Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2025): Vững niềm tin theo Đảng

Mùa xuân này, Đảng ta tròn 95 tuổi (3-2-1930 - 3-2-2025). Trong suốt 95 năm qua, Đảng đã lãnh đạo toàn dân đấu tranh giành chính quyền, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa. Những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới đất nước là minh chứng rõ nhất cho sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng. Trọn niềm tin theo Đảng, nhiều gia đình đã có ba, bốn thế hệ là đảng viên, hy sinh và cống hiến cho Tổ quốc. Trong những gia đình ấy, Đảng trở thành sợi chỉ đỏ gắn kết các thế hệ, nuôi dưỡng lòng yêu nước và ý chí cách mạng.

Một lòng theo Đảng

Mùa xuân này, ông Lê Văn Thành (xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh) bước vào tuổi 105. Ở tuổi này, ông Thành là “pho sử sống”, là chứng nhân lịch sử cách mạng của cả vùng đất tứ thôn Đại Điền. Hơn 10 năm trước, tôi đã từng đến nhà ông Thành ở Diên Sơn để tìm hiểu về phong trào Đồng Khởi ở Diên Khánh. Ngày đó, tôi đã rất xúc động khi nhìn thấy trong nhà ông có 2 bằng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. “Cả gia đình tôi mấy đời đều theo cách mạng. Tôi có 2 em trai và 2 con trai là liệt sĩ, mẹ và vợ tôi được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Bản thân tôi là thương binh hạng 3/4…”, lời kể của ông Thành ngày đó đã in sâu vào tâm trí tôi. Mới đây, tôi tìm gặp lại ông Thành (hiện sống cùng gia đình con trai ở phường Phương Sài, TP. Nha Trang) để tìm hiểu rõ hơn về truyền thống cách mạng của gia đình ông.

Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành tặng quà cho ông Lê Văn Thành.

Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành tặng quà cho ông Lê Văn Thành.

Năm 20 của thế kỷ 20/Tôi sinh ra. Nhưng chưa được làm người/Nước đã mất. Cha đã làm nô lệ”, đoạn thơ trong bài "Một nhành xuân" của nhà thơ Tố Hữu thật sự vừa vặn khi đặt vào cuộc đời ông Thành. Hơn ai hết, ông thấu hiểu sự cơ cực, lầm than của người dân mất nước. Ánh sáng của Đảng đã đánh thức tinh thần yêu nước của những người dân quê. Tháng 8-1945, 3 anh em ông Thành đã có mặt trong đoàn người biểu tình giành chính quyền. Khi Pháp quay lại đánh chiếm Khánh Hòa, ông đã tham gia Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa kháng chiến 101 ngày đêm, chiến đấu để cầm chân quân Pháp. Khi quân ta rút ra chiến khu để bảo toàn lực lượng, do mất liên lạc với đơn vị nên ông đã về lại quê nhà cùng vợ nuôi mẹ già, ẩn nhẫn chờ thời. Hai người em của ông Thành là ông Lê Trọng và ông Lê Khinh lần lượt hy sinh ngay tại Diên Khánh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Các con ông Thành lớn lên, tiếp nối truyền thống gia đình lần lượt tham gia kháng chiến chống Mỹ, chiến đấu giải phóng miền Nam để thống nhất nước nhà.

