Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam: Vẻ đẹp của tự do, hòa bình và thống nhất dưới góc nhìn GenZ
Chiến thắng 30.4.1975 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã đi vào trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, mở ra kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất. 50 năm sau ngày non sông nối liền một dải, kế thừa kỷ nguyên độc lập, những công dân trẻ sống trong hòa bình trở thành nòng cốt của Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
GenZ- thế hệ trẻ của thời đại mới nhận thức sâu sắc rằng, tự do và hòa bình là thành quả vĩ đại nhưng cũng là trách nhiệm lớn lao mà mỗi công dân trẻ cần tiếp tục vun đắp và bảo vệ.



Hiểu biết của GenZ về ngày 30.4.1975 lịch sử là sự nương nhờ hồi ức của ông, bà, những người đã hy sinh tuổi trẻ, “xếp bút nghiên lên đường chiến đấu”, bước qua cuộc chiến khốc liệt mà vẻ vang; là những câu chuyện lịch sử khắc sâu vào tâm khảm qua từng trang sách vở, tiết học lịch sử...
Dù không trải qua cuộc chiến nhưng bản thân họ lớn lên trong sự dung dưỡng niềm tự hào từ các thế hệ trước, bởi vậy dẫu xã hội có nhiều đổi thay thì ý nghĩa của dấu mốc 30.4 là không thể phai nhòa trong tâm khảm GenZ. Đó còn là một phần ký ức dân tộc, là niềm tự hào được kế thừa và tiếp nối.
Sùng Thị Vân, một GenZ người dân tộc Lô Lô, Hà Giang, đang theo học tại Học Viện Hành chính và Quản trị công chia sẻ, “Những ngày tháng Tư này, khi đi đường mình luôn dâng lên cảm xúc: “làm người Việt Nam, thật tự hào”. Và cảm thấy may mắn vì giới trẻ tụi mình có thật nhiều lý do để yêu nước. Một đất nước hòa bình, tươi đẹp, hạnh phúc, với truyền thống lịch sử hào hùng.

Đối với bản thân Sùng Vân, độc lập và hòa bình là hai từ vô cùng linh thiêng, để có được nó không hề dễ, đánh đổi bằng xương, máu của thế hệ cha anh đi trước. Vân hay tự nhắc, luôn biết ơn và trân quý những gì mình đang có, không ngừng cố gắng nỗ lực từng ngày để có thể góp 1 phần công sức nhỏ bé của mình trong công cuộc gìn giữ những giá trị vô giá này.
Ngọc Anh, sinh viên năm cuối Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, ĐHQGHN chia sẻ, chiến thắng 30.4 của 50 năm trước đã mở ra một kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất.
“Với mình, độc lập và hòa bình là mỗi sáng thức dậy không phải lo bom rơi, đạn lạc, mình được sống dưới một bầu trời xanh bình yên, được đi học, được ước mơ, được theo đuổi đam mê và được làm chủ tương lai của chính bản thân mình. Những điều tưởng như rất bình thường ấy có được nhờ chính sự đánh đổi bằng cả máu xương của cả thế hệ cha anh đi trước - đây cũng chính là điều mà chúng mình, thế hệ trẻ hôm nay đang được thừa hưởng và cũng có trách nhiệm gìn giữ”.

Ngọc Anh biết ơn vì có một dấu mốc lịch sử 30.4.1975 thật hùng tráng. Luôn là lời nhắc nhờ thế hệ trẻ về ý nghĩa của niềm tin, của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, của khát vọng vươn lên mạnh mẽ trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng. Từ sự kiện lịch sử ấy, GenZ nhận thức sâu sắc rằng, tự do và hòa bình là thành quả vĩ đại nhưng cũng là trách nhiệm lớn lao mà mỗi công dân trẻ cần tiếp tục vun đắp và bảo vệ.

Sinh ra trong thời đại công nghệ phát triển vượt bậc, kinh tế - xã hội không ngừng đổi mới, GenZ có điều kiện tiếp cận đa dạng các nguồn thông tin trong và ngoài nước. Từ đó, thế hệ trẻ ngày nay hình thành cách nhìn riêng về tự do, hòa bình và thống nhất – những giá trị mà cha ông đã đổ biết bao máu xương để giành lại.
Bạn Hà Trang, một GenZ tại Hà Nội trải lòng, nhịp sống hiện đại ngày nay, dường như thế giới riêng của mọi người đã thu nhỏ trong thiết bị điện tử. Những bài học trên trường lớp về lịch sử có phần nào đó “khô khan” khiến họ "lỡ" nhãng đi sự quan tâm đến lịch sử và xã hội xung quanh.
Tuy nhiên, không phải như vậy, với GenZ cách thể hiện “tình yêu nước” rất khác. Các bạn có thể sẵn lòng xếp hàng dài đón nhận những ấn phẩm đặc biệt kỷ niệm ngày lễ; hay sẵn sàng vượt đường xa để xem duyệt binh các lễ kỷ niệm của đất nước, dành thời gian tham gia những chương trình về văn hóa, quảng bá văn hóa của đất nước,....
"Có thể nói khi cơ hội tới, như một bản năng, các bạn trẻ thể hiện tình yêu nước và lòng biết ơn một cách trong sáng nhất với những giá trị trên theo cách riêng, đặc biệt, mới mẻ mà không rập khuôn" - Hà Trang nhìn nhận.
Đồng tình với câu chuyện của Hà Trang, Ngọc Anh tiếp tục cho biết, mỗi người người dân Việt Nam, lớn lên trên mảnh đất hình chữ S đều có trong mình lòng yêu nước nồng nàn, thế hệ trẻ chúng mình cũng vậy.

