Kỹ thuật xét nghiệm y học đạt chuẩn AUN-QA, sinh viên ĐH Y Dược Huế được lợi gì?
Đạt chuẩn AUN-QA là sự khẳng định về chất lượng, sản phẩm đầu ra; SV có cơ hội việc làm rộng mở, chuyển đổi tín chỉ học tập giữa các trường đại học thuộc AUN.
Chương trình cử nhân Kỹ thuật xét nghiệm y học tại Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế (gọi tắt là Trường Đại học Y - Dược Huế - PV) đạt chứng nhận đạt chuẩn AUN-QA. Đây là chương trình đào tạo đầu tiên của nhà trường và cũng là của toàn Đại học Huế được kiểm định theo tiêu chuẩn chất lượng của Hiệp hội Các trường đại học Đông Nam Á.
Để có thêm những thông tin liên quan đến ngành học này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quốc Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế xoay quanh dấu mốc đặc biệt này.
Đạt chuẩn AUN-QA, sinh viên sẽ là đối tượng được hưởng lợi lớn nhất
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quốc Huy nhìn nhận: “Dấu mốc này khẳng định các phạm trù triết lý giáo dục, chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học của nhà trường đã được thiết kế, xây dựng theo đúng xu hướng tiên tiến của giáo dục đại học nói chung, đào tạo nhân lực y tế nói riêng trong khu vực ASEAN và thế giới.
Việc đạt chuẩn chất lượng của Hiệp hội Các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA)cũng đã giúp nâng tầm vị thế của ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học do Trường Đại học Y - Dược Huế đào tạo, không những có uy tín trong nước mà có thể hội nhập với khu vực và quốc tế.
Kiểm định ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học đạt chuẩn AUN-QA góp phần khẳng định vị thế đào tạo của nhà trường trong khu vực và cũng là nền tảng để nhà trường tiếp tục triển khai kiểm định quốc tế các chương trình đào tạo khác của nhà trường, trong đó có 2 chương trình đào tạo chủ chốt của trường là ngành Y khoa và ngành Răng hàm mặt, đã đổi mới theo hướng tích hợp dựa trên năng lực và được hỗ trợ kỹ thuật bởi Trường Đại học Y Harvard, Hoa Kỳ”.
Năm 2022, Trường Đại học Y - Dược Huế đã thực hiện đánh giá ngoài cơ sở giáo dục đại học chu kỳ thứ 2, và đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng theo bộ tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho giai đoạn 2022 - 2027.
Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Y - Dược Huế, việc đạt chuẩn AUN-QA cho chương trình này là cơ sở tốt để nhà trường lập kế hoạch tiếp tục kiểm định các ngành học khác ở bậc đại học cũng như sau đại học của nhà trường theo tiêu chuẩn chất lượng của Hiệp hội Các trường đại học Đông Nam Á.
“Điều này cũng góp phần đưa vị thế của nhà trường lên tầm cao mới, hướng đến thực hiện thành công phát triển Trường Đại học Y - Dược Huế theo mô hình “Trường - Viện” cấp quốc gia và hướng đến đạt chuẩn quốc tế theo Quyết định số 1745/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ” - vị Hiệu trưởng chia sẻ.
Cũng theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quốc Huy, chương trình đào tạo của ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học tại Trường Đại học Y - Dược Huế đã được phát triển và liên tục cải tiến một cách khoa học, cập nhật theo nguyên lý xây dựng chương trình đảo chiều (backward curriculum design), dựa trên chuẩn năng lực tối thiểu của cử nhân Kỹ thuật xét nghiệm y học do Bộ Y tế ban hành, nhu cầu của xã hội thông qua ý kiến nhà tuyển dụng và đối sánh với các chương trình quốc tế tương tự.
Theo đó, đội ngũ giảng dạy ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo và tu nghiệp ở các quốc gia phát triển, có kinh nghiệm giảng dạy phong phú.
Giáo trình và tài liệu dạy và học lý thuyết và thực hành được biên soạn cập nhật, cùng với hệ thống tài liệu trực tuyến phong phú giúp người học có khả năng tiếp cận tốt, sử dụng hiệu quả các học liệu cần thiết.
Cơ sở thực hành của ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học, trong đó có các bộ môn khối Y học cơ sở, Viện Y sinh học tại trường và các khoa xét nghiệm tại Bệnh viện Trường Đại học Y - Dược Huế và các cơ sở thực hành liên quan được trang bị hiện đại, đạt chuẩn trong nước và khu vực.
“Khi ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học đạt chuẩn AUN-QA, sinh viên sẽ là đối tượng được hưởng lợi lớn nhất, bởi vì sinh viên được học tập trong môi trường được cải tiến liên tục và đảm bảo chất lượng ở cấp độ khu vực ASEAN.
Kết quả kiểm định là sự khẳng định với xã hội về chất lượng chương trình đào tạo và về chất lượng sản phẩm đầu ra của chương trình, vì thế chắc chắn sinh viên sẽ có có hội rất cao tiếp cận được vị trí việc làm phù hợp, cũng như việc chuyển đổi tín chỉ học tập giữa các chương trình đào tạo tương ứng của các trường đại học thành viên AUN.
