Kỷ nguyên vươn mình và cải cách hành chính ở Việt Nam
Lịch sử cho thấy không một quốc gia nào có thể thành công mà không dựa chủ yếu vào nội lực của mình. Vậy hiện nay nội lực của chúng ta đến từ đâu? Theo tôi, đó là từ vấn đề cải cách hành chính...
Cơ hội và thách thức trong thời kỳ mới
Thế giới đang bước vào một thời kỳ mới với rất nhiều sự biến động mang tính bước ngoặt. Các xung đột địa chính trị như căng thẳng giữa Nga - Ukraine hay ở Trung Đông đang định hình trật tự toàn cầu mới, tạo ra những thay đổi lớn trong dòng chảy thương mại và đầu tư quốc tế. Cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo (AI) với những bước tiến như ChatGPT hay các siêu máy tính Nvidia, đang cách mạng hóa mọi ngành nghề. Biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ tạo ra nhiều thách thức, có thể sẽ dẫn đến sự tồn vong của con người.
Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nơi 18 triệu người phụ thuộc vào nông nghiệp. Tác động của đại dịch Covid-19 vẫn còn gây ra những khó khăn về kinh tế ở tất cả quốc gia. Nền kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh với nợ công tại nhiều quốc gia tăng vọt, trong đó có Việt Nam, khi chi tiêu công cho an sinh xã hội tăng đáng kể.
Đứng trước những biến động mang tính bước ngoặt như vậy, Việt Nam cần phải đón bắt những cơ hội cũng như đối mặt với những thách thức to lớn.
Việt Nam đã sẵn sàng vươn mình hay chưa?
Liệu chúng ta có sẵn sàng cho công cuộc vươn mình của dân tộc hay không? Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng chúng ta đã sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, muốn thành công chúng ta phải có quyết tâm thật lớn.
Tôi rất đồng ý với hai ý kiến trên.
Theo tôi, thế mạnh của chúng ta đó là sự phấn chấn của người dân, thành quả của gần 40 năm đổi mới về kinh tế và ổn định chính trị. Trong dịp công tác tháng 10 vừa qua ở TPHCM nhân hội thảo về các vấn đề toàn cầu hóa mà tôi và các đồng nghiệp sáng lập và tổ chức từ năm 2018, tôi có dịp đi thăm và làm việc với một số trường đại học ở Việt Nam. Cảm nhận của tôi là không khí rất cởi mở và hào hứng với những chuyển biến của trường. Điều này đã cởi trói cho các thầy cô có thể chủ động học tập, nghiên cứu và giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu. Nhiều người rất tin tưởng vào các cơ hội mới trong tương lai.
Việc tinh gọn bộ máy không chỉ là giải pháp tài chính, mà còn là cách tạo không gian cho đổi mới. Thành công hay thất bại
phụ thuộc vào quyết tâm, tầm nhìn, và sự đồng thuận của
toàn xã hội.
Điều này là điểm mạnh của Việt Nam, so với tâm lý bi quan của một số quốc gia phát triển, trong đó có Anh là nơi tôi đang làm việc và nghiên cứu. Tâm lý bi quan đã làm một bộ phận lớn của lực lượng lao động đứng ngoài sự phát triển của đất nước. Theo thống kê mới nhất hiện có đến khoảng 9,5 triệu người trong độ tuổi lao động (từ 16-64 tuổi) không tham gia thị trường lao động, tăng 9% so với năm 2018.
Cải cách hành chính - chìa khóa để tạo nội lực phát triển
Để vươn mình, Việt Nam có thể đứng trên vai người khổng lồ để rút ngắn con đường đi của mình. Gần đây, các tập đoàn lớn, đặc biệt là về công nghệ, đã có những bước đi hỗ trợ Việt Nam phát triển. Như chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai của Jensen Huang, ông chủ của Nvidia, đã dẫn đến ký kết nhiều thỏa thuận quan trọng như Nvidia sẽ xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển AI và Trung tâm dữ liệu AI tại Việt Nam, giúp Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của AI và chuyển đổi số. Hay Google thành lập Công ty Google Việt Nam, bắt đầu hoạt động từ năm sau.
