Cấp ủy cơ sở, đảng viên - điểm tựa của nhân dân trong bão lũ
Cơn bão số 3 (Yagi) đã gây ra những tổn thất nặng nề tại Lào Cai, để lại hậu quả chưa từng có với hàng trăm người thương vong, mất tích và thiệt hại kinh tế lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Trong cơn hoạn nạn, các cấp ủy cơ sở và đảng viên đã trở thành 'điểm tựa' vững chắc cho người dân, không chỉ trong việc phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai mà còn trong công cuộc tái thiết và ổn định cuộc sống.
Phóng viên Báo Nhân Dân có cuộc trao đổi với đồng chí Dương Đức Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai chung quanh những những tấm gương đội ngũ cán bộ, đảng viên xả thân vì cộng đồng, với tinh thần "dám đương đầu, quyết liệt hành động vì lợi ích chung", lan tỏa niềm tin và hy vọng giữa thiên tai khắc nghiệt.
Phóng viên: Đồng chí đánh giá thế nào về vai trò của cấp ủy cơ sở trong việc phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3? Có những câu chuyện cụ thể nào đáng biểu dương của cấp ủy hoặc đảng viên?
Đồng chí Dương Đức Huy: Tháng 9 vừa qua, hoàn lưu bão số 3 gây mưa lớn trên diện rộng để lại hậu quả chưa từng có trong lịch sử tại Lào Cai. Đến nay đã có 239 người chết, bị thương, mất tích; trong đó 138 người chết, 88 người bị thương, còn 13 người mất tích tại các huyện Bát Xát, Bắc Hà, Bảo Yên; ước tổng thiệt hại hơn 7.000 tỷ đồng (gần bằng tổng thu ngân sách nhà nước của Lào Cai năm 2023).
Đặc biệt, mưa lũ đã làm cho nhiều gia đình không còn ai sống sót, một số làng bản bị xóa sổ gần như hoàn toàn. Cùng với thiệt hại to lớn và tác động kéo dài của đại dịch Covid-19 cách đây 3 năm, thiệt hại “kép” đến từ cơn bão số 3 đã để lại những hậu quả rất nặng nề.
Căn cứ chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và yêu cầu thực tiễn cũng như diễn biến của tình hình mưa lũ, cấp ủy cơ sở đã khẳng định vai trò chỉ đạo trực tiếp, là “điểm tựa” quan trọng của người dân trong những tình huống khẩn cấp, trong đó có những cá nhân thật sự tiêu biểu, xuất sắc, là điển hình.
Họ đã không quản nguy hiểm, khó khăn băng rừng, vượt suối để tiếp cận sớm nhất hiện trường, cứu giúp người dân bị nạn trong điều kiện sạt lở đồi núi, giao thông chia cắt, liên lạc gián đoạn, giúp dân sơ tán, thu hoạch hoa màu, dọn dẹp nhà cửa trong và sau lũ.
Có thể khẳng định, trước và trong khi bão xảy ra trên địa bàn tỉnh Lào Cai, cấp ủy cơ sở đã phát huy vai trò, nêu cao tinh thần trách nhiệm cũng như thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, liên tục theo dõi thông tin dự báo, diễn biến thời tiết, thiên tai; kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”.
Chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn có sẵn sàng xử lý các tình huống thiên tai bất thường, đặc biệt là phương án ứng phó với mưa lớn, dông, lốc, ngập úng, chập điện, cây đổ, biển hiệu bị hư hỏng, sơ tán học sinh, bảo đảm hậu cần, nhu yếu phẩm thiết yếu,...
Tổ chức lực lượng tuần tra, rà soát nhằm phát hiện những vết nứt mới hoặc các cung trượt để có biện pháp cảnh báo, xử lý kịp thời, nhất là các vị trí xung yếu và đã được xác định có nguy cơ cao. Cử người cảnh giới và cắm các biển báo tại những vị trí ngầm tràn có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, lũ quét... để hướng dẫn người dân, phương tiện qua lại bảo đảm an toàn.
Kiểm tra, rà soát các cây cao tại các tuyến đường, tuyến phố, trường học... để có phương án cắt tỉa cành cây có nguy cơ ảnh hưởng đến đường điện, nhà ở, công trình công cộng nhằm hạn chế thiệt hại do cây gãy, đổ.
