Kỷ niệm 30 năm vịnh Hạ Long được vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới

Sau 30 năm kể từ khi được UNESCO công nhận, vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) ngày nay đã có một diện mạo mới nhưng vẫn bảo tồn được nguyên vẹn các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản, đồng thời phát huy các tiềm năng thế mạnh sẵn có.

Tối 14/12, tỉnh Quảng Ninh tổ chức kỷ niệm 30 năm vịnh Hạ Long được UNESCO vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới (1994-2024). Dự lễ kỷ niệm có ông Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm ủy ban kinh tế của Quốc Hội; ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Vishal Sharma, Đại sứ, Chủ tịch Ủy ban Di sản thế giới kỳ họp 46. Lễ kỷ niệm còn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; Ban quản lý các khu Di sản thế giới tại Việt Nam; các vị đại sứ; đại biểu các tổ chức quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Ngày 17/12/1994, vịnh Hạ Long được UNESCO vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới lần đầu tiên bởi giá trị cảnh quan nổi bật toàn cầu. 30 năm qua, nhiều giải pháp mang tính chất tiên phong, đột phá đã được tỉnh này triển khai nhằm thể hiện sự quyết tâm cao trong ưu tiên bảo tồn nguyên vẹn các giá trị Di sản.

Năm 1995, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập Ban Quản lý vịnh Hạ Long là cơ quan chuyên trách quản lý Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Cùng với đó, tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết chuyên đề, cơ chế, chính sách, quy định về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản, đặc biệt trong lĩnh vực trọng tâm về: Bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý Di sản, quản lý môi trường kinh doanh du lịch và phát triển sản phẩm du lịch... Việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ, giữ gìn Di sản được chú trọng và tăng cường.

Nhiều giải pháp mang tính chất tiên phong, đột phá được triển khai nhằm bảo tồn nguyên vẹn các giá trị Di sản, như: Cấm đánh bắt thủy sản trong vùng bảo vệ tuyệt đối; chấm dứt hoạt động bốc xếp, chuyển tải hàng hóa trên vịnh Hạ Long; di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi vùng đệm Di sản; thành lập khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng đặc dụng để bảo vệ nghiêm ngặt các hệ sinh thái của vịnh Hạ Long.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh đã dành nguồn lực tôn tạo, đầu tư đồng bộ, hiện đại hệ thống cơ sở hạ tầng liên quan tới vịnh như hệ thống cảng tàu khách tiêu chuẩn quốc tế; các công trình kiến trúc nổi bật.

Theo đó, vịnh Hạ Long ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế và vinh dự được đón nhận nhiều danh hiệu cao quý như: Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ 2, Di tích quốc gia đặc biệt, Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, Di sản địa chất quốc tế vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà, khu du lịch hàng đầu Việt Nam, một trong 25 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới. Từ năm 1996 đến nay đã có trên 57 triệu lượt khách tham quan vịnh Hạ Long, thu phí tham quan đạt trên 8.600 tỷ đồng. Qua đó, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh.

Các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm 30 năm vịnh Hạ Long được UNESCO vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm 30 năm vịnh Hạ Long được UNESCO vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Sau 30 năm kể từ khi được UNESCO công nhận, vịnh Hạ Long giờ đã có một diện mạo mới, các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản được bảo tồn nguyên vẹn; các tiềm năng thế mạnh được phát huy; bộ máy, cơ chế, chính sách trong quản lý, bảo vệ di sản từng bước được củng cố, hoàn thiện tạo cơ sở vững chắc cho chiến lược bảo tồn, phát huy giá trị vịnh Hạ Long một cách toàn diện, bền vững. Đồng thời, vịnh Hạ Long là cầu nối trong quan hệ đối ngoại giữa Quảng Ninh, Việt Nam với bạn bè, đối tác quốc tế.

Với vai trò là Đại sứ, Chủ tịch Ủy ban Di sản thế giới kỳ họp 46 ông Vishal Sharma ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo vệ di sản vịnh Hạ Long. Sự phối hợp chặt chẽ giữa cộng đồng địa phương, chính quyền các cấp và tổ chức quốc tế đã đảm bảo công tác bảo tồn Di sản luôn là trọng tâm trong chiến lược phát triển. Ông Vishal Sharma bày tỏ ấn tượng về vẻ đẹp của vịnh Hạ Long cũng như những cách làm đổi mới, sáng tạo của tỉnh trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị Di sản. Qua đó, đảm bảo sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, không chỉ riêng cho Quảng Ninh, cho Việt Nam và còn có ý nghĩa với cả thế giới.

Ông mong muốn thời gian tới, địa phương này sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được để thực hiện hiệu quả việc bảo vệ, bảo tồn gắn với phát triển bền vững Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, cũng như gìn giữ những nét bản sắc văn hóa độc đáo của địa phương.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã bày tỏ sự ghi nhận và đánh giá cao những thành tích, nỗ lực trong quản lý, bảo tồn và phát huy di sản vịnh Hạ Long mà tỉnh Quảng Ninh đã đạt được trong 30 năm qua. Những thành tựu vượt trội đó cũng là minh chứng thể hiện trách nhiệm và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong thực hiện Công ước về bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 1972.

“Thời gian tới, Quảng Ninh cần tiếp tục làm tốt công tác dự báo, đánh giá, nhận diện đúng tình hình, xác định vị trí, vai trò, tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và những thách thức trong quản lý. Đồng thời, Quảng Ninh cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, gia tăng giá trị kinh tế của di sản, phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, sáng tạo, có tính cạnh tranh cao. Lấy bảo tồn các giá trị của di sản làm nền tảng, làm động lực phát triển, lấy phát triển văn hóa, xây dựng văn minh sinh thái, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường làm trọng điểm”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã bày tỏ sự ghi nhận và đánh giá cao những thành tích, nỗ lực trong quản lý, bảo tồn và phát huy di sản vịnh Hạ Long mà tỉnh Quảng Ninh đã đạt được trong 30 năm qua. Những thành tựu vượt trội đó cũng là minh chứng thể hiện trách nhiệm và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong thực hiện Công ước về bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 1972.

Với vai trò là Đại sứ, Chủ tịch Ủy ban Di sản thế giới kỳ họp 46 ông Vishal Sharma ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo vệ di sản vịnh Hạ Long. Sự phối hợp chặt chẽ giữa cộng đồng địa phương, chính quyền các cấp và tổ chức quốc tế đã đảm bảo công tác bảo tồn Di sản luôn là trọng tâm trong chiến lược phát triển.

Sông Hồng

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/ky-niem-30-nam-vinh-ha-long-duoc-vinh-danh-la-di-san-thien-nhien-the-gioi-95545.html
Zalo