Mặc dù sự xuất hiện, hỗ trợ của các tập đoàn lớn như Google hay Nvidia là hết sức cần thiết và là dấu hiệu cho thấy niềm tin to lớn của họ vào sự vươn mình của Việt Nam, chúng ta vẫn cần phải vận dụng nội lực của mình. Lịch sử cho thấy không một quốc gia nào có thể thành công mà không dựa chủ yếu vào nội lực của mình.
Vậy nội lực của chúng ta đến từ đâu? Theo tôi đó là từ vấn đề cải cách hành chính, như Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề ra. Thứ nhất, việc cải cách hành chính sẽ giúp chúng ta tinh gọn bộ máy, tạo nguồn lực để đổi mới sáng tạo và phát triển. Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, thực tế hiện nay, khoảng 70% ngân sách dùng để chi trả lương, chi thường xuyên, đồng nghĩa tỷ lệ ngân sách chi cho đầu tư phát triển thấp... Con số này đúng là đặt ra thách thức lớn cho đầu tư phát triển. Để so sánh, ở Anh, con số này chỉ ở mức 36%, cho phép họ tập trung hơn vào đầu tư phát triển. Thứ hai, việc tinh gọn bộ máy không chỉ là giải pháp tài chính, mà còn là cách tạo không gian cho đổi mới. Điều này cũng tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước và cả nước ngoài, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Làm thế nào để cải cách hành chính hiệu quả?
Tôi từng tham gia các buổi thảo luận chính sách phát triển do Chính phủ Anh tổ chức, nơi thu hút sự tham gia của mọi tầng lớp xã hội, đặc biệt là giới trí thức tại các trường đại học và viện nghiên cứu. Đây là một hình thức tham vấn công khai, mang tính chất giống như “hội nghị Diên Hồng” mà tôi cho rằng rất cần thiết ở Việt Nam. Chúng ta có thể bắt đầu bằng việc công khai một đề cương cải cách hành chính với các định hướng chính, từ đó kêu gọi sự đóng góp ý kiến của toàn dân, tổng hợp và tìm ra giải pháp tối ưu. Điểm then chốt là sự tham vấn rộng rãi. Không nên để cải cách trở thành quyết định từ trên xuống.
Trong lịch sử, nhiều quốc gia đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhờ cải cách hành chính. Trung Quốc vào những năm 1990 là một ví dụ điển hình. Sau cải cách vào năm 1978, đến những năm 1992, 1993 Trung Quốc đứng trước yêu cầu cải cách sâu rộng hơn. Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ khi đó đã triển khai các cải cách mạnh mẽ, cắt giảm bộ máy hành chính xuống còn một nửa vào năm 2003, tạo bệ phóng đưa Trung Quốc trở thành siêu cường như ngày nay.
Khi tôi giảng dạy tại Đại học Tài chính Thượng Hải từ năm 2009-2016, tôi nhận thấy các sinh viên giỏi nhất đều đặt mục tiêu vượt qua kỳ thi tuyển công chức. Theo báo cáo mới nhất, có đến hơn 2,5 triệu ứng viên ở Trung Quốc thi tuyển công chức cho chưa đến 40.000 vị trí trong năm 2025. Do đó, có thể thấy Trung Quốc sẽ có một bộ máy tinh gọn nhưng rất hiệu quả vì chọn lựa được những thanh niên ưu tú nhất cho nền hành chính quốc gia.
Tuy nhiên, cải cách không phải không có thách thức. Việc tinh giản biên chế sẽ ảnh hưởng đến một bộ phận dân cư. Giải pháp nằm ở chỗ hỗ trợ chuyển đổi. Trung Quốc đã làm điều này một cách hiệu quả: đào tạo kỹ năng mới, giới thiệu việc làm, hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho những người bị ảnh hưởng.
Việt Nam đang ở ngã rẽ quan trọng. Cải cách hành chính không chỉ là câu chuyện về tinh giản bộ máy, mà còn là cuộc đổi mới tư duy quản trị. Thành công hay thất bại phụ thuộc vào quyết tâm, tầm nhìn, và sự đồng thuận của toàn xã hội.
Không có con đường nào bằng phẳng, nhưng với tinh thần quyết liệt và chiến lược đúng đắn, Việt Nam hoàn toàn có thể vươn mình trong kỷ nguyên mới.
(*) Đại học De Montfort, Vương quốc Anh