Kỳ tích Bạc Liêu
Đón tôi ở ngay sảnh vào Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu, ông Lê Thanh Tự, giám đốc bảo tàng, phấn khởi nói luôn: 'Ngày 30 tháng 4 năm 1975, lần thứ hai quân và dân tỉnh Bạc Liêu chúng tôi lập nên kỳ tích'. Câu giới thiệu thay lời chào đón của ông Lê Thanh Tự khiến tôi phải hỏi lại.

Đoàn cán bộ Mặt trận dân tộc miền Nam Việt Nam do đồng chí Lê Quân dẫn đầu gặp đại tá Điệp tại dinh tỉnh trưởng Bạc Liêu, sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975
Đó là một buổi sáng đất trời Bạc Liêu rực sáng trong màu nắng mới. Trên các ngả đường của thị xã Bạc Liêu bà con hân hoan đổ ra chào đón đoàn quân giải phóng tiến vào làm chủ thị xã. Trong đoàn quân giải phóng ấy đa phần là những người con trai con gái Bạc Liêu ngày nào vào bưng biền tham gia bộ đội giải phóng nay họ trở về tự tin và chiến thắng. Trong đoàn quân ấy có anh bộ đội giải phóng Huỳnh Công Danh, ngày anh vào bưng mới chỉ 17 tuổi, sau 6 năm bưng biền, anh trở về chững chạc và niềm vui dâng trào. Huỳnh Công Danh, sau này là Giám đốc Hãng phim Giải Phóng nói với tôi: “Tôi bước đi trên đường thị xã mà mắt cứ ngóng nhìn bà con đứng hai bên đường phố. Lúc đó tôi muốn nói thật to: Má ơi. Thằng Tư của má đã về đây!”.
Trước khi vào bưng biền, anh thanh niên Huỳnh Công Danh, quê xã Phước Long, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu đã đón nhận tin về sự hy sinh của người anh trai của mình là Huỳnh Văn Sanh, sinh năm 1942, hy sinh năm 1965. Ông Huỳnh Công Danh kể: “Sau khi anh hai hy sinh thì đến lượt anh ba tôi là Huỳnh Công Sang, sinh năm 1945, tình nguyện vào bộ đội ở Tiểu đoàn 309. Đến năm 1968 anh ba tôi cũng hy sinh”.
Sự hy sinh của hai người anh đã nung nấu trong lòng chàng trai 17 tuổi Huỳnh Công Danh. Anh đã nói với má mình: “Con sẽ vào bưng má ạ”. Người mẹ Bạc Liêu lặng lẽ gật đầu, lâu sau bà đã nói: “Rồi con sẽ về với má chứ?”. Câu nói của người mẹ Bạc Liêu ấy giản dị nhưng cho thấy niềm ao ước của mẹ là không muốn có thêm những mất mát nào nữa.
Câu chuyện của ông Huỳnh Công Danh kể đã giúp tôi thấm thía thêm câu chuyện của ông Lê Thanh Tự mở ra ở trên: Quân và dân tỉnh Bạc Liêu đã hai lần lập nên kỳ tích. Đó là “giành chính quyền về tay nhân dân không tốn một viên đạn, không đổ một giọt máu”.

Tác giả (bên phải) nghe ông Huỳnh Công Danh kể chuyện
Lần thứ nhất, quán triệt phương châm “hòa bình”, ngày 19 tháng 8 năm 1945, đảng bộ và nhân dân Bạc Liêu đã thực hiện thành công cuộc cách mạng “không tiếng súng”.
Lần thứ hai, quân và dân tỉnh Bạc Liêu đã giải phóng quê hương mình, đã làm chủ chính quyền theo cách “Chiến thắng trong tinh thần hòa bình, không tiếng súng nổ, không giọt máu rơi! Một chiến thắng rất đỗi nhân văn! Chúng ta quyết tâm đấu tranh, nhất định giành lại chính quyền là lẽ đương nhiên; nhưng chúng ta không quên những người đang thất thủ, đã từng gây tội ác kia cũng cùng là đồng bào, cùng một nòi giống Lạc Hồng. Nên, chiến đấu bằng mưu trí, tài nghệ, đấu tranh bằng mũi binh vận, bằng tinh thần hòa hợp, không để “gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”. (Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu (tập 1)
Thời gian đã lùi xa tròn 50 năm nhưng khi đứng trước những bức ảnh, những hiện vật được trưng bày trong Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu, câu chuyện kỳ tích của 50 năm trước như một cuốn phim hiện lên, trung thực và trọn vẹn trong tôi.
…Cuối tháng 4/1975 này, trước chiến thắng dồn dập của quân ta, lực lượng địch ở Bạc Liêu tỏ ra lung lay và rệu rã. Nhận thấy thời cơ, Đảng bộ Bạc Liêu đã chủ trương tiến hành đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị. Trong đó lấy đấu tranh chính trị là then chốt.
Phối hợp với các lực lượng chính trị và tôn giáo đang hoạt động hợp pháp trong lòng địch, Đảng bộ Bạc Liêu đã chỉ đạo các cán bộ có kinh nghiệm và có mối quan hệ với các lực lượng hoạt động hợp pháp để tiến hành công tác tiếp xúc với chính quyền địch, nhằm mục đích: Đấu tranh giành chính quyền một cách hòa bình.

