Lan tỏa tình yêu nước qua kỷ vật chiến tranh
Trong số những người đang tích cực sưu tầm kỷ vật thời chiến tranh, có những cựu chiến binh từng trải qua thời đạn bom ác liệt, nhưng cũng có cả những bạn trẻ, sinh ra trong thời bình.

Ông Nguyễn Đình Quốc giới thiệu về các hiện vật. Ảnh: DK.
Kể chuyện bằng kỷ vật
Trong những năm qua, rất nhiều người dày công sưu tầm những kỷ vật chiến tranh. Có thể kể đến bộ sưu tập của anh Trần Văn Thập ở phường Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Cũng ở Vĩnh Phúc còn có bảo tàng của cựu chiến binh Nguyễn Văn Đổng (83 tuổi) ở thôn Vân Giang, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường. Rồi ở Nam Định có bảo tàng của ông Vũ Đình Lưu có địa chỉ tại 9/17 đường Đặng Việt Châu - TP Nam Định.
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh của cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Hiệp đặt tại số 9, ngách 44/2 đường An Dương Vương, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội cũng có hàng nghìn hiện vật được sưu tầm suốt hơn 30 năm qua. Cách đây hai năm, ông Hiệp qua đời, các con ông vẫn tích cực công việc để phát triển không gian, tri ân những chiến sĩ đã khuất, đồng thời giáo dục thế hệ trẻ hôm nay noi gương lớp cha ông.
Ở Bình Dương có ông Nguyễn Tú Lâm (xóm 1 xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng) đã dành nhiều tâm huyết, tiền bạc để mua và trưng bày những chứng tích chiến tranh. Ông Nguyễn Tú Lâm chia sẻ: “Khi bắt tay vào công việc sưu tầm, cuộc sống của tôi cũng vất vả lắm. Gia đình tôi ngày đó làm nghề rèn, không ít người mang vỏ bom đã cưa đến bán nhưng tôi từ chối. Năm 1981, tôi sang thăm Khu di tích Địa đạo Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh), thấy khách nước ngoài cứ chăm chú nhìn ngắm những trái bom được trưng bày. Rồi những vị khách trong nước nói về sức công phá khủng khiếp của những trái bom này đã trút xuống đầu người dân, vậy mà người dân vẫn anh dũng chiến đấu, bảo vệ đất nước, giành độc lập từ các loại vũ khí thô sơ. Từ đó tôi nghĩ, mình phải sưu tầm vỏ bom, chung tay giữ gìn ký ức oanh liệt một thời của cha ông ta”.
Để sưu tầm vỏ bom, đạn, toàn những thứ nặng nề mà tốn kém, bao nhiêu tiền dành dụm của gia đình đã vơi dần theo số lượng vỏ bom ông Nguyễn Tú Lâm mang về. Ban đầu ông bị vợ con phản đối, sau đó, ông thuyết phục và làm mọi người hiểu ra ý nghĩa của ông việc và ủng hộ.

Ông Bảng (thứ hai từ phải sang).
Với cựu chiến binh Nguyễn Văn Đổng, chuyện sưu tầm kỷ vật để lan tỏa tình yêu nước là công việc thầm lặng, nhưng vô cùng ý nghĩa. Ông từng tham gia chiến đấu ở chiến trường B. Tháng 11/1971, ông nghỉ phục viên mất 51% sức khỏe. Với chất lính trong người, cựu chiến binh Nguyễn Văn Đổng luôn đau đáu rằng thế hệ mai sau sẽ không được biết đến sự hy sinh của thế hệ cha ông vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Điều đó đã thôi thúc ông quyết tâm sưu tầm mọi kỉ vật liên quan đến chiến tranh để trưng bày trong nhà mình. Và bắt đầu từ năm 1972, ông đã lặn lội khắp nơi để sưu tầm. Hiện ông đang sở hữu hàng trăm kỉ vật chiến tranh.
Cũng coi các hiện vật như báu vật, ông Dương Văn Đôn - Giám đốc Bảo tàng Kim Chính, huyện Kim Sơn (Ninh Bình) cho rằng, việc sưu tầm hiện vật để gìn giữ một cách căn bản, khoa học là cần thiết. Từng có thời gian tham gia quân ngũ nên việc kết nối thông tin với bạn bè ở các tỉnh, thành phố của ông tương đối thuận lợi.
“Rất nhiều bạn trẻ, học sinh đến với chúng tôi, các em đã rất thích thú vì được chứng kiến các hiện vật một thời "hoa lửa" như: máy bay, tên lửa, đầu đạn, vũ khí, hầm bí mật… và bày tỏ sự thán phục, ngưỡng mộ trước tinh thần quyết chiến, quyết thắng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ của lớp cha anh qua các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Điều đó càng khẳng định, công việc sưu tầm của chúng tôi có ý nghĩa, nhắc nhở các cháu biết ơn người đi trước, yêu nước hơn, chăm học hơn” - ông Đôn tâm sự.

