Bài toán mới hóc búa của chính quyền Trump 2.0

Trong bối cảnh ông Donald Trump chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ thứ hai, cuộc tranh luận sôi nổi về chính sách thị thực H-1B đặt ra thách thức mới đối với tổng thống đắc cử Mỹ trong việc cân bằng lợi ích giữa các nhóm cử tri ủng hộ mình.

Chìa khóa cạnh tranh hay mối nguy cho người lao động Mỹ?

Tâm điểm của cuộc tranh luận trên là Elon Musk, người giàu nhất thế giới và là giám đốc điều hành các công ty Tesla và SpaceX. Trên nền tảng mạng xã hội X của mình, tỷ phú Musk đã mạnh mẽ bảo vệ chương trình thị thực H-1B, khi cho rằng đây là yếu tố quan trọng trong thành công của nhiều công ty công nghệ Mỹ, trong đó có DN của ông.

"Lý do tôi ở Mỹ cùng với rất nhiều người khác đã xây dựng SpaceX, Tesla và hàng trăm công ty làm nên sức mạnh của nước Mỹ là nhờ thị thực H-1B" - vị tỷ phú 53 tuổi tuyên bố.

Ở phía đối lập, Steve Bannon, cựu cố vấn chiến lược của ông Trump, đã chỉ trích gay gắt chương trình này, gọi đó là "trò lừa đảo" của các ông trùm công nghệ nhằm thay thế lao động Mỹ bằng nhân công giá rẻ từ nước ngoài. Quan điểm này phản ánh lập trường của nhóm cử tri truyền thống ủng hộ tổng thống đắc cử Mỹ, những người từ lâu đã phản đối việc nới lỏng chính sách nhập cư.

Đáng chú ý, Tổng thống đắc cử Trump đã chọn đứng về phía tỷ phú Musk trong cuộc tranh luận trên. "Tôi luôn thích thị thực, tôi luôn ủng hộ thị thực. Đó là lý do tại sao chúng ta có chúng" - ông Trump cho biết trong cuộc phỏng vấn với báo New York Post. Quyết định này cho thấy sự thay đổi đáng kể so với thông điệp chống nhập cư cứng rắn mà ông đã sử dụng trong các chiến dịch tranh cử trước đây.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và tỷ phú Elon Musk. Ảnh: Republic Business

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và tỷ phú Elon Musk. Ảnh: Republic Business

Sự ủng hộ của Tổng thống đắc cử Donald Trump dành cho quan điểm của tỷ phú Elon Musk về vấn đề thị thực H-1B đang phản ánh tầm quan trọng từ việc tận dụng chất xám của người lao động nước ngoài đối với nền kinh tế Mỹ.

Theo Cục Di trú và Nhập tịch Mỹ, thị thực H-1B cho phép những người lao động tay nghề cao, như kỹ sư hay nhà khoa học máy tính từ nước ngoài, có thể sống và làm việc tại Mỹ trong một thời gian. Nhờ vậy, các công ty Mỹ có thể tuyển dụng nhân lực chất lượng cao để duy trì cạnh tranh toàn cầu.

Những người ủng hộ H-1B, bao gồm tỷ phú Musk, cho rằng thị thực này không phải để thay thế người Mỹ mà là để lấp đầy những vị trí mà lao động trong nước không đáp ứng được, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp Điện tử và Thông tin (CompTIA) năm 2022 cho thấy có hơn 1,4 triệu vị trí IT còn trống ở Mỹ, chứng tỏ sự thiếu hụt nhân lực kỹ thuật số mà H-1B có thể giải quyết.

Ông Musk và những người ủng hộ cũng khẳng định rằng, lao động nước ngoài với thị thực H-1B giúp mang lại kiến thức và kinh nghiệm quốc tế, thúc đẩy sự đổi mới và giúp Mỹ duy trì vị trí dẫn đầu toàn cầu. Thực tế cho thấy, nhiều công ty công nghệ lớn của Mỹ đều hưởng lợi từ lao động của các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines, Việt Nam...

Theo danh sách 20 DN dẫn đầu về số đơn lao động thuộc diện thị thực H-1B được chấp thuận trong năm tài chính 2024 được Quỹ quốc gia về chính sách của Mỹ công bố, có tới 16 công ty thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ cao. Có thể kể đến Amazon (dẫn đầu với 3.871 đơn), IBM (xếp thứ 5 với 1.348 đơn), Microsoft (xếp thứ 6 với 1.264 đơn) hay Google (xếp thứ 8 với 1.058 đơn).

