Giáo hoàng Francis: Sức mạnh của lời cảm ơn
Đặc biệt đối với một tín hữu, lòng biết ơn là trái tim của đức tin: một Kitô hữu không biết cảm ơn đơn giản là người đã quên mất ngôn ngữ của Thiên Chúa.

Giáo hoàng Francis. Ảnh: Agencia.
"Cảm ơn" là một từ quan trọng trong cuộc sống, bắt đầu từ trong gia đình. Cùng với "xin phép" và "xin lỗi", đó là chìa khóa mở đường cho việc sống tốt lành, sống trong bình an. Chúng ta nên hình dung ba từ này như những tấm biển treo trên cửa vào nhà và đi vào cuộc sống chúng ta. Có vẻ đơn giản khi nói, nhưng thực tế chúng ta biết rằng không dễ thực hành.
Tuy nhiên, chúng chứa đựng một sức mạnh lớn: sức mạnh bảo vệ mái ấm, ngay cả trong khó khăn và thử thách; nếu thiếu vắng những lời này, những vết nứt nhỏ sẽ dần lan rộng khiến ngôi nhà suy yếu, thậm chí sụp đổ. Đôi khi chúng ta có thể nghĩ rằng xã hội của chúng ta đang cố gắng hình thành một nền văn minh bằng những cách hành xử tồi tệ và những lời lẽ thiếu nhã nhặn, như thể chúng là biểu tượng cho sự giải phóng. Điều đó không chỉ thể hiện trong đời sống riêng tư, mà trong cả những diễn ngôn trước công chúng.
Sự lịch thiệp, quan tâm, khả năng nói lời cảm ơn thường bị coi là dấu hiệu của sự yếu đuối, gây ra nghi ngờ, đôi khi thậm chí là sự thù địch. Nhưng cần phải chống lại xu hướng này, ở mọi nơi, bắt đầu từ hạt nhân nguyên thủy của xã hội - chính từ cái nôi gia đình.
Chúng ta cần kiên quyết về việc giáo dục lòng biết ơn và sự tri ân: nhân phẩm của con người và công bằng xã hội đều thể hiện qua đây. Nếu đời sống gia đình bỏ quên cách sống ấy, nếu chính chúng ta cũng lơ là, thì đời sống xã hội và cộng đồng cũng sẽ đánh mất nó. Đặc biệt đối với một tín hữu, lòng biết ơn là trái tim của đức tin: một Kitô hữu không biết cảm ơn đơn giản là người đã quên mất ngôn ngữ của Thiên Chúa.