Giữ vững vùng không sốt rét
Đây là mục tiêu quan trọng của ngành y tế, vừa góp phần bảo vệ thành quả, vừa kiểm soát, khống chế bệnh sốt rét trên địa bàn.

CDC hỗ trợ cán bộ y tế cơ sở soi lam tìm ký sinh trùng sốt rét
Có thể chữa khỏi hoàn toàn
Năm 2024, toàn tỉnh có 6 ca sốt rét ngoại lai; trong đó, có 2 ca tái phát. Một là anh N.T.L., 27 tuổi, công nhân nhà máy chế biến hạt điều ở Bờ Biển Ngà (châu Phi). Tháng 3, anh L. bị sốt rét, đến tháng 7 mắc bệnh lần thứ hai. Ngoài ra, còn có anh T.T.M., 36 tuổi, làm việc tại Cameroon, về thăm nhà thì bị mắc sốt rét lần thứ hai, phải vào Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế điều trị. Cá biệt, có trường hợp mắc sốt rét ngoại lai là một sản phụ mang thai 19 tuần tuổi làm việc ở Angola, sau khi về Quảng Ninh thì đến Huế thăm chồng. Nữ bệnh nhân nhập viện với diễn biến nặng: Sốc nhiễm trùng và suy gan cấp. Nhờ có trang thiết bị hiện đại và phương án điều trị tích cực, 11 ngày sau sức khỏe ổn định, người bệnh được xuất viện.
Tại Khoa Nhiệt đới, BVTW Huế - nơi tiếp nhận các ca sốt rét ngoại lai - việc điều trị đều triển khai theo phác đồ của Bộ Y tế. Các ca bệnh được theo dõi chặt chẽ, bệnh thuyên giảm sau 1–2 tuần, tùy thể trạng. Theo ThS.BSCKII. Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc BVTW Huế, bệnh sốt rét do ký sinh trùng Plasmodium gây ra, muỗi Anopheles là véc-tơ truyền bệnh. Người bệnh thường sốt theo chu kỳ với 3 giai đoạn điển hình: Rét run, nóng sốt, vã mồ hôi. Riêng sốt rét do P. falciparum có thể gây sốt rét ác tính, dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Các trường hợp sốt rét do nhiễm P. falciparum phải sử dụng thuốc phối hợp để tăng hiệu lực điều trị, đồng thời hạn chế khả năng kháng thuốc của ký sinh trùng.
Đối với sốt rét ngoại lai, các ca bệnh nói trên đều do ký sinh trùng sốt rét ngoại lai ở các nước châu Phi, người lao động sang Lào, cũng như làm việc ở các tỉnh còn sốt rét lưu hành. Sốt rét có thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu người bệnh không uống thuốc đúng, đủ liều sẽ có nguy cơ gây ra sốt rét kháng thuốc. Chuyên gia y tế khuyến cáo người dân nên đến các cơ sở y tế đủ điều kiện để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Nhiều năm qua, Huế không có ca tử vong do sốt rét. Trong 4 tháng đầu năm 2025, toàn thành phố không ghi nhận bệnh nhân sốt rét nào. Từ các biện pháp can thiệp đã được triển khai, tình hình sốt rét tại TP. Huế đã có chuyển biến mạnh mẽ và ổn định. Năm qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố chỉ đạo các quận, huyện, thị xã củng cố công tác phát hiện, chẩn đoán, điều trị sốt rét theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. 11.000 người nghi ngờ sốt rét được xét nghiệm và 2.400 người được bảo vệ bằng tẩm màn hóa chất...

Lấy mẫu máu xét nghiệm sốt rét cho người dân vùng có nguy cơ
Giám sát thường xuyên, quản lý di dân biến động
Năm 2022, Huế được công nhận loại trừ bệnh sốt rét trên quy mô toàn tỉnh (nay là thành phố). Tuy nhiên, để chủ động khống chế tình hình sốt rét phát triển và quay trở lại, ngành y tế tăng cường giám sát sốt rét ngoại lai, vùng có sốt rét lưu hành nhẹ nhằm thực hiện các biện pháp can thiệp bổ sung.
CDC thành phố xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm, kiểm tra giám sát ngay từ đầu năm, kiện toàn các điểm kính hiển vi tại các địa bàn... Trong hệ thống giám sát, chú trọng xây dựng các điểm giám sát tại các vùng trọng điểm để theo dõi tình hình dịch tễ sốt rét, từ đó phát hiện sớm các ca nhiễm. Điều tra dịch tễ ở những xã có sốt rét lưu hành nhẹ và xã nguy cơ, mỗi năm một lần. Tăng cường việc thu thập dữ liệu về sốt rét từ các cơ sở y tế, cũng như thiết lập nhóm Zalo với cán bộ chuyên trách tuyến y tế cơ sở, báo cáo nhanh những trường hợp nghi ngờ…
Năm nay, CDC đã chuẩn bị 189 viên thuốc Pyramax (22 liều), 10 lít hóa chất tẩm màn, 10.000 lam kính, gần 1.500 test chẩn đoán nhanh sốt rét. BSCKI. Lê Văn Sanh, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm - Ký sinh trùng - Côn trùng, CDC thông tin: “Chúng tôi đặc biệt chú trọng giám sát tình hình sốt rét tại các địa bàn có giao lưu dân cư từ vùng sốt rét trở về để kịp thời xử lý, đặc biệt là giám sát trường hợp ngoại lai về. Học viên điểm kính hiển vi được đào tạo lại mỗi năm một lần, cùng với đó là cung cấp tài liệu và thông tin cập nhật về các biện pháp phòng, chống, điều trị sốt rét mới nhất để đội ngũ cán bộ chuyên trách nâng cao năng lực chuyên môn”.
ThS.BSCKII. Nguyễn Lê Tâm, Phó Giám đốc phụ trách CDC thành phố cho biết: “Đến nay, khoảng 8-10 xã nằm trong vùng nguy cơ sốt rét. Chúng tôi xác định phòng bệnh vẫn là chủ yếu. Hiện có 64 điểm kính hiển vi đang hoạt động nhằm giám sát các đối tượng nghi ngờ (người có sốt đi về từ vùng sốt rét lưu hành và dân di biến động...). CDC thành phố thường xuyên kiểm đi, giám sát, kiểm tra hoạt động các điểm kính để hỗ trợ, hướng dẫn cơ sở trong công tác phòng, chống sốt rét quay trở lại”.
Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống sốt rét năm nay (25/4), các đơn vị tổ chức nhiều hoạt động nhằm tri ân cố Giáo sư, Bác sĩ, Anh hùng, Liệt sĩ Đặng Văn Ngữ - người thầy của ngành chuyên khoa sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng; triển khai các chiến dịch tuyên truyền, giáo dục cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức để người dân hiểu, cùng tham gia phòng, chống sốt rét tại địa phương.