Kỷ nguyên khí đốt của Nga ở châu Âu kết thúc khi hợp đồng trung chuyển qua Ukraine chấm dứt
Nguồn cung khí đốt của Nga cho châu Âu trung chuyển qua Ukraine sẽ bị cắt đứt vào ngày đầu năm mới, khi hợp đồng giữa Kiev và Mátxcơva kết thúc mà không được gia hạn. Dữ liệu từ đơn vị vận chuyển khí đốt của Ukraine cho thấy, Nga chưa yêu cầu trung chuyển bất kỳ luồng khí đốt nào qua đường ống của Ukraine đến châu Âu vào ngày 1/1.
Đây là tuyến đường dẫn khí đốt lâu đời nhất của Nga tới châu Âu, đã hoạt động trong nhiều thập kỷ.
Liên minh châu Âu (EU) đã tăng gấp đôi nỗ lực giảm phụ thuộc vào năng lượng của Nga sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine vào năm 2022, bằng cách tìm kiếm các nguồn thay thế. Trong đó, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Qatar và Mỹ là một trong những lựa chọn hàng đầu.
Sự thay đổi này đã tác động mạnh mẽ đến Nga, khi tập đoàn xuất khẩu khí đốt Gazprom của Nga ghi nhận khoản lỗ 7 tỷ đô la, lần đầu tiên từ năm 1999, mặc dù đã nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu sang khách hàng mới là Trung Quốc.
Những khách hàng mua khí đốt còn lại của Nga thông qua Ukraine như Slovakia và Áo cũng đã tìm kiếm nguồn cung thay thế.
Một phát ngôn viên của Bộ Năng lượng Áo cho biết hôm 31/12, rằng nhờ việc lấp đầy kho lưu trữ, nguồn cung khí đốt cho người tiêu dùng nước này đã được đảm bảo.
Slovakia cũng sẽ không phải đối diện nguy cơ thiếu hụt năng lượng, mặc dù hiện phải thanh toán khoản phí bổ sung 177 triệu euro cho các tuyến đường thay thế, Bộ Kinh tế nước này cho biết.
Một phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu đã chỉ ra các biện pháp ứng phó của EU, bao gồm phát triển năng lượng tái tạo và hệ thống khí đốt linh hoạt.
"Cơ sở hạ tầng khí đốt của châu Âu đủ linh hoạt để cung cấp khí đốt không có nguồn gốc từ Nga cho Trung và Đông Âu thông qua các tuyến đường thay thế. Cơ sở hạ tầng này đã được tăng cường với công suất nhập khẩu LNG mới đáng kể từ năm 2022", phát ngôn viên Anna-Kaisa Itkonen cho biết.
Tác động đến thị trường
Các nhà phân tích dự đoán, tác động từ việc dừng vận chuyển khí đốt từ Nga đến châu Âu qua Ukraine sẽ khá hạn chế. Một đợt tăng giá khí đốt như những gì đã xảy ra ở EU năm 2022 sẽ không lặp lại, vì khối lượng khí đốt trung chuyển qua Ukraine đã giảm xuống còn khá nhỏ.
Thị trường khí đốt không biến động nhiều trong ngày cuối năm, với giá khí đốt ở châu Âu chỉ tăng nhẹ.
Nhưng bất chấp những nỗ lực trong việc thay thế nguồn cung cấp từ Nga, châu Âu vẫn sẽ cảm nhận được phần nào tác động, khi chi phí năng lượng cao hơn ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trong ngành công nghiệp của họ so với Mỹ và Trung Quốc.
Ukraine sẽ mất khoảng 800 triệu đô la/năm do không còn phí trung chuyển khí đốt từ Nga, trong khi Gazprom sẽ mất gần 5 tỷ đô la doanh thu bán khí đốt.
Moldova là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nước này cho biết hiện cần phải đưa ra các biện pháp để giảm một phần ba lượng khí đốt sử dụng.
Nga đã dành một nửa thế kỷ để xây dựng thị phần trên thị trường khí đốt châu Âu, có lúc đạt đỉnh khoảng 35%, nhưng cuộc xung đột ở Ukraine đã "đóng băng" gần như toàn bộ mảng kinh doanh này của Gazprom.
Đường ống Yamal - Europe qua Belarus đã đóng cửa và tuyến Nord Stream qua Biển Baltic đến Đức đã bị phá hủy vào năm 2022.
Trong năm 2018, Nga đã cung cấp lượng khí đốt kỷ lục 201 tỷ m3 (bcm) đến châu Âu thông qua các tuyến đường khác nhau.
Tuyến đường ống dẫn khí đốt duy nhất của Nga vẫn đang hoạt động là TurkStream, băng qua Biển Đen đến Thổ Nhĩ Kỳ. TurkStream có hai tuyến - một tuyến dành cho thị trường nội địa Thổ Nhĩ Kỳ, và tuyến còn lại cung cấp cho các khách hàng ở Trung Âu bao gồm Hungary và Serbia.