Trong quá trình ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ đã xuất hiện nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên xả thân vì cộng đồng, vì sự an nguy của người dân, tiêu biểu như: Đồng chí Hoàng Văn Diệp, Trưởng thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên) đã chủ động, tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng chỉ dẫn, hỗ trợ tìm kiếm người dân thôn Làng Nủ mất tích, phân phối hàng cứu trợ; đồng chí Châu Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Mường Hum (huyện Bát Xát) đã chỉ đạo di chuyển khẩn cấp 130 học sinh và 11 giáo viên Trường THCS và THPT Bát Xát đến nơi an toàn trước khi khu vực này bị sập hoàn toàn; đồng chí Ma Seo Chứ, Trưởng thôn Kho Vàng (xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà) đã tổ chức kiểm tra và phát hiện vết nứt có thể gây sạt lở đất, từ đó kiên quyết vận động di dời 115 người dân trong thôn đến nơi an toàn, tránh được thảm họa có thể xảy ra.
Phóng viên: Địa phương đã có giải pháp cấp bách gì để giải quyết khó khăn ban đầu cho người dân bị ảnh hưởng bão lũ?
Đồng chí Dương Đức Huy: Trước những khó khăn do ảnh hưởng bão lũ, bên cạnh việc đón nhận sự phối hợp, chia sẻ, động viên, giúp đỡ của các lực lượng, các bộ, ngành, người dân, doanh nghiệp trong cả nước, Lào Cai đã khẩn trương có các chỉ đạo nhằm sớm giải quyết khó khăn cho người dân bị ảnh hưởng.
Để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tỉnh Lào Cai đã phát động đợt thi đua “Lào Cai chung tay khắc phục hậu quả cơn bão số 3” năm 2024; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Chỉ thị số 50/CT-TU ngày 27/9/2024 khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và phục hồi phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh.
Một số nhiệm vụ được Tỉnh ủy Lào Cai tập trung chỉ đạo đó là:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, phát huy vai trò của người đứng đầu, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sức mạnh của cả cộng đồng; tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ của Trung ương, các tỉnh, thành phố, sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế giúp nhân dân sớm khắc phục hậu quả thiên tai. Tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả bão số 3, bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe nhân dân. Tập trung phục hồi phát triển kinh tế, khôi phục các hoạt động đời sống, xã hội để ổn định đời sống nhân dân.
Thứ hai, đẩy mạnh nêu gương người tốt việc tốt, khen thưởng, động viên các tập thể, cá nhân là tấm gương sáng, điển hình trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ người dân. Tổ chức tuyên truyền, phát động đợt thi đua “Lào Cai chung tay khắc phục hậu quả cơn bão số 3” năm 2024; khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động từ nay đến hết năm 2024, mỗi tháng làm việc thêm một ngày thứ bảy để đóng góp ngày công cho Quỹ hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng của bão.
Thứ ba, tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đấu tranh với các thế lực thù địch, tổ chức phản động, đối tượng cơ hội lợi dụng tình hình thiên tai, khắc phục hậu quả mưa lũ sau bão để hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, phát tán thông tin xấu độc.
Thứ tư, đánh giá tác động, ảnh hưởng của bão số 3 đến khả năng hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội quý III và cả năm 2024 cũng như khả năng hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội, từ đó đề ra các giải pháp phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 làm căn cứ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025, 5 năm giai đoạn 2026-2030 và Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2025-2030. Tiếp tục công tác chuẩn bị, tăng cường khả năng chống chịu, chủ động sẵn sàng ứng phó với thiên tai, bão lũ, ngập lụt, sạt lở đất.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính việc “quy hoạch, sắp xếp và làm nhà ở mới cho bà con nhân dân bị ảnh hưởng sau lũ” là một trong những nhiệm vụ cấp bách hàng đầu được cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Lào Cai ưu tiên thực hiện. Để ổn định cuộc sống nhân dân thì việc tái thiết nhà ở là ưu tiên hàng đầu; đối với những nhà bị sập hoàn toàn, bị lũ cuốn trôi được ưu tiên hỗ trợ trước; các địa phương đã nhanh chóng cần đánh giá chính xác thiệt hại về nhà ở để tiến hành công tác bồi thường, có các chính sách hỗ trợ người dân bị thiệt hại,... Đến nay một số khu vực tái định cư như Làng Nủ (Bảo Yên), Nậm Tông, Kho Vàng (Bắc Hà) đã được tỉnh Lào Cai phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai khẩn trương, bảo đảm tiến độ hoàn thành trước ngày 31/12 để người dân có nhà ở ổn định.