Giống như có một câu nói dạo gần đây rất phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội: “Yêu nước không phải là trend, yêu nước là ở trong gen chúng mình”. Nghe có vẻ như một câu nói vui, nhưng mình nghĩ, đó là một lời tự sự rất chân thành của Gen Z – những người trẻ có thể đeo tai nghe nhạc quốc tế, học tập ở các nền giáo dục hiện đại, nhưng trái tim vẫn rung lên khi nghe Quốc ca, rơi nước mắt khi xem những thước phim lịch sử về thế hệ cha anh đi trước, hay cười hạnh phúc với một lá cờ đỏ sao vàng trên ngực áo...
Đi trong những ngày kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, không khó để bắt gặp hình ảnh các bạn trẻ mặc áo dài trắng, áo cờ đỏ sao vàng check-in tại những địa điểm lịch sử cùng lá cờ Tổ Quốc.
Và khi đến những địa điểm về lịch sử ví dụ như Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam, bảo tàng Hồ Chí Minh,... cũng có thể bắt gặp rất nhiều những bạn trẻ đến tìm hiểu, nhìn lại một phần ký ức hào hùng của dân tộc. Như vậy, có thể thấy người trẻ vẫn rất quan tâm đến lịch sử, đến cội nguồn, chỉ là họ đang thể hiện tình cảm ấy theo cách của riêng mình.

50 năm đã trôi qua kể từ ngày non sông nối liền một dải, đất nước Việt Nam hôm nay đang bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ, hội nhập toàn diện và sâu rộng với thế giới. GenZ – thế hệ trẻ của thời đại mới – đang tiếp nối ý chí kiên cường và khát vọng cháy bỏng của cha ông, vừa tự hào về quá khứ, vừa tự tin tiến bước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy vậy thay vì cầm súng, các bạn trẻ trở thành những "chiến sĩ" quan trọng trên mặt trận không kém phần khốc liệt, mặt trận tư tưởng, đặc biệt trên không gian mạng. Với sự "phẳng" của mạng xã hội, mọi giá trị đều có thể bị đưa lên bàn luận, so sánh và "cào bằng". Vậy làm sao để giữ gìn bản sắc, bảo vệ giá trị lịch sử và danh dự của dân tộc trong thời đại số là một trong những nhiệm vụ quan trọng của thế hệ GenZ hiện nay.

Ngày 26.4 vừa qua, nhóm sinh viên Khoa Truyền thông, Trường Đại học Đại Nam đã thành công bảo vệ đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường “Nâng cao nhận thức của sinh viên thuộc ngành truyền thông, báo chí tại các trường đại học/học viện trên địa bàn Hà Nội về các nội dung tuyên truyền “Cách mạng màu” trên nền tảng Tiktok”.
Chia sẻ về đề tài, đại diện nhóm nghiên cứu, sinh viên Nguyễn Thùy Linh ngành Truyền thông Đa phương tiện cho hay, những nội dung “Cách mạng màu” trên TikTok thường được lồng ghép trong các video một cách tinh vi, và do tính thiếu chặt chẽ trong tiêu chuẩn cộng đồng, sự phân loại thông tin, kiểm duyệt nội dung của nền tảng chưa cao nên TikTok đã trở thành một môi trường thuận lợi cho các thông tin về “Cách mạng màu” bị lan truyền rộng. Ngoài ra, một số bộ phận trong giới trẻ hiện nay thường thiếu kỹ năng sàng lọc thông tin, chỉ nghe thông tin từ một chiều, họ rất dễ bị lôi kéo và kích động.
Có thể nói, sinh viên Truyền thông/Báo chí là đối tượng không chỉ là người tiếp nhận thông tin mà còn là những người sẽ tham gia sản xuất, định hướng thông tin trong tương lai. Việc trang bị cho họ khả năng nhận diện sớm, "miễn dịch" với các thủ đoạn tuyên truyền những nội dung sai lệch trên nền tảng phổ biến như TikTok là cực kỳ quan trọng. Nó không chỉ giúp bảo vệ chính bản thân họ mà còn góp phần giúp họ trở thành những người làm truyền thông có trách nhiệm, tạo ra sản phẩm thông tin lành mạnh, khách quan sau này.