Ông Nguyễn Tú Lâm bên các hiện vật. Ảnh: DK.
Cái giá của hòa bình
Nói đến bảo tàng tư nhân, không thể không nhắc đến Bảo tàng Chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội), do ông Lâm Văn Bảng gây dựng. Đến nay, bảo tàng sưu tầm được hơn 5.000 hiện vật về hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Ông Lâm Văn Bảng - chủ nhân của bảo tàng vui mừng vì ngày càng nhiều học sinh, sinh viên tìm hiểu về lịch sử, cội nguồn. Nhiều người gọi thân thương là “ông giám đốc”… Khi đó, ông sẽ cười thật giòn: “Giám đốc làng quê đây. Tự quản, tự túc, tự nguyện và tự chịu trách nhiệm”. Câu nói đã khái quát “cơ chế” hoạt động của bảo tàng với gần 5.000 hiện vật giá trị, được ông và các đồng đội tận tâm, tận lực sưu tầm suốt mấy chục năm và giành kỷ lục bảo tàng tư nhân có nhiều hiện vật về chiến sĩ cách mạng nhất.
Nhiều đoàn học sinh, đoàn thanh niên đã nghẹn ngào xúc động khi được trực tiếp tham quan, tìm hiểu tại không gian bảo tàng. Nhiều học sinh ưu tú vinh dự được tổ chức lễ kết nạp đoàn, lễ báo công tại bảo tàng. Em Nguyễn Trà My, học sinh lớp 4A, Trường tiểu học Vân Từ, xã Vân Từ (huyện Phú Xuyên – thành phố Hà Nội) tâm sự: “Hôm nay, bảo tàng đã cho chúng em hiểu được một phần về những ngày tháng các chiến sĩ phải chịu trong lao tù. Chúng em biết được rằng, nền hòa bình, niềm hạnh phúc hôm nay là thành quả của sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ hôm qua…”
Cựu chiến binh Lâm Văn Bảng sinh năm 1943, năm 1965 ông lên đường nhập ngũ. Trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, ông bị thương, bị địch bắt và giam ở nhà lao Biên Hòa rồi đày ra Phú Quốc. Năm 1973, ông cùng nhiều đồng đội được trao trả theo Hiệp định Paris. Từ năm 1985, ông cùng đồng đội trải qua nhiều khó khăn tìm kiếm tư liệu, hiện vật, hình ảnh, kỷ vật, rồi lại dành 2.000m2 đất của gia đình để xây dựng. Năm 2006, Bảo tàng chính thức được công nhận. “Tôi tin, những hiện vật, câu chuyện mình kể, sẽ lan tỏa và truyền lửa đến các thế hệ mai sau, khơi dậy tình yêu Tổ quốc” - ông Bảng chia sẻ.
Một trong những thành viên tích cực của Bảo tàng Chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày là cựu chiến binh Nguyễn Đình Quốc, hiện cư trú tại quận Hoàng Mai, tuy đã ở tuổi 85 nhưng sáng nào cũng bắt xe buýt về bảo tàng làm việc, đến tối lại bắt xe về nhà. Ông Quốc nhập ngũ tháng 2/1964 và trở thành thuyền phó đoàn tàu không số, bị địch bắt vào tháng 11/1970 tại Bến Tre, sau đó bị đưa vào giam giữ tại nhà lao Phú Quốc hơn hai năm. Cuộc đời có nhiều bước thăng trầm, nhưng ông tự nhủ mình vẫn còn may mắn, sau bao gian khổ vẫn được trở về với gia đình. Năm 2014, ông về “công tác” cùng đồng đội trong vai trò hướng dẫn viên.
Sinh năm 1977, anh Cai Linh Phương ở đường Lữ Gia, thành phố Pleiku (Gia Lai) cũng đã sưu tầm được nhiều hiện vật như: mũ cối, áo trấn thủ, bi đông đựng nước, vỏ đạn, vỏ bom, thùng đựng đạn, ăng gô... được sắp đặt ngăn nắp từ ngoài sân vào đến trong nhà. Thời gian đầu, anh cũng bị ngăn cản vì công việc sưu tầm vất vả mà không ra tiền, sau này, vợ anh hiểu hơn về công việc nên đã nhiệt tình ủng hộ. Anh cho biết, những hiện vật chiến tranh là của hiếm, nên anh phải lân la nhiều nơi để tìm hiểu, sưu tầm, đồng thời kết nối với Hội Sưu tầm kỷ vật chiến tranh để nhờ tư vấn, trao đổi những món đồ mà mình yêu thích. “Tôi ít khi bán những món đồ sưu tầm, vì đây là những tài sản biết kể các câu chuyện về quá khứ hào hùng của cha ông”, anh Phương tâm sự.