Kỳ nghỉ lễ và những lựa chọn bình dị

Trong khi nhiều người háo hức chuẩn bị cho những chuyến đi xa, hay sum họp đông vui nhân kỳ nghỉ lễ 30/4, vẫn có không ít người lặng lẽ chọn tiếp tục làm việc, tạm gác lại mong muốn cá nhân. Bởi với họ, kỳ nghỉ không chỉ là thời điểm nghỉ ngơi, mà còn là khoảng lặng để đối diện với thực tại.

Với anh Trần Dư (quê An Giang, hiện sống và làm việc tại tỉnh Bình Dương), kỳ nghỉ lễ năm nay không phải là thời điểm của về quê hay bữa cơm gia đình. Thay vào đó là một khoảng lặng buồn. Anh mắc biến chứng gout đa khớp, suy giãn tĩnh mạch chi dưới, thoái hóa khớp gối, khiến việc đi lại khó khăn. “Tôi đang đi đứng bình thường, bỗng nhiên bệnh tật ập đến, phải nghỉ làm. Ở nhà một mình, buồn chứ. Đồng nghiệp gọi điện hỏi thăm, tôi cũng gọi lại chọc tụi nó cho vui, nhưng ở nhà hoài, stress lắm” - anh bày tỏ. Những ký ức tuổi thơ ở quê vẫn hiện về trong anh mỗi khi lòng trống vắng, hình ảnh cây me ngọt bên mé mương, hàng vú sữa bà nội trồng, những lần đi tắm sông, tụ họp cùng lũ bạn… Nếu sức khỏe ổn hơn, anh định về quê, “hú hí” mấy anh em làm lai rai...

Kỳ nghỉ lễ cũng là lúc người lao động trong ngành vận tải tất bật hơn bao giờ hết. Anh Nguyễn Minh Trung (tài xế một hãng xe khách ở An Giang) cho biết: “Vào những ngày lễ lớn, nhu cầu đi lại của hành khách nhiều lắm. Chạy xuyên đêm là chuyện bình thường”. Trung bình mỗi tuần, anh Trung được nghỉ 1 ngày luân phiên, còn lại gần như dành trọn thời gian cho tay lái. Dù công việc vất vả, anh không cảm thấy thiệt thòi.

Cận kề kỳ nghỉ lễ lớn, đường phố Long Xuyên nhộn nhịp người xe, báo hiệu thời điểm di chuyển và mua sắm sôi động đang đến gần

Cận kề kỳ nghỉ lễ lớn, đường phố Long Xuyên nhộn nhịp người xe, báo hiệu thời điểm di chuyển và mua sắm sôi động đang đến gần

“Nghề này là vậy. Gia đình hiểu nên không trách móc tôi. Lễ được nhân đôi lương, coi như là phần bù lại. Nhớ dịp lễ năm kia, có cô gái trẻ quên mang tiền mua vé. Cô ấy đứng ở bến xe lúng túng, không biết tính sao. Tôi với mấy anh em phụ xe góp tiền mua vé cho cô về TP. Châu Đốc. Cổ xúc động lắm, sau lễ gọi lại cảm ơn. Giúp đỡ được một người, tôi thấy nhẹ lòng” - anh chia sẻ. Nếu có kỳ nghỉ trọn vẹn, anh mong được ở nhà ăn cơm với vợ con, ngủ một giấc thật đã. Chở mọi người về sum họp, nhưng bản thân anh thì ít có dịp như vậy. Có lẽ vì vậy anh càng trân quý những phút yên bình!

Trong khi nhiều con đường tấp nập người xe những ngày cận lễ, ít ai để ý đến đội ngũ công nhân giữ cho thành phố sạch sẽ, gọn gàng. Cô Ngô Thị Hoàng (Công ty Cổ phần Môi trường đô thị An Giang) đều đặn bắt đầu ca làm từ 5 giờ sáng, kết thúc lúc xế chiều. Dù là ngày lễ, công việc vẫn không thay đổi, thậm chí còn nhiều hơn. “Lễ thì rác nhiều hơn ngày thường, tụi tôi phải quay lại lấy nhiều lần trong ngày. Làm tới 4 giờ rưỡi chiều mới nghỉ” - cô cho biết. Khi được hỏi có buồn vì không được nghỉ như mọi người, cô chỉ cười: “Tôi đi làm quen rồi. Dịp lễ đường phố đông đúc, rác nhiều hơn nên phải làm kỹ hơn. Tôi thấy mình quét dọn sạch sẽ cho người dân đi lại thoải mái, không phải dẫm lên rác, là thấy vui rồi”.

“Lễ, tụi tôi cũng bán hàng như ngày thường. Ngày lễ thì khách đông hơn, vì người ta rảnh đi mua sắm. Được nhân 3 lương nên ai cũng đăng ký làm. Nếu được nghỉ vài ngày, tôi muốn về quê thăm mẹ, ăn một bữa cơm nhà, không cần đi đâu xa” - Lê Thị Tuyền (nhân viên bán hàng tại một chuỗi siêu thị trên địa bàn TP. Long Xuyên) chia sẻ.

Kỳ nghỉ lễ của mỗi người mang một hình hài khác nhau. Có người rong ruổi nơi xa, có người chọn ở lại, cũng có những người chẳng thể lựa chọn vì điều kiện sức khỏe hay mưu sinh. Nhưng trong những câu chuyện ấy, ta bắt gặp sự bình dị, trách nhiệm, cả một tình yêu đời âm thầm, nhưng sâu sắc. Bởi đôi khi, kỳ nghỉ không nằm ở chốn xa hoa, mà là khoảnh khắc được nghỉ ngơi sau một ngày làm việc, một bữa cơm sum vầy, hay một cuộc gọi hỏi thăm người thân. Và như thế, với họ, là quá đủ.

VIÊN AN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/ky-nghi-le-va-nhung-lua-chon-binh-di-a419550.html
Zalo