Khám phá 5 địa điểm du xuân cực hot ở Hải Phòng

Hàng loạt danh thắng, di tích lịch sử - văn hóa - tâm linh nổi tiếng ở thành phố Cảng sẽ là địa điểm du xuân thú vị trong những ngày đầu năm mới 2025.

Cùng Báo điện tử VTC News điểm qua những điểm du xuân được du khách yêu thích tại Hải Phòng.

Dải vườn hoa trung tâm - “lá phổi xanh” của thành phố

Dải trung tâm thành phố Hải Phòng có chiều dài hơn 3km từ cổng Cảng 3 đến khu vực Đập Tam Kỳ với cảnh quan đặc sắc vào bậc nhất của cả nước.

Với diện tích gần 21ha, kéo dài 2,7km từ tây sang đông, dải trung tâm thành phố bao gồm các công trình chính là: Hồ Tam Bạc, Trung tâm Triển lãm và Mỹ thuật thành phố, tượng đài Nữ tướng Lê Chân, Quán hoa, Nhà hát thành phố, Nhà Kèn và khu vực vườn hoa.

Nổi bật trên dải trung tâm là Hồ Tam Bạc mang một vẻ đẹp lung linh, huyền ảo về đêm nhờ hệ thống điện chiếu sáng được bố trí đối xứng dọc hai bên hồ.

Địa điểm được nhiều người dân lựa chọn để ghi dấu những bức ảnh đầu xuân năm mới.

Địa điểm được nhiều người dân lựa chọn để ghi dấu những bức ảnh đầu xuân năm mới.

Theo tài liệu lịch sử, phố Bonnal xưa chạy dọc theo dải công viên trung tâm của thành phố nay là vườn hoa Kim Đồng, vườn hoa Nguyễn Du, vườn hoa Nguyễn Bỉnh Khiêm, vườn hoa Nguyễn Văn Trỗi. Trước đây, dải công viên này là kênh vành đai mang tên Bonnal. Đó là tên vị công sứ cho đào kênh này năm 1885.

Đây là nơi tổ chức các sự kiện chính trị quan trọng, đồng thời là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa nghệ thuật, mang trong mình dấu ấn lịch sử và có giá trị tâm linh đối với người dân thành phố Hoa phượng đỏ.

Như thường lệ, vào dịp Tết Nguyên đán, dải vườn hoa trung tâm thành phố Hải Phòng lại được khoác lên mình “chiếc áo mới” thu hút hàng nghìn người dân, du khách tham quan, chụp ảnh.

Bạch Đằng Giang - nơi hội tụ hồn thiêng sông núi

Vùng đất Tràng Kênh - Bạch Đằng (huyện Thủy Nguyên) là địa danh nổi tiếng với 3 trận thủy chiến chống quân xâm lược trong lịch sử nước ta. Những trận chiến đó gắn liền với tên tuổi các bậc hào kiệt: Vua Lê Đại Hành, Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Đức Vương Ngô Quyền.

Để tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc lập nên những chiến thắng vang dội trên dòng sông lịch sử, người dân đã xây dựng khu di tích Bạch Đằng Giang - một quần thể kiến trúc quy mô bề thế, khang trang trên khu đất đắc địa của dãy núi Tràng Kênh.

Cách trung tâm thành phố hơn 20km về phía Bắc, khu di tích Bạch Đằng Giang nằm dưới chân ngọn núi Tràng Kênh hùng vĩ như hút hồn du khách bởi phong cảnh non nước hữu tình, với một bên núi, một bên sông cùng không gian xanh mát.

Tượng Vua Lê Đại Hành, Đức Vương Ngô Quyền và Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn trong Khu di tích Bạch Đằng Giang.

Tượng Vua Lê Đại Hành, Đức Vương Ngô Quyền và Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn trong Khu di tích Bạch Đằng Giang.

Khu du tích Bạch Đằng Giang là một trong số ít địa điểm du lịch thực hiện thành công “3 không” bao gồm: không thương mại, không thu phí, không rác thải. Nhờ nguyên tắc “3 không” này, khu di tích đã mang đến một không gian văn hóa - lịch sử yên bình đúng nghĩa.