Năm 1964, với sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện Diên Khánh, nhân dân 2 xã Diên Sơn, Diên Điền đã nổi dậy đồng khởi giành chính quyền, phá tan toàn bộ hệ thống “ấp chiến lược”. Ông Thành là một thành viên tích cực trong phong trào Đồng khởi ở Diên Sơn. Những năm tháng sau đó, gia đình ông trở thành “cái gai” của ngụy quyền vì có nhiều người tham gia kháng chiến nhưng ông vẫn quyết bám trụ địa bàn, trở thành cơ sở tin cậy cho cách mạng. Tháng 9-1967, ông Thành vinh dự được kết nạp Đảng. “Được đứng vào hàng ngũ của Đảng, tôi rất tự hào nhưng phải giữ bí mật. Bề ngoài tôi vẫn là người dân sinh sống hợp pháp ở địa phương”. Đầu năm 1973, người con cả của ông Thành là Lê Minh Sáu - khi ấy là Phó Bí thư Huyện ủy, kiêm Trưởng ban An ninh huyện Diên Khánh đã hy sinh trên đường đi công tác. Đau đớn muốn trực tiếp cầm súng chiến đấu, năm 1973, ông Thành đã quyết định lên núi làm cách mạng. “Sau khi bắt liên lạc với quân ta, tôi cùng người con út giả vờ đem máy cày đi cày ruộng ở sát chân núi. Lực lượng cách mạng cùng cha con tôi đã mang chiếc máy cày lên núi. Đêm đó, lực lượng cách mạng trên núi về nhà tôi mang đi 200 giạ lúa cùng một lượng dầu rất lớn…”, ông Thành kể. Đến năm 1974, con trai thứ hai của ông Thành là Lê Mãi - Phó ban An ninh huyện Diên Khánh cũng hy sinh.

Cùng ngồi tiếp chuyện, ông Lê Văn Tiến - người con áp út của ông Thành cũng là một minh chứng sống động cho niềm tin theo Đảng của gia tộc họ Lê đất Diên Sơn. Đầu năm 1972, ông Tiến bị địch bắt đi quân dịch đưa lên Buôn Ma Thuột. Sau 3 tháng huấn luyện, ông đã mưu trí, tìm cách trốn về hoạt động ở Nha Trang. Được mấy tháng, có dấu hiệu bị lộ, ông Tiến đã liên lạc với cơ sở để rút lên núi. Sau đó, ông Tiến được đưa ra Bắc học tập. Đất nước thống nhất, ông trở về Khánh Hòa công tác trong ngành Công an (nguyên Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh). Các con, cháu của ông Tiến cũng theo đó mà ra sức học tập, rèn luyện, phấn đấu trưởng thành. Ông có 3 con gái cùng con rể đều đang công tác trong ngành Công an. Mỗi lần gia đình có việc là 3 thế hệ đảng viên cùng tề tựu. Căn gác nhỏ ở tầng 2 của gia đình ông giống như một phòng truyền thống cách mạng thu nhỏ. Ở đó, ngoài bàn thờ gia tiên còn có 4 tấm bằng liệt sĩ, 2 bằng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cùng các huân chương, huy chương chứng nhận thành tích tham gia kháng chiến, các Huy hiệu Đảng của các thành viên trong gia đình. Để gìn giữ truyền thống cách mạng của gia đình, giữ niềm tin theo Đảng, ông Tiến đã viết lại câu chuyện truyền thống gia đình để con, cháu thấu hiểu được xương máu cha ông đã đổ xuống để đất nước được độc lập, thống nhất, phát triển như ngày hôm nay.

Căn phòng nhỏ trên gác của gia đình ông Tiến như một phòng truyền thống cách mạng của gia đình.

Căn phòng nhỏ trên gác của gia đình ông Tiến như một phòng truyền thống cách mạng của gia đình.

Kiên trung với Đảng

Chia tay gia đình ông Thành, tôi đến nhà ông Nguyễn Hùng Việt (14 Phan Chu Trinh, TP. Nha Trang). Đặt chân vào nhà đã thấy ngay đây là một gia đình giàu truyền thống cách mạng với những tấm bằng Tổ quốc ghi công, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ. Quê ở Đức Chánh (huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi), gia đình ông Việt có 3 thế hệ tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, 4 thế hệ đảng viên. “Ông nội tôi có 6 người con. Sau Hiệp định Geneve, ba tôi cùng các cô chú tập kết ra Bắc. Ông nội tôi ở lại miền Nam hoạt động ở quê nhà rồi bị địch bắt giết. Chúng tôi lớn lên cũng đi làm cách mạng, hai chị gái của tôi lần lượt hy sinh năm 1968 và 1969, bản thân tôi 3 lần bị thương, được công nhận là thương binh hạng 3/4. Tôi rất tự hào về truyền thống của gia đình, vinh dự vì được đứng vào hàng ngũ của Đảng khi vừa tròn 20 tuổi”, ông Việt chia sẻ.

