Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Đoàn ĐBQH Thanh Hóa góp ý vào các dự án luật, dự thảo nghị quyết

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 15/5 Tổ 18 gồm Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang và Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

ĐBQH Lại Thế Nguyên phát biểu tại tổ.

ĐBQH Lại Thế Nguyên phát biểu tại tổ.

Tham gia góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, các ĐBQH thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Nghị quyết; đồng thời góp ý, bổ sung một số nội dung của dự thảo Nghị quyết.

ĐBQH Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật là văn bản mà rất nhiều người quan tâm, nhất là những người hoạt động trong các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

ĐBQH Lại Thế Nguyên phát biểu tại tổ.

ĐBQH Lại Thế Nguyên phát biểu tại tổ.

Góp ý về tên của Nghị quyết và phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết, đại biểu cho rằng: Tên của Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Trong khi phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết tại Điều 1: Nghị quyết này quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính nhằm tạo đột phá trong xây dựng pháp luật và một số nhiệm vụ hoạt động tổ chức thi hành pháp luật hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng pháp luật. Do đó, tên của Nghị quyết này cũng phải xem lại là: Cơ chế, chính sách đặc biệt hỗ trợ cho việc tổ chức thi hành pháp luật hay chỉ hỗ trợ cho một số nhiệm vụ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật liên quan trực tiếp cho xây dựng pháp luật.

Nội dung của Nghị quyết này điều chỉnh 2 vấn đề lớn: Cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính đối với hoạt động xây dựng pháp luật; cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính hỗ trợ một số nhiệm vụ hoạt động tổ chức thi hành pháp luật liên quan trực tiếp đến xây dựng pháp luật. Tuy nhiên, qua nghiên cứu nội dung của dự thảo Nghị quyết, đại biểu thấy nội dung của dự thảo chủ yếu quy định về chính sách, cơ chế áp dụng đối với người tham gia xây dựng pháp luật, mà chưa rõ đối với người tổ chức thi hành pháp luật. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để làm rõ việc hỗ trợ đối với người tổ chức thi hành pháp luật mà có liên quan trực tiếp đến xây dựng pháp luật.

Liên quan đến nội dung này, theo đại biểu, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật mà phải hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng pháp luật mới được hưởng chính sách là chưa thỏa đáng. Vậy trong trường hợp nào là hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng pháp luật? Nếu xét rộng ra thì hoạt động tổ chức thi hành pháp luật ở các ngành, lĩnh vực đều có thể tác động và hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng pháp luật. Vì từ thực tiễn thi hành pháp luật, người tổ chức thi hành pháp luật mới phát hiện để kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật. Theo đại biểu, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật để được hưởng chính sách này nếu như có đề nghị phát hiện để xây dựng xử lý bổ sung, thì nên được hưởng chính sách và hưởng theo vụ việc.

Liên quan tâm đến đối tượng được hỗ trợ hàng tháng ở địa phương liên quan đến hoạt động xây dựng và ban hành văn quy phạm pháp luật, đại biểu cho rằng theo dự thảo thì đối tượng được hưởng chính sách ở cấp tỉnh rất là hạn hẹp. Đại biểu dẫn chứng như Ban Văn hóa - Xã hội, Ban Dân tộc của HĐND tỉnh hoặc Ban Dân chủ pháp luật của MTTQ... cũng tham gia công tác xây dựng pháp luật lại không được hưởng chế độ này, mà chỉ có Ban Pháp chế mới được hưởng, là chưa đầy đủ. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung thêm các đối tượng được hưởng chính sách này ở cấp tỉnh. Hoặc không thì giao cho HĐND tỉnh quy định các đối tượng bởi nó vừa sát thực tiễn mà cũng phù hợp với tình hình thực tế. Còn nếu không thì quy định phải rất rạch ròi.

ĐBQH Cao Thị Xuân phát biểu tại tổ.

ĐBQH Cao Thị Xuân phát biểu tại tổ.

ĐBQH Cao Thị Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa), Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng, một số nội dung đã bám sát Nghị quyết số 66, tuy nhiên ở đây nội hàm xác định người được hưởng chế độ hỗ trợ hàng tháng theo tiêu chí là người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu, nghiên cứu chiến lược chính sách xây dựng pháp luật tại một số cơ quan, đơn vị là rất quan trọng. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu kỹ hơn để làm sao đúng trọng tâm, trọng điểm và tránh dàn trải. Cần quy định rõ hơn đối tượng được nêu trong phụ lục của dự thảo Nghị quyết. Ban soạn thảo cần làm rõ quy định giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ quy định các đối tượng khác được hưởng chính sách hỗ trợ hàng tháng tại điểm c, điểm d Khoản 1...

ĐBQH Mai Văn Hải phát biểu tại tổ.

ĐBQH Mai Văn Hải phát biểu tại tổ.

ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị nên rà soát lại về những nhiệm vụ hoạt động áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù để làm sao đảm bảo rất rõ đây là nhiệm vụ thường xuyên có liên quan đến việc xây dựng pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật. Dự thảo luật nên có một điều quy định rất rõ về đối tượng áp dụng...

Tham gia góp ý về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, các ĐBQH cho rằng, mục tiêu Nghị quyết là thể chế hóa kịp thời một số chủ trương, đường lối của Đảng nêu tại Nghị quyết số 68-NQ/TW nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo điều kiện thuận cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực; thúc đẩy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đào tạo nguồn nhân lực, mở rộng sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân vào các dự án quan trọng quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp tiên phong, vươn tầm quốc tế nhằm tạo “cú hích“, ”đòn bẩy“, ”điểm tựa” tạo động lực mới, giải phóng nguồn lực, sức sản xuất của kinh tế tư nhân. Qua đó, hiện thực hóa các mục tiêu nêu tại Nghị quyết số 68-NQ/TW.

ĐBQH Lê Thanh Hoàn phát biểu tại tổ.

ĐBQH Lê Thanh Hoàn phát biểu tại tổ.

Tham gia góp ý về dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, các ĐBQH cho rằng việc ban hành luật là cần thiết. Đồng thời cho rằng, việc ban hành luật nhằm hoàn thiện pháp luật về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Việc lực lượng vũ trang Nhân dân tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là trực tiếp đóng góp vào sứ mệnh cao cả của Liên hợp quốc; đồng thời là cơ hội mở rộng hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận những vấn đề mới cả về quân sự, dân sự, an ninh - trật tự trên quy mô và phạm vi rộng lớn, với điều kiện môi trường địa chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa đa dạng, khó khăn, phức tạp; góp phần nâng cao năng lực tổ chức, chỉ huy, kỹ năng và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của lực lượng vũ trang Nhân dân trong bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Các ĐBQH đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, làm rõ hơn cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn việc quy định đối tượng dân sự là cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (tại khoản 2 Điều 2); vai trò “thống lĩnh của Chủ tịch nước” trong việc cử lực lượng dân sự tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (tại khoản 1 Điều 4) để bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Quốc Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/ky-hop-thu-9-quoc-hoi-khoa-xv-doan-dbqh-thanh-hoa-gop-y-vao-cac-du-an-luat-du-thao-nghi-quyet-248847.htm
Zalo