Theo Ban quản lý di tích, khu di tích mở cửa từ 7 - 19h hàng ngày. Các lễ hội chính tại đây gồm: mùng 6 tháng Giêng: khai hội; 14 - 15 tháng Giêng: khai ấn; 18 tháng Giêng: giỗ vua Ngô Quyền; 8/3 Âm lịch: giỗ vua Lê Đại Hành và giỗ trận Bạch Đằng; 15/4 Âm lịch: Đại lễ Phật đản; 15/7 Âm lịch: lễ Vu lan; 20/8 Âm lịch: giỗ Đức thánh Trần (Đại vương Trần Quốc Tuấn).

Chùa Phổ Chiếu với tòa bảo tháp cao nhất Hải Phòng

Chùa Phổ Chiếu tọa lạc tại khu phố Miếu 2, phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân. Ngôi chùa được xây dựng từ năm 1953 bởi sư cụ Ngô Chân Tử, người làng Cao Mại (huyện Kiến Xương, Thái Bình), với tên gọi là Tam Giáo Đường vì thờ Tam giáo đồng nguyên là: Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo.

Tòa cửu phẩm liên hoa chùa Phổ Chiếu lung linh về đêm bên cạnh hồ Ông Báo. (Ảnh: Hồng Phong)

Tòa cửu phẩm liên hoa chùa Phổ Chiếu lung linh về đêm bên cạnh hồ Ông Báo. (Ảnh: Hồng Phong)

Theo những sử sách ở chùa Phổ Chiếu Hải Phòng ghi lại, đến năm 1954, tức là sau một năm xây dựng, chùa đã thỉnh Hòa thượng Thích Thanh Quang từ Nam Định về trụ trì. Từ đó, ngôi chùa được cải tạo, tu sửa lại và chỉ thờ Đức Phật, sau được đổi tên thành chùa Phổ Chiếu.

Gian tiền đường của chùa Phổ Chiếu được xây dựng kỳ công, tỉ mỉ với điểm nhấn phía trên mái là một bình tửu cực lớn. Hai bên đầu hồi được đắp đấu vuông, ở phía trên có 5 bầu rượu nhỏ thể hiện cho sự hòa hợp của 3 nền tôn giáo Phật - Nho - Lão.

Vườn tháp trong khuôn viên chùa nằm bên phải chính điện, mỗi ngọn tháp được đặt bên trong một xá lị của các trụ trì và các nhà sư đã quá cố trong chùa.

Điểm nhấn nổi bật của ngôi chùa chính là tòa bảo tháp cửu phẩm liên hoa 9 tầng, với chiều cao 53m. Đây là tòa bảo tháp cao nhất Hải Phòng tính đến thời điểm hiện tại. Trên đỉnh tháp là một bầu rượu tượng trưng cho bầu nước Cam Lộ của Phật Bà Quan âm đặt trên đài sen 9 tầng.

Điểm nhấn khác của ngôi chùa chính là ngôi chùa nhỏ giữa hồ nước trước ngôi Chánh điện, mô phỏng theo kiến trúc chùa Một Cột ở Hà Nội. Bốn góc hồ sen được đắp nổi hình 4 con rồng đang uốn lượn từ mặt nước đi lên, khiến cho khung cảnh xung quanh chùa Một Cột vừa mang vẻ hiện đại, lại có nét truyền thống đan xen độc đáo.

Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm

Du xuân khi đến với thành phố Cảng, ngoài các tour nội thành, du khách không thể bỏ lỡ cơ hội một lần được đặt chân tới khu di tích Quốc gia đặc biệt - Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo.

Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm (đền quan Trạng, đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm) thuộc thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của vị Trạng nguyên triều Mạc Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Quần thể Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Quần thể Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm lưu giữ được một số cổ vật, có giá trị, niên đại từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, như: bản chúc, bát bửu, long ngai, bài vị, câu đối, đại tự... Trong đó, đáng chú ý là Bia đá “Từ vũ bi kí...” thời Lê Trung Hưng, năm Vĩnh Hựu thứ hai (1736); Bát hương gốm men vàng nâu (thế kỷ XVIII)...