Ở tuổi 102, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Liên (mẹ ông Việt) vẫn còn minh mẫn, nhớ rõ về những biến cố lớn của gia đình và đất nước. Sau Hiệp định Geneve, chồng tập kết ra Bắc, bà ở lại quê nhà nuôi 3 con nhỏ. Sống dưới chế độ Mỹ ngụy, bị địch o ép đủ điều nhưng bà vẫn giữ niềm tin theo Đảng. Các con lớn lên, bà Liên đều cho đi làm cách mạng. Căn nhà nhỏ của bà trở thành cơ sở nuôi giấu cán bộ. Sau cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1968, địch càn quét trở lại, người con gái đầu của bà Liên khi ấy là cán bộ binh vận của tỉnh Quảng Ngãi đã bị địch bắn chết ngay tại vườn nhà. Bà Liên bị địch bắt tra tấn vì nuôi giấu cán bộ cách mạng. Dù chưa một ngày vào Đảng nhưng bà rất kiên trung. “Địch hỏi tôi làm gì cho cộng sản. Tôi chỉ nói mình là người dân làm ruộng, không biết cộng sản là gì. Chúng nó đánh rất nhiều nhưng tôi nhất quyết không khai… Rồi địch bảo tôi chuyển vào sinh sống ở vùng nó kiểm soát, tôi nói về dưới đó không biết làm gì để ăn. Kiên quyết không đi”, bà Liên rành rọt kể.

Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành thăm hỏi sức khỏe Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Liên.

Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành thăm hỏi sức khỏe Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Liên.

Sau năm 1976, gia đình ông Việt vào sinh sống, làm việc ở Khánh Hòa. Gần 50 năm sinh sống ở Nha Trang, ông đã chứng kiến sự phát triển của quê hương, đất nước. “Tôi rất mừng vì dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta ngày càng phát triển, quê hương Khánh Hòa ngày càng giàu đẹp. Tôi đọc báo thấy hiện nay có nhiều dự án lớn đang đầu tư trên địa bàn tỉnh, tôi tin tưởng thời gian tới tỉnh sẽ ngày càng phát triển hơn nữa, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Tôi mong muốn Đảng ngày càng vững mạnh, trong sạch để lãnh đạo đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, đất nước hùng cường, nhân dân thịnh vượng”, ông Việt bày tỏ.

Trong câu chuyện về mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, ông Việt chia sẻ: "Đảng, Nhà nước quan tâm đến những người có công với cách mạng rất chu đáo. Dịp lễ, Tết, chính quyền địa phương, các cơ quan, đoàn thể đều đến thăm hỏi, tặng quà cho ông và gia đình, thể hiện Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp luôn nhớ ơn các gia đình có công với cách mạng, thể hiện đúng quan điểm “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói. Một trong những điều mà gia đình ông tự hào nhất đó là năm 2010, nhân dịp đến công tác ở Khánh Hòa, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đến thăm và tặng quà cho gia đình. Năm 2014, mẹ ông được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Chính sự quan tâm đó, ông thấy sự hy sinh của gia đình cho đất nước được đền đáp rất xứng đáng. Ông luôn giáo dục con cháu phải giữ truyền thống gia đình, đặc biệt là giữ niềm tin theo Đảng. “Tôi rất tâm đắc câu nói “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc” nên tôi muốn nhắn nhủ đến con cháu trong gia đình, với thế hệ trẻ là hãy nỗ lực học tập, công tác để xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ đi trước".

THÀNH NGUYỄN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202502/ky-niem-95-nam-ngay-thanh-lap-dang-cong-san-viet-nam-3-2-1930-3-2-2025-vung-niem-tin-theo-dang-5573a26/
Zalo