Nguyễn Thùy Linh cùng nhóm nghiên cứu khoa học Khoa Truyền thông, Trường Đại học Đại Nam
Mặt khác, một tín hiệu đáng mừng khi một số bộ phận trong thế hệ trẻ ngày nay thể hiện lòng tự tôn dân tộc, tình yêu nước vô cùng mãnh liệt qua nhiều hình thức khác nhau. Có thể thấy rõ nhất khi các dịp lễ lớn của đất nước như 30.04, 02.09,... Họ muốn thể hiện sự biết ơn của mình tới những cha ông đã hy sinh để bảo vệ nền độc lập dân tộc qua những video sáng tạo đặc sắc hay thay ảnh đại diện bằng khung hình cờ đỏ sao vàng.
Kết quả khảo sát trên 500 sinh viên của nhóm nghiên cứu cho thấy 95.6% sử dụng Zalo, tiếp theo là Facebook (93.3%) và YouTube (92.9%). Tỷ lệ sinh viên sử dụng mạng xã hội hàng ngày đạt 97.9%, trong đó 30.8% dành từ 1-2 giờ/ngày và 17.7% sử dụng từ 2-3 giờ/ngày. Đáng chú ý, 75.7% sinh viên bày tỏ sự tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, trong khi 76.1% có niềm tin vào hệ thống pháp luật Nhà nước.
Trưởng Khoa Truyền Thông, Trường Đại học Đại Nam TS. Trần Văn Lệ đánh giá, nhóm nghiên cứu hầu hết là sinh viên năm cuối đã rất “dũng cảm” khi lựa chọn một đề tài không hề dễ về "Cách mạng màu" trên nền tảng Tiktok.

Nhóm nghiên cứu đã rất "dũng cảm" khi lựa chọn một đề tài không hề dễ về "Cách mạng màu" trên nền tảng Tiktok
Đề tài trực tiếp thúc đẩy việc rèn luyện tư duy phản biện - một kỹ năng sống còn trong thời đại bùng nổ thông tin. Khi nhận diện được các nội dung tuyên truyền "Cách mạng màu", các bạn trẻ sẽ ý thức hơn về sự phức tạp của thông tin trên mạng, từ đó cẩn trọng hơn trong việc tiếp nhận, kiểm chứng và chia sẻ thông tin, đồng thời củng cố bản lĩnh chính trị của mình.
50 năm sau chiến thắng lịch sử Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam đứng trước những thách thức không chỉ về quốc phòng an ninh truyền thống, mà còn cả an ninh tư tưởng, an ninh truyền thông trong môi trường số.

Trưởng Khoa Truyền Thông, Trường Đại học Đại Nam TS. Trần Văn Lệ
Các thế lực thù địch hiện nay không còn chủ yếu dùng vũ khí, mà tập trung vào "diễn biến hòa bình", "cách mạng màu", tấn công vào nhận thức, tư tưởng đặc biệt là giới trẻ – lớp người sinh sau ngày thống nhất.
Bởi vậy đề tài này không chỉ có ý nghĩa học thuật mà còn là hành động thiết thực góp phần bảo vệ thành quả cách mạng vĩ đại, bằng cách củng cố "thành trì tư tưởng" trong lòng thế hệ trẻ trên môi trường số.
Đề tài này nhằm nâng cao khả năng đề kháng về tư tưởng, chính trị cho sinh viên – lực lượng trí thức tương lai – trước những âm mưu tuyên truyền, xuyên tạc, kích động trên mạng xã hội.
Thể hiện trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay đối với lịch sử: Không chỉ biết ơn quá khứ bằng những bài học lịch sử, mà còn chủ động bảo vệ nền tảng tư tưởng mà bao thế hệ cha anh đã đổ máu để xây dựng.
Đồng thời, góp phần xây dựng "mặt trận truyền thông vững mạnh" trong thời đại mới: Từ môi trường TikTok – một nền tảng tưởng chừng "chỉ vui chơi" – đề tài đã cảnh báo, nâng cao nhận thức, khuyến khích sinh viên trở thành những người sáng tạo nội dung tích cực, biết chọn lọc thông tin, đấu tranh với thông tin xấu độc.
Đề tài cho thấy sinh viên ngành truyền thông, báo chí ngày nay có vai trò quan trọng trong "mặt trận không tiếng súng" này.
50 năm đã trôi qua kể từ ngày 30.4.1975, vẻ đẹp cùng giá trị của tự do, hòa bình và thống nhất dưới góc nhìn của GenZ - thế hệ trẻ của thời đại đã trở thành "bất tử", là ngọn lửa soi đường, là động lực để mỗi người trẻ vững vàng tiến bước, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, sánh vai với các cường quốc năm châu như lời căn dặn thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.