Chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường tiếp tục được hoàn thiện

Sáng 21/12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị tổng kết ngành Tài nguyên và Môi trường năm 2024. Sự kiện có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.

Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Tài nguyên và Môi trường có sự tham dự, chỉ đạo của đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ và Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các ban, bộ, ngành Trung ương; Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự Hội nghị tổng kết ngành Tài nguyên và Môi trường năm 2024

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự Hội nghị tổng kết ngành Tài nguyên và Môi trường năm 2024

Đây là Hội nghị có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của ngành Tài nguyên và Môi trường không chỉ trong năm 2025, mà còn trong cả nhiệm kỳ và giai đoạn tiếp theo khi toàn ngành đang tập trung thực hiện đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo đúng chỉ đạo của Trung ương và của Chính phủ về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết: Trong năm 2024, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là khơi thông các điểm nghẽn về chính sách, bảo đảm quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, gắn kết chặt chẽ với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thu Hường

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thu Hường

"Trong đó, nổi bật là thể chế, chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý và thực tiễn phát triển của đất nước. Việc tổ chức thực thi chính sách, pháp luật được toàn ngành triển khai thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương"- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Hệ thống các quy hoạch ngành quốc gia được xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để phân bổ, bố trí, sử dụng hợp lý không gian và nguồn lực cho phát triển các ngành, lĩnh vực, các vùng kinh tế - xã hội, các địa phương và cả nước.

Công tác quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, đáp ứng nhu cầu phát triển, làm nền tảng thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, có chuyển biến tích cực. Cùng với đó, công tác dự báo khí tượng, thủy văn, dự báo, cảnh báo thiên tai luôn chủ động “đi sớm, đi trước”, chất lượng được nâng lên, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai các biện pháp phòng, chống, qua đó góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản; công tác chuyển đổi số đạt nhiều kết quả tích cực; công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế, thông tin, truyền thông ngày càng đổi mới, thiết thực, hiệu quả, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Thu Hường

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Thu Hường

Tuy nhiên theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác quản lý nhà nước ngành Tài nguyên và Môi trường cũng còn những mặt tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, một số thể chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn phát triển nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung; chất lượng triển khai chính sách, pháp luật không đồng đều giữa các địa phương;

Nguồn lực tài nguyên ở nhiều nơi chưa được sử dụng hiệu quả, nhất là tài nguyên đất đai, gây nên tình trạng lãng phí; việc vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản còn xảy ra ở nhiều nơi;

"Tình trạng ô nhiễm môi trường các lưu vực sông, cụm công nghiệp, làng nghề, ô nhiễm không khí tại các đô thị chưa được quan tâm khắc phục; công tác phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính chưa triệt để; công tác chuyển đổi số trong ngành chưa đáp ứng với yêu cầu quản trị hiện đại. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, địa bàn còn hạn chế"- Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.

Mặc dù còn một số tồn tại và hạn chế, tuy nhiên có thể khẳng định, trong năm 2024, bám sát chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành đã rất nỗ lực, quyết liệt trong giải quyết công việc, bảo đảm các hoạt động quản lý nhà nước của bộ, của ngành được nhịp nhàng, thông suốt, đặc biệt trong bối cảnh Bộ có sự thay đổi, chuyển giao lãnh đạo.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách, kiện toàn tổ chức, bộ máy

Năm 2025, ngành Tài nguyên và Môi trường phấn đấu hoàn thành toàn bộ các mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2025 với tinh thần: Mục tiêu, nhiệm vụ nào chưa hoàn thành thì phải hoàn thành; mục tiêu, nhiệm vụ nào đã hoàn thành rồi thì phải tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả”.

Theo đó, ngành sẽ tổ chức thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của bộ và các cơ quan chuyên môn về TN&MT tại địa phương theo định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW bảo đảm tiến độ, mục tiêu theo yêu cầu.

Tập trung hoàn thiện thể chế tạo đột phá thúc đẩy giải phóng nguồn lực tài nguyên, phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững.

Xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành; kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu TN&MT với hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu của Chính phủ, các địa phương, bộ, ngành. Ưu tiên xây dựng, đưa vào vận hành Hệ thống thông tin đất đai tập trung, thống nhất, đa mục tiêu.

Tổ chức thực hiện tốt các đề án, nhiệm vụ thuộc Chương trình công tác của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Xác định sớm nội dung, đối tượng thanh tra, kiểm tra để hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2025 để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, tránh chồng chéo giữa Trung ương và địa phương.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, làm sâu sắc hơn những kết quả đạt được, các hạn chế và nguyên nhân; chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; đồng thời, phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện, giúp ngành tài nguyên và môi trường hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Trong năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành việc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành 15 văn bản, gồm: 3 Luật (Luật Đất đai năm 2024; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Luật, cho phép Luật đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành sớm hơn 5 tháng, kể từ ngày 01/8/2024; Luật Địa chất và Khoáng sản năm 2024); 2 Nghị quyết của Quốc hội về quản lý đất đai; 9 Nghị định, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; ban hành theo thẩm quyền 36 Thông tư.

Hoàn thành xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, bộ đã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đầy đủ 8/8 quy hoạch cấp quốc gia; trong đó có những quy hoạch mang tính chất nền tảng (Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Quy hoạch không gian biển quốc gia). Qua đó tạo lập hành lang pháp lý thống nhất, đồng bộ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TN&MT. Ngoài ra, bộ đã hoàn thành, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 10/15 quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chinh-sach-phap-luat-ve-tai-nguyen-va-moi-truong-tiep-tuc-duoc-hoan-thien-365442.html
Zalo