Kỳ II: Đồng lòng thực hiện

Dạy thêm, học thêm luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm của phụ huynh học sinh và dư luận. Để dạy thêm, học thêm trở thành hoạt động chính đáng, được pháp luật thừa nhận, hỗ trợ tích cực cho học chính khóa, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm và có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Thông tư lần này có nhiều điểm mới với mục đích chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm và góp phần hạn chế những tiêu cực trong giáo dục.

Quản lý dạy thêm, học thêm: Vấn đề cũ - biện pháp mới

Giờ học môn Tiếng Anh của cô và trò Trường THCS Hạ Hòa.

Giờ học môn Tiếng Anh của cô và trò Trường THCS Hạ Hòa.

Quản lý chặt chẽ

Tại phiên chất vấn của Kỳ họp thứ Chín, HĐND tỉnh khóa XIX diễn ra ngày 9-11/12/2024, trả lời câu hỏi về nguyên nhân của tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan là gì, đồng chí Nguyễn Văn Mạnh- TUV, Giám đốc Sở GD&ĐT nhận định: Về chủ quan, có những giáo viên có nhu cầu dạy thêm; một số giáo viên cũng có biểu hiện tiêu cực trong việc đánh giá, cho điểm gây áp lực lên phụ huynh, học sinh khiến các em phải đi học thêm. Bên cạnh đó, công tác quản lý của một số hiệu trưởng còn chưa tốt, do những quy định về dạy thêm, học thêm tại Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ GD&ĐT đã hết hiệu lực...

Trên cơ sở thông báo Kết luận phiên giải trình, chất vấn của Chủ tọa kỳ họp thứ Chín, HĐND tỉnh khóa XIX, ngày 20/12/2024, HĐND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo ngành GD&ĐT tiếp tục siết chặt hoạt động dạy thêm, học thêm, tuyệt đối không tổ chức dạy thêm học thêm đối với các trường dạy 2 buổi/ngày. Bên cạnh đó, có biện pháp chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan nhằm giảm áp lực cho học sinh. Sở GD&ĐT đã có văn bản số 1931/SGD&ĐT-TTr ngày 23/12/2024 chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm và thu chi trong các cơ sở giáo dục. Theo đó, yêu cầu các cơ sở giáo dục tiếp tục quán triệt, tuyên truyền tới giáo viên, học sinh và phụ huynh về mục đích, ý nghĩa và các quy định của việc dạy thêm, học thêm. Chỉ đạo các nhà trường thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, hiệu quả chương trình giáo dục chính khóa, giúp học sinh nắm vững kiến thức cơ bản trên lớp; tuyệt đối không được cắt xén chương trình để dạy thêm, học thêm...

Trao đổi về việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn huyện, đồng chí Phạm Ngọc Diễm - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hạ Hòa cho biết: Trước ngày 14/2, 100% các trường THCS trên địa bàn huyện có tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường và cơ bản đáp ứng nhu cầu của học sinh, phụ huynh. Ngay từ đầu năm học, Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn các trường thực hiện nghiêm quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ và Sở GD&ĐT. Các trường THCS tổ chức dạy thêm, học thêm đều trên tinh thần tự nguyện của học sinh và giáo viên, đồng thời căn cứ nhu cầu, phân loại và tổ chức các lớp học thêm theo trình độ của học sinh...

Nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động dạy thêm, học thêm ngày 30/12/2024, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm nhằm thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ GD&ĐT. Theo đó, các thầy cô dạy thêm trong nhà trường đối với các trường hợp sau: Các học sinh học yếu, kém; các học sinh khá giỏi cần bồi dưỡng; các học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Nhưng với tất cả những lớp dạy thêm thì các thầy cô dạy miễn phí 100%. Thời lượng học thêm trong trường cũng được quy định mỗi môn học thêm không quá 2 tiết/tuần. Trường không được xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khóa biểu thực hiện chương trình chính khóa, không dạy thêm trước các nội dung đương nhiên được học. Mỗi lớp dạy thêm không được quá 45 học sinh. Đặc biệt, thông tư yêu cầu không được dạy thêm cho học sinh tiểu học.

Thông tư 29 cũng quy định, bên ngoài nhà trường, nếu các cá nhân, tổ chức muốn dạy thêm thì cần phải đăng ký kinh doanh để có thể hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và đóng thuế theo quy định của Nhà nước. Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở dạy thêm cần công khai rõ ràng về các môn học được tổ chức dạy thêm, học thêm; thời lượng dạy thêm của từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh. Mức thu tiền học thêm ngoài nhà trường do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh, học sinh với cơ sở dạy thêm.

Ngày 13/1/2025 Sở GD&ĐT ban hành văn bản số 65/SGD&ĐT-GDTrH chỉ đạo thực hiện Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 của Bộ GD&ĐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư có hiệu lực từ ngày 14/02/2025). Sở cũng yêu cầu các phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường tiểu học, THCS, các trường THPT, trường phổ thông có cấp THPT, các trung tâm GDTX, Trung tâm KTTH-HN tỉnh, Trung tâm GDTX tỉnh bảo đảm thực hiện các nguyên tắc trong dạy thêm, học thêm. Trong văn bản số 65/SGD&ĐT-GDTrH cũng quy định rõ những nội dung liên quan đến dạy thêm, học thêm cần phải nghiêm túc tuân thủ.