Đồng chí Nguyễn Tích Thiện treo cờ giải phóng trên nóc dinh tỉnh trưởng Bạc Liêu buổi trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975
Ông Lê Thanh Tự cho chúng tôi biết: “Tháng 8/1945, tỉnh Bạc Liêu đã tiến hành cử cán bộ tiếp xúc với chính quyền địch, tuyên truyền thuyết phục đi đôi với đấu tranh cương quyết nên đã giành chính quyền trọn vẹn. Với kinh nghiệm đó, lần này, tức những ngày cuối tháng 4 năm 1975, các đồng chí cán bộ giàu kinh nghiệm và kiên trung đã móc nối với lực lượng hoạt động hợp pháp. Tiến hành tiếp xúc và đấu tranh với chính quyền địch”.
Cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu đã ghi lại: “Sáng ngày 29 tháng 4 năm 1975, đồng chí Trần Thanh Hồng và Thượng tọa Thích Hiển Giác đã gặp Điệp (Đại tá Nguyễn Ngọc Điệp, tỉnh trưởng Bạc Liêu). Sau hai giờ trao đổi qua lại, Điệp vẫn chưa chịu thương lượng với Mặt trận (Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh Bạc Liêu). Trước khi từ giã, Thượng tọa Thích Hiển Giác báo tin cho Điệp: “Nhiều tín đồ và vợ con binh sĩ đến chùa cho biết chồng con họ đã nhận truyền đơn của Mặt trận để hộ thân”. Điệp tỏ vẻ uể oải: “Đến giờ tôi không còn giữ anh em binh lính nữa, họ muốn theo bên nào thì theo, còn tôi phải chờ lệnh cấp trên”. Hai bên thỏa thuận ngày mai (tức 30 tháng 4) gặp lại”. (Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu, trang 468).

Ông Lê Thanh Tự, giám đốc Bảo tàng Bạc Liêu
Ông Lê Thanh Tự hào hứng: “Tuy trao đổi chưa đạt kết quả nhưng tình hình đã cho thấy: Lực lượng binh lính địch không muốn tử thủ mà muốn được về nhà. Bản thân tỉnh trưởng địch cũng rất hoang mang”.
Tiếp đó, phối hợp với lực lượng hoạt động hợp pháp tại chỗ, chúng ta đã tiến hành các biện pháp đấu tranh tiếp: “Chiều ngày 29 tháng 4 năm 1975, Châu Ba, Phó Chủ tịch Đảng Dân chủ tỉnh Bạc Liêu và Linh mục Nguyễn Văn Nhì, điện thoại trao đổi thời cuộc với Điệp và đề xuất “Đại tá nên có cách dàn xếp hòa bình là tốt nhất”. (trang 468).
“Tiến công liên tục và với nhiều hình thức kết hợp nên chúng ta nhận định Điệp đã tuyệt vọng và nấn ná chờ Sài Gòn”, ông Lê Thanh Tự cho biết như vậy và cho hay thêm: “Ta nhận định: Đấu tranh với Điệp cần có tác động tâm lý mạnh thêm và phải phân tích cho Điệp thấy không còn hy vọng ở Mỹ, ở đám chính quyền Sài Gòn và cho Điệp thấy được con đường sống”.
Ngay sau đó, tức từ chiều ngày 29 tháng 4, chúng ta đã chủ trương cần phải đưa quần chúng xuống đường, biểu dương khí thế và đẩy nhanh tốc độ làm tan rã hàng ngũ địch, gây thanh thế cho cách mạng, áp đảo Điệp.
“7 giờ 30 sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, đoàn cán bộ của ta gồm có đồng chí Lê Quân, đại diện Mặt trận tỉnh Bạc Liêu (đồng chí Lê Quân sau này là Phó Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu) và Thượng tọa Thích Hiển Giác đi gặp Đại tá Điệp. Khi đoàn đến Tiểu khu gặp Điệp, Điệp đích thân lái xe đưa đoàn đến làm việc tại phòng Tỉnh trưởng ở Tòa hành chính”. (Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu, trang 469).
“Các đồng chí trong đoàn ta nói: Mỹ thua chạy khỏi chiến trường Việt Nam thì đã quá rõ. Sài Gòn không thủ nổi thì Bạc Liêu làm sao tử thủ?... Đó là sự thật hiển nhiên” (Lịch sử Đảng bộ Bạc Liêu, trang 470). Ông Lê Thanh Tự bảo: “Đại tá Điệp nghe phân tích thì cũng nhận ra, nếu không chấp nhận thì ông ta sau này sẽ là kẻ có tội với nhân dân. Nhận thức được vị thế và cơ hội cho mình nên sau đó đại tá Điệp đã yêu cầu được hưởng khoan hồng và hứa sẽ thuyết phục đàn em đầu hàng cách mạng”.
Theo đó, đại tá Điệp đã giao cho đoàn ta chiếc xe Jeep của mình để đoàn ta sử dụng. Cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu ghi tiếp: “Đoàn ta dùng xe của Điệp cắm cờ Mặt trận chạy khắp phố cổ động quần chúng xuống đường. Quần chúng thị xã, có cả gia đình binh sĩ ra đường chào mừng cách mạng và kéo theo đoàn đại biểu Mặt trận. Cờ Mặt trận xuất hiện khắp đường phố. Hàng nghìn quần chúng tập hợp tại Tòa hành chính tỉnh, biến thành cuộc mít tinh. Đại tá Điệp giới thiệu đồng chí Lê Quân đại diện Mặt trận tỉnh Bạc Liêu ra mắt đồng bào với tiếng hoan hô vang dội” (Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu, trang 471). “Vậy là chúng ta đã giành thắng lợi suôn sẻ. Chính quyền về tay cách mạng, về tay nhân dân đúng trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975”, ông Lê Thanh Tự phấn khởi cho biết.
Quân địch ở các huyện cũng theo đó mà đầu hàng. Toàn tỉnh Bạc Liêu được giải phóng không tốn một viên đạn, không đổ một giọt máu. Nghe đến đây tôi mới thấu hiểu sâu sắc ý nguyện của bà mẹ ông Huỳnh Công Danh: “Má mong muốn ngày các con trở về đầy đủ”.