Một điểm quan trọng nữa, đó là người học được người sử dụng lao động tin cậy là nhân lực có chất lượng cao, được đào tạo từ một chương trình đào tạo có chất lượng đã được kiểm định và khẳng định” - vị Hiệu trưởng thông tin thêm.
Kế hoạch tham gia kiểm định theo tiêu chuẩn Liên đoàn Giáo dục y khoa thế giới
Chia sẻ về hành trình chạm đến chuẩn khu vực Đông Nam Á đối với chương trình đào tạo Kỹ thuật xét nghiệm y học, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quốc Huy cho biết: “Với sứ mạng và tầm nhìn đã công bố, Trường Đại học Y - Dược Huế đã có kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục thông qua công tác kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo.
Nhà trường đã vận động cả hệ thống chính trị của trường tham gia vào công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng. Các đơn vị, cán bộ giảng viên và người học trong trường và các bên liên quan ngoài trường đều tham gia các hoạt động bảo đảm chất lượng theo kế hoạch.
Trường cũng đã chuẩn bị công tác tự đánh giá trong khoảng thời gian 12 đến 18 tháng, nghiên cứu kỹ các tiêu chuẩn/tiêu chí, các yêu cầu của cơ quan kiểm định chất lượng, củng cố bộ phận chuyên trách bảo đảm chất lượng đủ mạnh để đôn đốc; theo dõi kế hoạch thực hiện. Các tồn tại được phát hiện trong công tác tự đánh giá được nhà trường tiến hành khắc phục kịp thời.
Bên cạnh việc đầu tư các phương tiện, nâng cấp hạ tầng cơ sở vật chất, nhà trường chú trọng thúc đẩy tinh thần chịu trách nhiệm, tinh thần say mê nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học của đội ngũ thầy cô giáo, tinh thần ham học hỏi của sinh viên, học viên, sự phối hợp gắn kết tốt với các cơ sở y tế, các đơn vị tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp của trường để nghiên cứu đổi mới chương trình đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn về chăm sóc sức khỏe liên quan trực tiếp đến các khối ngành cụ thể.
Để có thể tiệm cận với nền giáo dục y khoa tiên tiến trong khu vực và thế giới, Trường Đại học Y - Dược Huế đã xây dựng kế hoạch chiến lược có phân kỳ, để vừa đáp ứng sứ mạng và tầm nhìn của nhà trường đã công bố vừa đáp ứng yêu cầu của công tác kiểm định chất lượng. Với các tiêu chuẩn kiểm định theo AUN-QA, nhà trường đã có chính sách nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên y khoa để làm tốt công tác giảng dạy, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học y dược học, tìm các nguồn tài trợ từ các dự án để trang cấp trang thiết bị mới và hiện đại để phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng”.
Trước ý kiến cho rằng: “Muốn tham gia kiểm định chuẩn khu vực Đông Nam Á, cần đảm bảo chất lượng bên trong”, Hiệu trưởng Trường Đại học Y - Dược Huế bày tỏ: “Hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong (Internal Quality Assurance - IQA) là nền tảng để bảo đảm và nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục và các chương trình đào tạo.
Hệ thống IQA của nhà trường được phát triển và liên tục củng cố để rà soát, duy trì và cải thiện liên tục chất lượng của mọi hoạt động trong trường từ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và cung ứng các dịch vụ y tế, nhằm đáp ứng tốt nhất mục tiêu chiến lược của trường và nhu cầu của các bên liên quan. Để hệ thống này được hoạt động có hiệu quả, tất cả các đơn vị và viên chức, người lao động đều có trách nhiệm tham gia và thực hiện các hoạt động bảo đảm chất lượng bên trong của trường, các hoạt động này được nhà trường nghiên cứu và thực hiện theo hướng dẫn của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN)”.
Để các chương trình đào tạo của Trường Đại học Y - Dược Huế sớm được thế giới công nhận trong tương lai, vị Hiệu trưởng chia sẻ thêm: “Căn cứ vào mục tiêu của chương trình đào tạo, nhà trường phải luôn thực hiện tốt kế hoạch nâng cao chất lượng giảng viên, nâng cao điều kiện cơ sở vật chất, trao đổi giảng viên và sinh viên của trường với các trường đại học uy tín ở nước ngoài, cập nhật các nội dung và phương pháp giảng dạy hiện đại, áp dụng phương pháp đánh giá mới về năng lực học tập của sinh viên, đối sánh với các trường đại học nước ngoài cùng lĩnh vực để cải tiến chất lượng.
Bên cạnh đó, nhà trường có kế hoạch xây dựng năng lực để sau năm 2026 sẽ bắt đầu tham gia kiểm định chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn của Liên đoàn Giáo dục y khoa thế giới (World Federation for Medical Education - WMFE) cho một số chương trình đào tạo. Đây là bộ tiêu chuẩn quốc tế dùng để kiểm định chất lượng chương trình đào tạo thuộc khối ngành khoa học sức khỏe”.