Thấy gì từ năm siêu bầu cử 2024?

2024 là năm chứng kiến nhiều cuộc bầu cử nhất trong lịch sử thế giới với hơn 70 quốc gia - 4 tỷ người đi bỏ phiếu. Giờ đây nhìn lại những lá phiếu đã được kiểm đếm, những kết quả đã được công bố, người ta nhận thấy rằng, ở hầu hết các quốc gia phát triển lẫn đang phát triển, tỷ lệ ủng hộ chính phủ đương nhiệm đều giảm sút. Lo lắng trước những khó khăn kinh tế, chia rẽ về các vấn đề văn hóa và tức giận với tình hình chính trị hiện tại, cử tri ở nhiều quốc gia đã gửi đi thông điệp về sự thất vọng.

Năm khó khăn cho những người cầm quyền

Theo dữ liệu từ ParlGov, một cơ sở dữ liệu độc lập do Đại học Bremen ở Đức quản lý và được tờ báo Financial Times phân tích, đây là năm đầu tiên kể từ khi bắt đầu tiến hành ghi chép vào năm 1905, tất cả các chính quyền đương nhiệm ở các nước phát triển có bầu cử đều để mất phiếu bầu.

Nhìn vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ - cuộc bầu cử gây chú ý nhất trong năm, đảng Dân chủ đã thất bại khi Donald Trump, cựu tổng thống đảng Cộng hòa, đánh bại Phó Tổng thống Kamala Harris. Đảng Cộng hòa cũng giành được đa số ở cả hai viện của Quốc hội. Đây là cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ thứ ba liên tiếp mà chính quyền đương nhiệm thua cuộc.

Hoa Kỳ chỉ là một trong số những quốc gia chứng kiến chính quyền đương nhiệm thất bại trong các cuộc bầu cử vào năm 2024. Ở Vương quốc Anh, quyền lực chính trị chuyển sang cánh tả sau khi Công đảng giành được đa số phiếu áp đảo trong Hạ viện, chấm dứt 14 năm cầm quyền của đảng Bảo thủ.

 Nguồn: ITN

Nguồn: ITN

Thất bại nặng nề nhất là đảng Dân chủ Botswana cầm quyền ở Botswana, quốc gia miền Nam châu Phi sau khi đảng này để mất quyền lực lần đầu tiên sau gần 60 năm.

Vào tháng 4.2024, cử tri Hàn Quốc đã trao cho Đảng Dân chủ đối lập đa số ghế trong Quốc hội, đánh dấu thất bại đầu tiên của đảng Quyền lực Nhân dân của Tổng thống Yoon Suk-Yeol. Sự kiện này đã dẫn đến những bế tắc chính trị sau đó, khi phe đối lập nắm đa số liên tục vô hiệu hóa nhiều chính sách của Tổng thống.

Ở các quốc gia khác như Ghana, Panama, Bồ Đào Nha và Uruguay… các đảng đối lập thuộc các khuynh hướng chính trị khác nhau cũng lần lượt giành chiến thắng.

Ở những nơi khác, các đảng đương nhiệm vẫn nắm giữ quyền lực nhưng vẫn phải chịu những thất bại đáng kể. Tại Nam Phi, đảng Đại hội Dân tộc Phi đã không giành được đa số ghế trong Quốc hội lần đầu tiên kể từ khi chế độ Apartheid sụp đổ.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Đảng Bharatiya Janata của ông đã giành chiến thắng thứ ba liên tiếp nhưng lần đầu tiên buộc phải thành lập chính phủ liên minh.

Khó khăn kinh tế là nhân tố bao trùm

Điều gì khiến năm 2024 trở thành năm khó khăn bậc nhất đối với các chính quyền đương nhiệm? Trong khi các cuộc bầu cử thường được định hình bởi các yếu tố địa phương, thì những khó khăn kinh tế lại là nhân tố bao trùm trong các cuộc bầu cử năm nay.

Một cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Pew tiến hành vào đầu năm 2024 đã cho thấy mức độ u ám của nền kinh tế toàn cầu. Trong số các quốc gia khảo sát, trung bình 64% cho biết nền kinh tế quốc gia của họ đang trong tình trạng tồi tệ. Ở một số quốc gia tổ chức bầu cử vào năm 2024 (bao gồm Pháp, Nhật Bản, Nam Phi, Hàn Quốc và Anh), hơn 70% đồng tình với quan điểm này. Lạm phát là vấn đề đặc biệt quan trọng trong các cuộc bầu cử 2024, mặc dù mối lo ngại về các vấn đề kinh tế đã nổi lên ở nhiều quốc gia sau đại dịch Covid-19.

Ngay cả ở Hoa Kỳ, nơi có số liệu kinh tế vĩ mô khiến cả thế giới phải ghen tị, hàng triệu người vẫn cảm thấy mắc kẹt trong cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang hoành hành ở nhiều nơi trên hành tinh. Thực phẩm đắt đỏ hơn rất nhiều và lãi suất cao hơn đồng nghĩa với việc trả nợ thẻ tín dụng khó khăn hơn. Đó cũng là câu chuyện ở Vương quốc Anh, nơi lạm phát đã đạt mức 11% trong thời gian ngắn và là yếu tố dẫn đến kết quả bầu cử tồi tệ nhất của đảng Bảo thủ cầm quyền trong gần 200 năm.

