Khúc tráng ca trong bom đạn

Đoàn Văn công Long An, nơi có những chiến sĩ không trực tiếp cầm súng nhưng cùng góp sức vào chiến thắng của dân tộc. Họ là biểu tượng cho sức mạnh tinh thần, sự lạc quan cách mạng, là những người đem tiếng hát át tiếng bom.

Đoàn Văn công Long An (Ảnh tư liệu nhân vật cung cấp)

Đoàn Văn công Long An (Ảnh tư liệu nhân vật cung cấp)

Hát trong lửa đạn

Trong những năm kháng chiến, các đoàn văn công vốn gắn bó mật thiết với nhân dân, đem đến tinh thần hăng hái chiến đấu và củng cố niềm tin cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta.

Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - soạn giả Nguyễn Minh Tuấn tham gia Đoàn Văn công Long An từ khi mới 15-16 tuổi. Ông kể, hoạt động trong điều kiện khó khăn, vất vả, các đoàn văn công chủ yếu dựa vào sự giúp đỡ hết lòng của nhân dân.

“Lúc đó, văn công diễn ở nhiều nơi lắm, từ vùng giải phóng đến vùng tranh chấp, thậm chí cả trong vùng địch kiểm soát. Đoàn diễn ở đâu thì nhờ sự hỗ trợ của địa phương đó về công tác bảo vệ, đào sẵn công sự, hầm trú ẩn, bố trí phân tán lực lượng và cất giấu đèn măng xông khi có địch” - soạn giả Nguyễn Minh Tuấn nói.

Giữa những ngày chiến tranh ác liệt, điều kiện biểu diễn của các đoàn văn công hết sức khó khăn. Lúc yên ổn thì biểu diễn trên sân khấu (thường là những bộ ván ngủ của dân được kê cao), có micrô và ánh sáng từ đèn măng xông. Tuy nhiên, khi chiến sự diễn ra ác liệt thì đoàn chia thành từng tổ, đội bám dân, tập hợp vài chục gia đình lại phục vụ tại chỗ, dạy ca hát, vận động quần chúng binh vận.

Có những đêm đoàn văn công diễn theo yêu cầu của dân tới quá nửa đêm. Các tác phẩm chủ yếu phản ánh thực tiễn cách mạng, tố cáo tội ác của địa chủ, cường hào, động viên thanh niên tòng quân nhập ngũ,... Một lần, sau đêm diễn của Đoàn Văn công Long An tại Tân Trụ, có 120 thanh niên địa phương lên đường nhập ngũ.

Đoàn Văn công Long An biểu diễn phục vụ trong kháng chiến (ảnh tư liệu nhân vật cung cấp)

Đoàn Văn công Long An biểu diễn phục vụ trong kháng chiến (ảnh tư liệu nhân vật cung cấp)

Soạn giả Nguyễn Minh Tuấn kể, ông không thể nào quên được sự anh dũng của bộ đội ta khi đối mặt kẻ thù. Trong khi địch áp đảo về hỏa lực và lực lượng, cán bộ, chiến sĩ ta vẫn chiến đấu hết sức kiên cường.

“Tôi vẫn nhớ, trong một trận chống càn tại Đức Hòa, tỉnh Long An văn công chúng tôi được bố trí ở trong hầm trú ẩn trong khi cán bộ, chiến sĩ thì đối diện với kẻ thù, ít vũ khí nên quân ta phải chờ địch đến thật gần mới bắn để tiết kiệm đạn. Có những chiến sĩ sẵn sàng hy sinh để đánh xe tăng địch” - soạn giả Nguyễn Minh Tuấn kể. Chính những hy sinh cao quý ấy tạo nên nét đẹp của hòa bình và được thế hệ sau đời đời ghi nhớ.