Phóng viên: Bên cạnh những giải pháp cấp bách, xin đồng chí cho biết những chiến lược, giải pháp căn cơ để tái thiết cuộc sống tại các vùng bị ảnh hưởng bão lũ? Đồng chí có kiến nghị, đề xuất gì?
Đồng chí Dương Đức Huy: Tỉnh Lào Cai nghiêm túc thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về 4 mục tiêu và 15 giải pháp cấp bách khắc phục hậu quả mưa lũ, có những chiến lược, giải pháp căn cơ để tái thiết cuộc sống cho bà con nhân dân tại các vùng bị ảnh hưởng bão lũ, đó là:
Thứ nhất, cùng với việc hỗ trợ, tái thiết các khu dân cư, sau mưa lũ, các địa phương cũng đã và đang bắt tay ngay vào việc vận động người dân khôi phục sản xuất. Hàng chục tấn hạt giống các loại đã và đang được ngành nông nghiệp Lào Cai chuyển đến bà con nông dân để kịp vụ sản xuất. Đối với huyện chịu thiệt hại nhẹ do thiên tai gây ra như Bảo Thắng, cấp ủy, chính quyền địa phương đã khẩn trương thống kê thiệt hại về sản xuất để hỗ trợ bà con giống, kinh phí giúp bà con nông dân tái sản xuất, bảo đảm chuỗi cung ứng về thực phẩm, rau xanh cho thị trường.
Thứ hai, chỉ đạo khắc phục hậu quả bão lũ và thực hiện chế độ chính sách tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc chế độ chính sách cho học sinh, giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh, tiếp tục chỉ đạo khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão đối với các cơ sở giáo dục, đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức các bữa ăn và điều kiện nuôi dưỡng đối với học sinh bán trú, nội trú, nhất là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và nguồn nước sạch; việc thực hiện các quy định về quản lý tài chính, tài sản, mua sắm trang thiết bị giáo dục. Quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm quy định về đạo đức nhà giáo; tăng cường công tác quản lý nhà nước về giáo dục đối với tất cả các cấp học; tích cực xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và thân thiện.
Thứ ba, triển khai các giải pháp để bảo đảm giao thông thông suốt phục vụ cho công tác cứu hộ, cứu nạn và đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Để sớm khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, thời gian tới, tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ và Văn bản chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Tiếp tục, khẩn trương khắc phục các thiệt hại còn lại theo các quy định của Bộ Giao thông vận tải, quy định của tỉnh. Theo đó, lộ trình thực hiện đối với tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai và các tuyến quốc lộ sẽ hoàn thành trước ngày 31/12/2024.
Thứ tư, khẩn trương hoàn thành xây dựng khu tái định cư cho người dân tại các vùng bị ảnh hưởng do mưa bão bảo đảm an toàn, tiện nghi, phù hợp với nhu cầu người dân, đó là với 40 căn tại thôn Kho Vàng (xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà), 40 căn tại thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên), 15 căn tại thôn Nậm Tông (xã Nậm Lúc, Huyện Bắc Hà). Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo tập trung tổng rà soát, đánh giá công tác quy hoạch bố trí dân cư, có phương án nghiên cứu vấn đề địa chất đối với các vùng có nguy cơ mất an toàn. Lào Cai cũng tiến hành đánh giá, đề xuất với Trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ tỉnh rà soát, điều chỉnh chính sách quy hoạch, kế hoạch, lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế-xã hội của tỉnh.
Phóng viên: Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung thêm 3 yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ, trong đó có yêu cầu “dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”. Vậy, trong cơn bão số 3 vừa qua, vai trò “dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung” đã được các cán bộ, đảng viên cũng như cấp ủy tại địa phương thể hiện như thế nào thưa đồng chí?