Tình trạng chia rẽ và chủ nghĩa dân túy cực đoan

Sự thất vọng của dân chúng với tầng lớp chính trị và các đảng phái truyền thống đã tạo cơ hội cho chủ nghĩa dân túy cánh hữu trỗi dậy. Các cuộc bầu cử ở châu Âu đã chứng minh xu hướng này. Các đảng dân túy cánh hữu, có quan điểm cực đoan đã giành được sự ủng hộ chưa từng có trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.

Tại Pháp, mặc dù các đảng cánh tả và trung dung đã hợp tác để tránh cho đảng Tập hợp quốc gia cánh hữu của bà Marine Le Pen giành chiến thắng nhưng cuối cùng, đảng này vẫn tăng đáng kể số ghế tại Quốc hội. Vào đầu tháng 12.2024, đảng này đã liên kết với một đảng thiên tả khác lật đổ Chính phủ bảo thủ của Thủ tướng Michel Barnier chỉ sau 3 tháng nắm quyền.

Ở Áo, đảng Tự do cực hữu đã giành được 29% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử tháng 9.2024, tỷ lệ cao hơn các đảng khác và là kết quả tốt nhất từ trước đến nay. Ba đảng cực hữu cũng giành được kết quả ấn tượng trong cuộc bầu cử Quốc hội Romania ngày 1.12. Bồ Đào Nha đã gia nhập danh sách các quốc gia châu Âu có một đảng cánh hữu trong Quốc hội sau thành công của Chega trong cuộc bầu cử tháng 3. Đảng này đã giành được 50/230 ghế Quốc hội, trong khi vào thời điểm năm 2019, đảng này chỉ có 1 ghế. Đảng Sự thay thế cho nước Đức đã trở thành đảng chính trị cực hữu đầu tiên giành chiến thắng trong cuộc bầu cử cấp tiểu bang ở Đức kể từ Thế chiến II.

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy trùng hợp với tình trạng chia rẽ sâu sắc về văn hóa và bản sắc ở nhiều quốc gia. Tại Pháp, đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia thường xuyên đưa ra quan điểm bài ngoại, kêu gọi bảo vệ nền văn hóa và nền văn minh Pháp khỏi những người nhập cư. Đảng Tự do Áo, đảng Lựa chọn thay thế cho nước Đức hay, Đảng Tự do tại Hà Lan và cả ứng cử viên Donald Trump cũng đặc biệt nhấn mạnh nguy cơ nhập cư trong các cương lĩnh tranh cử của họ. Các đảng cực hữu cũng lợi dụng thái độ bất mãn xã hội để thúc đẩy các quan điểm khác biệt về người đồng giới hay quyền phá thai. Nhìn rộng hơn, các cuộc khảo sát của Pew đã phát hiện ra tình trạng chia rẽ ngày càng sâu sắc về các giá trị truyền thống trong xã hội.

Ảnh hưởng của xung đột quốc tế

Thông thường, trong các cuộc bầu cử, cử tri thường ưu tiên các vấn đề trong nước hơn là các vấn đề quốc tế. Nhưng các cuộc bầu cử 2024 là ngoại lệ khi cuộc chiến Nga - Ukraine và Israel - Hamas đã có những tác động đáng kể.

Nhiều quốc gia đã chứng kiến tình trạng chia rẽ về cuộc chiến của Nga ở Ukraine, trong đó sự ủng hộ dành cho Kiev thường thấp hơn. Tại Pháp, người dân đã ủng hộ đảng cực hữu của bà Le Pen, người chỉ trích các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga và kêu gọi Pháp hạn chế viện trợ cho Ukraine. Tại Slovakia, cử tri đã bầu Peter Pellegrini, một đồng minh thân cận của Thủ tướng thân Nga Robert Fico, làm tổng thống mới của họ. Và các đảng dân túy cánh hữu ở Áo và Đức đã bày tỏ sự dè dặt về việc ủng hộ Ukraine. Nhiều người theo chủ nghĩa cánh hữu ở Hoa Kỳ cũng hoài nghi về việc ủng hộ Ukraine. Khi dự luật viện trợ Ukraine được Hạ viện thông qua vào tháng 4, đảng Cộng hòa đã chia rẽ, với 101 phiếu thuận và 112 phiếu chống.

Cuộc chiến giữa Israel và Hamas ở Gaza cũng gây ra căng thẳng trong giới tư tưởng cánh tả. Tại Hoa Kỳ, các cuộc thăm dò cho thấy sự chia rẽ ngay trong số những người ủng hộ đảng Dân chủ. Đặc biệt là những cử tri trẻ tuổi phản đối cách tiếp cận của chính quyền Biden đối với cuộc chiến Israel - Hamas.

Năm 2025 sẽ tiếp tục chứng kiến các cuộc bầu cử ở Canada, Chile, Đức, Jamaica, Na Uy và Singapore. Kết quả của các cuộc bầu cử này sẽ trả lời cho câu hỏi liệu xu hướng của năm 2024 có tiếp tục kéo dài và cử tri có tiếp tục gửi đi thông điệp thất vọng hay không?

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thay-gi-tu-nam-sieu-bau-cu-2024-post401056.html
Zalo