Hàng năm, thành phố Hải Phòng tổ chức Lễ biểu dương học sinh - sinh viên tiêu biểu xuất sắc, ngay tại đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm, thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, động lực cho thế hệ trẻ phấn đấu trên bước đường học tập và lập nghiệp.

Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký quyết định phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Theo đó, điều chỉnh quy hoạch mở rộng diện tích Khu Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm 9,992 ha. Đồng thời định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch lễ hội tâm linh – sinh thái, gắn với các sản phẩm văn hóa truyền thống: Múa rối nước, múa rối cạn, sản phẩm chạm khắc gỗ Bảo Hà, các sản phẩm nông nghiệp của địa phương như cá Hội Am, gạo thơm Vĩnh Bảo, bánh dày Dũng Tiên, bánh trôi Liên Am, nem chân giò và chuối nấu Vĩnh Phong, cà ra sông Hóa, thuốc lào Triền Am, các món ăn chế biến từ sản vật rươi Vĩnh Bảo (rươi kho, chả rươi, mắm rươi, xôi rươi...).

Đền Nghè thờ Nữ tướng Lê Chân

Hải Phòng những ngày đầu xuân, điểm đến đầu tiên thường được nhắc tới chính là đền Nghè, di tích lịch sử cấp quốc gia thờ Nữ tướng Lê Chân - vị “Thành hoàng” của vùng đất Hải Phòng.

Đền nằm trong quần thể các điểm du lịch vô cùng hấp dẫn gồm: Nhà hát Lớn thành phố, Quán hoa, Dải vườn hoa trung tâm, hồ Tam Bạc hay khu phố cổ, chợ Sắt…

Đền Nghè còn được biết đến với tên gọi đền Ngàn hay “An Biên cổ miếu”, nơi thờ Nữ tướng Lê Chân, người có công khai hoang, lập ấp nên Trang An Biên xưa, nay là TP Hải Phòng.

Đền Nghè nơi thờ Nữ tướng Lê Chân, người có công khai hoang, lập ấp nên Trang An Biên xưa, nay là TP Hải Phòng.

Đền Nghè nơi thờ Nữ tướng Lê Chân, người có công khai hoang, lập ấp nên Trang An Biên xưa, nay là TP Hải Phòng.

Lê Chân là nữ tướng tài ba, xuất sắc trong cuộc khởi nghĩa chống quân Đông Hán xâm lược của Hai Bà Trưng. Bà đã chiến đấu anh dũng, lập ra nhiều chiến công vang dội và được chính Trưng Vương phong thành “Chương quản binh quyền nội bộ”, trấn giữ miền Hải Tần (nay là Hải Phòng).

Đền Nghè buổi đầu mới chỉ là một ngôi miếu nhỏ lợp gianh nứa, từ năm 1924-1927 được đại trùng tu và đến năm 2007-2009, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đầu tư kinh phí tu bổ, tôn tạo như hiện nay.

Đền Nghè đến nay vẫn lưu giữ được nhiều bức điêu khắc trên đá có giá trị như tấm bia đá lớn ghi tiểu sử nữ tướng Lê Chân được tạc từ thời nhà Nguyễn.

Tại tòa bái đường có khánh đá chạm nổi mềm mại về vũ hội long vân. Tại tòa thiêu hương có sập đá chạm nổi công phu về hình chim, thú, hoa lá từ khối đá liền.

Cung thờ Nữ tướng Lê Chân.

Cung thờ Nữ tướng Lê Chân.

Hàng năm, chính quyền và Nhân dân quận Lê Chân lại tổ chức lễ hội truyền thống nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức của Nữ tướng Lê Chân vào các ngày 7-9/2 (Âm Lịch).

Năm 2016, Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Từ năm 2018, Lễ hội Nữ tướng Lê Chân được nâng cấp lên lễ hội cấp thành phố.

Minh Khang - Minh Hương

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/kham-pha-5-dia-diem-du-xuan-cuc-hot-o-hai-phong-ar921175.html
Zalo