Đồng chí Dương Đức Huy: Có thể khẳng định trong cơn bão số 3 vừa qua, vai trò “dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung” đã được các cán bộ, đảng viên cũng như cấp ủy tại địa phương thể hiện rất rõ với những cách làm hay, bản lĩnh kiên trung, gan dạ, sáng tạo, hết lòng vì cuộc sống của bà con nhân dân. Trong những điều kiện khó khăn, thiếu thốn, mất liên lạc, không xin ý kiến được của cấp trên nhưng rất nhiều cán bộ, đảng viên, nhất là tại cơ sở tại khắp các địa phương trong tỉnh bằng tinh thần “7 dám”, xả thân vì cộng đồng, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn, họ đã đưa ra được các quyết định quan trọng để giúp người dân ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, tiêu biểu như Bí thư Huyện ủy Bảo Yên Hoàng Quốc Bảo, Trưởng thôn Kho Vàng Ma Seo Chứ, Trưởng thôn Làng Nủ Hoàng Văn Diệp, Trưởng thôn Nậm Tông,... Họ thực sự đã trở thành “điểm tựa”, là nơi người dân gửi gắm niềm tin, sự yêu thương.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, trong bão lũ cũng vẫn còn một số ít cán bộ, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thật sự chủ động, tích cực, ngại khó, ngại khổ, chưa dấn thân trong công tác tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn người dân ứng phó, khắc phục hậu quả bão lũ. Có thể khẳng định, cơn bão số 3 và hoàn lưu sau mưa bão vừa qua xảy ra trên địa bàn tỉnh Lào Cai như một “phép thử” của thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt về tinh thần trách nhiệm đối với cán bộ, đảng viên các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương.
Có những chỗ, những nơi còn cán bộ, lãnh đạo quản lý chưa quyết liệt trong trực phòng, chống thiên tai, chủ quan không kiểm tra nắm tình hình kịp thời nên khi mưa lũ xảy ra đã để lại hậu quả nặng nề. Cũng vì sự chủ quan, thiếu trách nhiệm ấy, khiến họ trở thành những con người thờ ơ, vô cảm trước sự mất mát, trước những khó khăn của những đồng chí, đồng nghiệp, của đồng bào mình.
Trong tình huống “nước sôi, lửa bỏng", lại có những cán bộ chưa thật sự làm tròn bổn phận của mình, bị đình chỉ công tác. Những cán bộ này đã bị các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý nghiêm khắc qua đó kịp thời răn đe, cảnh tỉnh đội ngũ cán bộ cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, điều chỉnh, thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được phân công, xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của người dân.
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết quan điểm, chủ trương của tỉnh về phát triển, bồi dưỡng kiến thức, đạo đức đảng viên để họ thực sự trở thành chỗ dựa của nhân dân trong thiên tai?
Đồng chí Dương Đức Huy: Trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai tiếp tục quán triệt sâu sắc, chú trọng đẩy mạnh chủ đề học tập và làm theo Bác năm 2024 với tinh thần 7 dám: “Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”.
Thiên tai, bão lũ đã đi qua, tỉnh Lào Cai bắt tay vào tái thiết cuộc sống, thêm một lần nữa khẳng định vai trò, trách nhiệm của đảng viên trên một nhiệm vụ mới. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tỉnh Lào Cai sẽ bổ sung những nhiệm vụ mới, quyết liệt hơn, nhanh hơn, sáng tạo hơn trong việc khởi công xây dựng những ngôi nhà cho các thôn, bản, các gia đình bị thiệt hại do thiên tai; chỉ đạo những chiến lược, giải pháp, cách thức hỗ trợ cho việc tái sản xuất, ổn định cuộc sống cho bà con nhân dân.
Động viên, khuyến khích, biểu dương kịp thời và cũng là yêu cầu đối với mỗi cán bộ, đảng viên luôn tích cực gần dân, sát cơ sở, thông hiểu địa bàn, nỗ lực hơn nữa trong việc tự rèn, tự học, nhận thức đúng đắn về vai trò, trách nhiệm theo Quy định 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới; Kết luận số 81-KL/TW ngày 4/6/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường..., góp phần phát triển đúng nhận định đánh giá của Đảng trong Nghị quyết Đại hội XIII: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc...”.