long và là một tuyến đường chính trong mạng lưới đường bộ ở phía tây nam Trung Quốc.

Cấu trúc chính của cầu Hoa Giang tại Quý Châu (chụp ngày 17/1/2025).

Cấu trúc chính của cầu Hoa Giang tại Quý Châu (chụp ngày 17/1/2025).

Cầu cao hơn 625m so với mực nước sông, cao hơn cầu cạn cao nhất thế giới Millau khoảng 288m, tương đương một tòa nhà 200 tầng.

Chiều dài cầu ước tính gần 2.900m trong đó, nhịp chính dài 1.420m. Đây cũng là cây cầu có nhịp dài nhất thế giới được xây dựng ở vùng núi.

Theo truyền thông Quý Châu, cầu được thiết kế theo loại cầu treo giàn thép, bắt đầu được khởi công xây dựng từ ngày 18/1/2022 và dự kiến hoàn thành vào ngày 30/6/2025.

Thông tin về tiến độ cầu, ông Zhang Shenglin, đại biểu Quốc hội Trung Quốc, kỹ sư trưởng của Tập đoàn Kỹ thuật Đường bộ Quý Châu cho biết kết cấu chính của cây cầu đã hoàn thành vào tháng 1 năm nay và các kỹ sư đã vượt qua những thách thức kỹ thuật quan trọng.

Hiện nay, công tác xây dựng tập trung vào lắp đặt sàn, sau đó hoàn thiện chống ăn mòn trên các cáp chính và hoàn tất các hạng mục như thiết bị cơ khí, điện.

Tổng cộng, số thép được sử dụng để xây cầu nặng khoảng 22.000 tấn, tương đương với ba tháp Eiffel, tổng vốn đầu tư ước tính 283 triệu USD.

Hoàn thành trong 3 năm

Kỳ tích xây dựng công trình này là minh chứng cho thấy cách người dân Quý Châu biến khó khăn thành động lực và sáng tạo. Bởi tỉnh Quý Châu là vùng núi của Trung Quốc, có địa hình phức tạp, việc đi lại rất khó khăn. Thậm chí, nơi cây cầu bắc qua là hẻm núi Hoa Giang hùng vĩ, còn được gọi là "vết nứt Trái đất".

Công trường xây dựng cầu Hoa Giang.

Công trường xây dựng cầu Hoa Giang.

Để vượt qua điều kiện môi trường khắc nghiệt và hẻm núi Hoa Giang sâu thăm thẳm, các kỹ sư đã chọn thiết kế cầu treo với 2 tháp lớn và nhịp chính dài 1.420m bắc qua sông, với khả năng chịu được gió mạnh ở độ cao lớn. Toàn bộ giàn thép nặng khoảng 22.000 tấn được lắp đặt chỉ trong hai tháng.

Chia sẻ với báo Newsweek, Giáo sư kỹ thuật xây dựng Mamdouh El-Badry đến từ Đại học Calgary cho biết, độ cao lớn là thách thức với đội ngũ kỹ thuật. Khu vực Quý Châu rất nhiều núi cao, khiến việc vận chuyển vật liệu mất thời gian và trở ngại hơn.

Chưa kể, giữa ban ngày và ban đêm ở đây có sự khác biệt rất lớn về khí hậu nên thường xuyên có gió mạnh và điều kiện thời tiết bất lợi.

Bất chấp những khó khăn này, cây cầu vẫn dần thành hình với tốc độ xây dựng rất nhanh, gần như hoàn thành chỉ trong ba năm.

Rút ngắn thời gian di chuyển 2 giờ còn 2 phút

Về mặt thiết kế, cầu có kết cấu thanh thoát và đẹp mắt, giúp giảm sức cản của gió và giảm bớt vật liệu, đồng thời tạo sự hài hòa về thị giác khi đặt cây cầu trong bối cảnh núi non trùng điệp.

"Khi khánh thành, siêu dự án bắc qua "vết nứt của Trái đất" này sẽ thể hiện năng lực kỹ thuật của Trung Quốc và thúc đẩy mục tiêu trở thành điểm đến du lịch đẳng cấp thế giới của Quý Châu", ông Zhang chia sẻ với báo China Daily.

Cây cầu sẽ rút ngắn thời gian di chuyển qua sông từ khoảng hai giờ xuống chỉ còn hai phút, giúp cải thiện hạ tầng tại các khu vực vùng núi tương đối kém phát triển như Quý Châu.

Ngoài lợi ích về giao thông, đại biểu Zhang cho rằng, dự án này còn thúc đẩy nền kinh tế địa phương nhờ tạo điều kiện thông thương, mở rộng thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp và hàng thủ công, cũng như khuyến khích phát triển nhà ở và các ngành dịch vụ.

Theo ghi nhận của báo China Daily, biết tin dự án gần hoàn thành tại một ngôi làng gần đó, hơn 100 người trẻ đã trở về quê hương để đầu tư vào các dự án du lịch như khách sạn trên vách đá và khu cắm trại.

Tập đoàn đầu tư giao thông Quý Châu cũng tiết lộ đang kêu gọi đầu tư để thực hiện chương trình phát triển tích hợp cầu và du lịch. Chương trình bao gồm trung tâm dịch vụ Vân Đô, một khu phức hợp thương mại rộng 21.100m2 với các cơ sở ăn uống, mua sắm, giải trí và du lịch.

Theo kế hoạch, tập đoàn này sẽ xây dựng tổ hợp gồm cầu treo ngắm cảnh, dịch vụ leo núi, chợ thực phẩm, sản phẩm văn hóa, khách sạn nghỉ dưỡng, khu cắm trại nghỉ dưỡng và quán cà phê trên cao để hút khách du lịch.

Hiện nay, 8 trên 10 cây cầu cao nhất thế giới nằm ở Trung Quốc. Nếu tính 100 cây cầu cao nhất thế giới thì gần một nửa nằm ở Quý Châu. Không dừng ở đó, Trung Quốc đang tiếp tục triển khai chiến dịch cải thiện cơ sở hạ tầng trên toàn quốc, đặc biệt là ở các vùng núi tương đối kém phát triển.

Trang Trần

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/ky-tich-lam-cau-cao-nhat-the-gioi-o-trung-quoc-19225042222001923.htm
Zalo