Nhà giáo Ưu tú Phùng Quốc Lập - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT nhận định: Thông tư 29 được cho là phù hợp với bối cảnh xây dựng nền giáo dục mở, năng lực học tập suốt đời của cộng đồng; tạo hành lang pháp lý để cấm những hiện tượng tiêu cực của việc dạy thêm chứ không triệt tiêu những nhu cầu chính đáng, có thực của cả người dạy và người học. Nội dung của Thông tư bảo đảm lợi ích của học sinh; ngăn chặn các nguy cơ dẫn đến tình trạng học sinh mặc dù không có nguyện vọng, không có nhu cầu nhưng vẫn phải đi học thêm ở các lớp dạy thêm do nhà trường, giáo viên tổ chức. Đặc biệt, quy định không dạy thêm cho học sinh chính khóa ngoài nhà trường có thu tiền là ưu điểm của Thông tư, bởi nếu giáo viên dạy thêm cho học sinh chính khóa rất dễ dẫn đến tiêu cực như: Ép học sinh học thêm, dạy trước chương trình, cư xử không công bằng giữa học sinh học thêm và học sinh không học thêm...

Học sinh Trường THPT Hùng Vương, thị xã Phú Thọ cùng nhau trao đổi, nâng cao kiến thức sau giờ học chính khóa.

Học sinh Trường THPT Hùng Vương, thị xã Phú Thọ cùng nhau trao đổi, nâng cao kiến thức sau giờ học chính khóa.

Để Thông tư đi vào cuộc sống

Nhấn mạnh ý nghĩa của Thông tư 29 trong bối cảnh hiện nay, Tiến sĩ Lê Thị Xuân Thu cho biết thêm: Thông tư 29 là một bước đi cần thiết để quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, để đi đúng hướng, chúng ta cần giải quyết từ gốc rễ, tức là thay đổi nhận thức, tâm lý xã hội. Cần phải “gỡ” bỏ áp lực thành tích, để học sinh được học tập một cách nhẹ nhàng, phát triển toàn diện. Giáo viên cũng cần được tạo điều kiện để nâng cao chuyên môn, đạo đức, tận tâm với nghề, không bị chi phối bởi lợi ích kinh tế từ dạy thêm.

Theo Tiến sĩ Thu, việc học không phải chỉ để lấy điểm cao, vào trường tốt, mà quan trọng hơn là để phát triển năng lực, phẩm chất, hình thành nhân cách cho học sinh. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về dạy thêm, học thêm, quá trình áp dụng Thông tư 29 cần tổng kết, rút kinh nghiệm, sửa đổi, bổ sung các nội dung cho phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm, đảm bảo hoạt động dạy thêm, học thêm diễn ra lành mạnh, phục vụ đúng mục đích giáo dục.

Cùng quan điểm, TS Trần Văn Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết: Việc ban hành Thông tư 29 là rất kịp thời. Để dạy thêm, học thêm đi đúng hướng, dễ quản lý thì cần thực hiện đúng quy định của Bộ GD&ĐT; cần phổ biến các nội dung quy định về học thêm, dạy thêm cho cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh và toàn xã hội để thống nhất nhận thức, hành động. Đáng chú ý là trong Thông tư 29, UBND các cấp, Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT, cán bộ quản lý các nhà trường cũng được giao trách nhiệm quản lý công tác học thêm, dạy thêm.

Sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, Trường THPT công nghiệp Việt Trì đã phổ biến, quán triệt đến toàn bộ cán bộ, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh; yêu cầu giáo viên tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy chính khóa, đồng thời tổ chức cho giáo viên ký cam kết không dạy thêm trái quy định.Thầy giáo Nguyễn Xuân Quỳnh - Hiệu trưởng Trường THPT Công nghiệp Việt Trì: Chúng tôi cũng đã tuyên truyền, phổ biến để giáo viên, phụ huynh hiểu rõ mục tiêu của chương trình GDPT 2018 là phát triển kỹ năng cho học sinh, thầy cô cần hướng dẫn các em cách học, phương pháp tự học; học sinh cần dành nhiều thời gian cho việc tự học thay vì đi học thêm quá nhiều.

Phòng GD&ĐT thị xã Phú Thọ đã tham mưu cho UBND thị xã ban hành các văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện Thông tư 29, tổ chức hội nghị giáo dục quán triệt những điểm mới, nguyên tắc của Thông tư tới toàn thể cán bộ giáo viên; đồng thời tham mưu cho UBND thị xã thành lập các đoàn kiểm tra các trung tâm tổ chức dạy thêm, học thêm.

Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH phát triển giáo dục Thành Nam (huyện Tân Sơn) Nguyễn Kiều Minh cho biết: Công ty thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật và không tổ chức dạy học với các nhóm có số lượng vượt quá 40 học sinh/lớp để đảm bảo hiệu quả tốt nhất. Không tổ chức dạy thêm với học sinh tiểu học. Học sinh và phụ huynh có thể đăng ký lựa chọn giáo viên theo nguyện vọng từng môn học theo danh sách người dạy thêm. Công ty giảm 50% học phí cho học sinh thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, mồ côi.

Để quản lý chặt chẽ hoạt động dạy thêm, học thêm theo các quy định của Thông tư 29, Nhà giáo Ưu tú Phùng Quốc Lập - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết thêm: Trước mắt, Sở GD&ĐT sẽ chỉ đạo các nhà trường phổ biến, quán triệt các quy định mới về dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT tới toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, phụ huynh; yêu cầu các nhà trường và giáo viên thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm. Sở sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan để hướng dẫn các cơ sở dạy thêm đăng ký kinh doanh và thực hiện đúng, đủ các quy định khác của pháp luật. Đồng thời, Sở sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định về dạy thêm, học thêm để làm căn cứ chỉ đạo, quản lý, thực hiện hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh.

Nhóm PV Chính trị - Xã hội

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/ky-ii-dong-long-thuc-hien-228397.htm
Zalo