Ngày giải phóng

Văn công vốn không phải là lực lượng chiến đấu nên không được trang bị vũ khí và thiếu kinh nghiệm chiến trường. Vậy nhưng, chính những con người “không tấc sắt trong tay” ấy đã kêu gọi được 2 tàu địch đầu hàng, trong hành trình tiến về Tân An những ngày tháng tư lịch sử.

Đó là đêm 29/4, khi Đoàn Long An đang trên hành trình từ Ba Thu, Campuchia về Tân An, nghỉ đêm tại Mỹ Phú, Thủ Thừa. Sau khi biểu diễn phục vụ bộ đội và người dân, các thành viên trong Đoàn đi ngủ nhưng không hiểu sao nhà báo Nguyễn Dũng, lúc đó là Trưởng đoàn Văn công Long An, vẫn cứ trằn trọc không ngủ được.

Bất ngờ, ông nghe tiếng súng, nghĩ là có thể đụng độ kẻ địch, ông tổ chức 1 tổ chiến đấu bảo vệ đơn vị gồm 5 thành viên. Thấy pháo sáng phía bờ sông, tổ ra bờ sông và thấy 2 tàu địch đang thả trôi về hướng mình.

Ông Dũng kể, sau khi nắm rõ tiếng súng nổ là của quân ta, ông có phần không muốn chiến đấu nữa. Nhưng tinh thần tiến công cách mạng lúc đó là “xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh, làm cho quân địch tan rã tại chỗ không có điều kiện tập hợp lực lượng chống lại ta”. Nếu không chiến đấu thì có tội với nhân dân, đất nước sau này, ông quyết định đối mặt với kẻ thù.

Ông nói: “Chúng tôi kêu gọi địch đầu hàng, dùng đèn pin hướng dẫn tàu địch cập vào bờ. Tàu địch vừa cập vào bờ, chúng tôi bước xuống tàu, yêu cầu binh sĩ lên bờ. Vừa lúc đó, người lính truyền tin báo, lệnh của chỉ huy quân giải phóng là tất cả tàu phải neo tại ngã ba sông Vàm Cỏ Tây không được di chuyển. Chúng tôi yêu cầu 2 tàu vừa tiếp cận thực hiện theo lệnh của chỉ huy quân giải phóng. Khi về đến đơn vị nghỉ ngơi, tôi thầm nghĩ, nếu địch không đầu hàng mà quyết chống cự, với số vũ khí trên tàu thì chắc chắn chúng tôi sẽ “nát như tương”. Vậy mà họ lại chấp hành mệnh lệnh của chúng tôi, những người “không có một tấc sắt” trong tay. Vậy mới thấy được sức mạnh của quân giải phóng trong thời điểm đó và trong chiến đấu, tinh thần của người lính cũng là một yếu tố quan trọng”.

Đến ngày 30/4/1975, hòa cùng niềm vui cả nước, Đoàn Văn công Long An cũng về tới Tân An, nhận nhiệm vụ tiếp quản trụ sở Tâm lý chiến. Tất cả hòa chung niềm vui khải hoàn! Cán bộ, chiến sĩ Đoàn Văn công lại tất tả chuẩn bị cho buổi biểu diễn phục vụ mừng chiến thắng.

Trước đây, mỗi khi có đơn vị hoặc địa phương nào được giải phóng, Đoàn thường đến biểu diễn phục vụ như một lời chúc mừng, một phần thưởng. Lần biểu diễn chúc mừng ngày 30/4 thì khác hẳn, đoàn được hát dưới bầu trời tự do.

Dù đã 50 năm trôi qua, soạn giả Nguyễn Minh Tuấn vẫn không thể quên không khí buổi biểu diễn đầu tiên sau ngày hòa bình ấy. “Mặc dù máy móc, thiết bị lúc đó có trục trặc, lúc nghe, lúc không nhưng ai cũng hát say mê. Bà con đi coi đông đúc, mặt ai cũng rạng rỡ, vui mừng” - ông kể./.

Quế Lâm

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/khuc-trang-ca-trong-bom-dan-a194487.html
Zalo