Hãng xe điện Tesla của tỷ phú Elon Musk cũng góp mặt trong danh sách với 742 đơn lao động thị thực H-1B được tuyển dụng, xếp thứ 16.

Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ những người ủng hộ nhiệt thành của Tổng thống đắc cử Trump, thường được gọi là những người theo phong trào MAGA (Make America Great Again - Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại), cho rằng H-1B đi ngược lại với khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết".

Với niềm tin vào chủ nghĩa dân tộc kinh tế, họ cho rằng các công việc trong nước nên được ưu tiên cho người lao động Mỹ thay vì nhập khẩu lao động từ nước ngoài.

Một số người lo ngại rằng, không ít công ty ở Mỹ đang dựa vào thị thực H-1B để lợi dụng nguồn nhân công giá rẻ từ nước ngoài, chứ không phải vì họ không thể tìm thấy các công dân Mỹ có đủ điều kiện. Điều này không chỉ gây tổn hại đối với thị trường lao động trong nước mà còn tạo ra sự cạnh tranh không công bằng đối với sinh viên và người lao động Mỹ, đặc biệt là trong các ngành công nghệ và kỹ thuật.

Trump và Musk: liên minh quyền lực hay tâm bão xung đột?

Màn đối đầu giữa Elon Musk với những người ủng hộ Tổng thống đắc cử Trump về vấn đề thị thực còn cho thấy tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của tỷ phú công nghệ này trên chính trường Mỹ. Với quyền kiểm soát mạng xã hội X và dẫn dắt các dự án công nghệ lớn như SpaceX và Tesla, Elon Musk đã trở thành một đồng minh quyền lực mà ông Trump không thể bỏ qua.

Dù vậy, mối quan hệ này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hoạt động kinh doanh đa dạng của Elon Musk với Chính phủ Mỹ trong nhiều lĩnh vực từ vũ trụ, xe điện đến trí tuệ nhân tạo (AI) có thể dẫn đến các xung đột lợi ích. Hơn nữa, ảnh hưởng của ông Musk ở các nước như Trung Quốc có thể mâu thuẫn với chính sách đối ngoại cứng rắn mà đội ngũ mới của ông Trump ủng hộ.

Vấn đề thị thực H-1B còn làm dấy lên câu hỏi về khả năng Tổng thống đắc cử Trump có thể cân bằng giữa lợi ích của các nhóm cử tri khác nhau trong liên minh của mình. Một bên là những người ủng hộ truyền thống với quan điểm dân túy và chống nhập cư, bên kia là giới tinh hoa công nghệ với nhu cầu về nguồn nhân lực quốc tế chất lượng cao.

Cặp Trump - Musk đều rất cần nhau. Tổng thống thứ 47 của Mỹ cần sự hỗ trợ tài chính và truyền thông từ tỷ phú Musk cho các chiến dịch của mình, trong khi ông chủ Tesla và SpaceX cần một môi trường chính sách thuận lợi cho các DN của mình. Nhưng liệu liên minh này có bền vững? Một số người vẫn hoài nghi vì ông Trump không thích ai làm lu mờ mình. Đảng Dân chủ đã cố tạo ra xung đột bằng cách gọi tỷ phú Musk là "Tổng thống Musk".

Điều lạ lùng là, chính khả năng gây tổn hại cho nhau có thể giữ họ lại với nhau. Ông Trump có thể sử dụng quyền lực của chính phủ liên bang để gây áp lực lên các DN của tỷ phú Musk nhưng ngược lại, ông Musk có thể dùng X để gây ảnh hưởng đến cách ông Trump tiếp cận truyền thông và cử tri.

Cuộc tranh cãi về thị thực H-1B cho thấy chính trị ngày nay không chỉ dựa vào ý thức hệ mà còn phụ thuộc vào lợi ích của các nhóm quyền lực. Nó cũng làm nổi bật vai trò ngày càng lớn của các "ông trùm công nghệ" trong việc định hình chính sách, đôi khi đi ngược lại với quan điểm của các đảng phái.

Khi Tổng thống đắc cử Donald Trump sắp bước vào nhiệm kỳ mới, việc ông có thể làm hài lòng cả những người theo chủ nghĩa dân túy và giới tinh hoa công nghệ sẽ là một thử thách lớn. Thành công hay thất bại trong việc này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả của chính quyền mới và tương lai chính trị của ông Trump.

Việt Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bai-toan-moi-hoc-bua-cua-chinh-quyen-trump-2-0.html
Zalo