Xác định đúng đối tượng thụ hưởng chính sách đặc biệt trong xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 15/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Thảo luận tại tổ, đa số ý kiến các đại biểu khẳng định, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết là cần thiết, nhằm kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền và đổi mới công tác xây dựng pháp luật, nhất là Nghị quyết 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, Kết luận số 119-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật.

Đồng thời, khắc phục những bất cập, tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính; bảo đảm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng và phát triển ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Qua đó, tạo bước đổi mới đột phá, chiến lược, kịp thời, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của công tác xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Cho ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) đánh giá, các chính sách theo dự thảo Nghị quyết rất thỏa đáng, qua đó tạo động lực làm việc, tinh thần khách quan, liêm chính, tránh tư tưởng lợi ích nhóm, phát triển hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giúp phát huy nguồn lực phát triển đất nước. Tuy nhiên, đại biểu đề xuất, dự thảo Nghị quyết cần quy định rõ trách nhiệm của các đối tượng thụ hưởng chính sách, quyền lợi phải gắn với trách nhiệm.

Về đối tượng thụ hưởng cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính cho công tác xây dựng pháp luật, theo đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, cần rà soát theo quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật để xác định đầy đủ đối tượng và vai trò, nhiệm vụ của từng đối tượng tham gia, từ đó xác định đúng đối tượng được thụ hưởng chính sách.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Cùng quan tâm tới nội dung này, đại biểu Lý Thị Lan (Hà Giang) nhận thấy, tại khoản 1 Điều 7, Phụ lục I ban hành kèm theo dự thảo Nghị quyết đã được chỉnh sửa theo hướng làm rõ đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ hằng tháng theo cách tiếp cận chặt chẽ hơn, có trọng tâm, trọng điểm. Để góp phần hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị quyết, đại biểu Lý Thị Lan cho rằng, trong vấn đề về chế độ, chính sách đối với người tham gia công tác xây dựng pháp luật, cần đặc biệt quan tâm đến đội ngũ cán bộ công chức Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh.

Đại biểu Lý Thị Lan nêu thực tế, tại Phòng Công tác Quốc hội và Phòng Công tác Hội đồng nhân dân tại các địa phương cùng một văn phòng, song Phòng Công tác Hội đồng nhân dân được hưởng rất nhiều chính sách về xây dựng nghị quyết, các chính sách của địa phương nhưng Phòng Công tác Quốc hội là bộ phận tham mưu trực tiếp cho Đoàn đại biểu Quốc hội lại không được hưởng các chế độ về xây dựng nghị quyết ở tại địa phương. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần bổ sung nhóm đối tượng này vào dự thảo Nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua.

Góp ý đối với nội dung về ngân sách thực hiện cơ chế, chính sách đặc biệt, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) cho rằng, tại Khoản 1, Điều 4 có quy định: “Ngân sách nhà nước bảo đảm chi cho công tác xây dựng pháp luật không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển”.

Theo đại biểu, mức quy định 0,5% tổng chi ngân sách là số lượng rất lớn, thể hiện sự quan tâm đặc biệt, nhưng cần có định mức và quy định tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện và chi các mục liên quan đến ngân sách để thực hiện cơ chế, chính sách đặc biệt này, bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí; tạo sự đồng thuận, thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong công tác chi và thống nhất với những quy định đã ban hành.

Hiền Hạnh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/xac-dinh-dung-doi-tuong-thu-huong-chinh-sach-dac-biet-trong-xay-dung-to-chuc-thi-hanh-phap-luat-20250515201141831.htm
Zalo